Trước tiên là dự án đường Thủy Dương - Thuận An (tỉnh Thừa Thiên- Huế) dài 6 km, có tổng mức đầu tư giai đoạn I là 285 tỷ đồng. Từ năm 2004 đến nay, các đơn vị thi công chỉ mới hoàn thành một số hạng mục đắp nền đường, thoát nước, thi công phần móng trụ của 4 cầu trên toàn tuyến, trong đó có phần móng của cầu vượt Thủy Dương qua Quốc lộ 1A. So với tiến độ, việc thi công tuyến đường này rất chậm, do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng.
Tỉnh Thừa Thiên- Huế đã quy hoạch xây dựng 4 khu tái định cư (KTĐC) để di dời các hộ dân trong vùng, gồm các khu tái định cư (KTĐC) Thủy Dương, Thủy Vân, Thủy Thanh và Phú Mỹ. Nhưng khổ nỗi, sau mấy năm triển khai công trình tuyến đường Thủy Dương - Thuận An thì hạ tầng các KTĐC này xây dựng quá chậm, nên chưa bố trí được dân đến ở. Vậy là người dân trong vùng dự án đường Thủy Dương - Thuận An khốn khổ theo, vì họ đi không được, ở cũng không xong.
Tương tự, tại Khu đô thị mới Đông Nam Thủy An, do Công ty Xây dựng số 8 (Tổng Công ty Xây dựng 1) làm chủ đầu tư với diện tích đất được giao là 22,8 ha. Trong vùng triển khai dự án này, hiện có 24 hộ dân của tổ 6, thôn 2, xã Thủy Dương (huyện Hương Thủy) đã nhận một phần tiền đền bù, trong đó có 12 hộ đã tháo dỡ nhà bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công, từ năm 2005 đến nay, nhưng chưa được cấp đất tại khu tái định cư như đã cam kết, nên họ phải thuê nhà sống lay lắt qua ngày, vì bị mất nhà và không có đất sản xuất.
Được biết, việc bố trí tái định cư cho các hộ dân nói trên chậm được giải quyết, do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do việc điều chỉnh lại quy hoạch và dự toán thiết kế khu đô thị, kéo theo việc thi công hạ tầng thiết yếu, như đường giao thông, hệ thống cấp nước, hệ thống thoát nước, điện rất chậm, nên chưa bố trí được mặt bằng nhà ở.
Nhưng vấn đề này bao giờ đến hồi kết thì không ai dám chắc, vì còn phụ thuộc vào chủ đầu tư dự án. Tại tổ 5, thôn 2, xã Thuỷ Dương (huyện Hương Thủy) cũng có 10 hộ nằm trong vùng giải toả để thực hiện dự án Khu đô thị mới Đông Nam Thuỷ An nói trên, nhưng ở dạng "treo" theo quy hoạch.
Chủ dự án cùng với chính quyền địa phương đo đạc, cắm mốc giới và áp giá đền bù xong rồi để đó, từ gần 2 năm nay, do đó người dân đi không được mà ở cũng không xong. Nhà cửa, ruộng vườn của họ xác xơ, vì không ai còn chú tâm vào làm lụng, tu sửa, từ đó nỗi ám ảnh giải tỏa của dự án cứ canh cánh trong lòng người dân.
Chị Lê Thị Kiều, ở xã Thủy Dương chủ một căn hộ có diện tích đất 350 m2 tại đây cho biết: cách đây gần 2 năm, địa phương và chủ đầu tư vào mở đường lấn vào vườn nhà, sau đó họ đo đạc áp giá đền bù nhà đất của chị, tưởng là công trình thi công ngay, nên vườn tược để hoang hoá, ai ngờ đến nay khu đô thị mới vẫn là một bãi đất hoang. Ông Lê Quỳ, ở xã Thủy Dương ngoài ngôi nhà đang trong vùng giải toả (như cảnh của chị Kiều), còn có 3,5 sào ruộng bị thu hồi, nên không có đất sản xuất, vì thế phải chuyển sang buôn bán kiếm ăn hàng ngày.
Tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa soát xét, thu hồi đất của dự án Khu đô thị mới Thuỷ An, từ 199,1 ha giảm xuống còn 50 ha. Đặc biệt, riêng Công ty cổ phần Bất động sản (CTCPBĐS) Sông Đà, từ năm 2004 đến nay đã nhận gần 200 ha đất của 12 dự án đầu tư trên địa bàn, nhưng nay bị thu hồi đất của 9/12 dự án, trong đó có một phần dự án thuộc Khu đô thị mới Thuỷ An; các dự án còn lại cũng đang trong tình trạng thi công cầm chừng, như dự án hạ tầng khu quy hoạch Kiểm Huệ và dự án xây dựng cao ốc, siêu thị, tại đường Hà Nội - Nguyễn Tri Phương cũng khó thành công trong nay mai, vì đây cũng là những công trình đạt kỷ lục về sự "nằm ì".
Dù tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có những biện pháp cương quyết trong việc thu hồi đất của các dự án như trên, nhưng theo chúng tôi được biết, việc thu hồi đất của các dự án này sẽ được chuyển giao cho các chủ dự án khác. Như vậy, nhiều hộ dân trong vùng dự án lại vẫn tiếp tục nằm chờ đền bù và chờ cấp đất tái định cư, do đó việc này khó khăn thêm chồng chất, vì một khi đã chưa "an cư" thì họ khó "lập nghiệp"...
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: