Top

Thu hồi đất: Sẽ thu hồi cả đất liền kề?

Cập nhật 30/10/2012 13:15

Sáng 29/10, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Nguyễn Minh Quang trình bày Tờ trình dự án Luật đất đai (sửa đổi). Ngay sau đó, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật đất đai (sửa đổi.)

Theo Báo cáo thẩm tra, đa số ý kiến cho rằng, Cơ quan soạn thảo đã chuẩn bị nghiêm túc, bám sát các Nghị quyết của Đảng, thực hiện đúng các trình tự, thủ tục theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị cần rà soát những nội dung đã áp dụng ổn định trong thực tiễn thì quy định luôn trong Luật, hạn chế việc ban hành nhiều văn bản hướng dẫn dưới luật. Có ý kiến đề nghị trình Quốc hội thông qua dự án Luật này cùng với Hiến pháp (sửa đổi) vào kỳ họp cuối năm 2013, đồng thời, đề nghị có kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân.

Ý kiến chung trong Ủy ban Kinh tế đề nghị Cơ quan soạn thảo cần chủ động bám sát nội dung sửa đổi Hiến pháp năm 1992 để thiết kế các quy định cho phù hợp, bảo đảm đúng tiến độ, thời gian thông qua dự án Luật.

Về cơ chế thu hồi đất, Báo cáo thẩm tra cho biết, đa số ý kiến tán thành quy định Nhà nước chủ động thu hồi đất theo kế hoạch sử dụng đất hàng năm đã được phê duyệt và tán thành việc quy định cụ thể các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào các mục đích quốc phòng, an ninh, phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội.

Đặc biệt, phần lớn ý kiến tán thành quy định khi xây dựng, mở rộng các công trình kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị cần phải quy hoạch và tổ chức thu hồi cả phần diện tích đất liền kề công trình kết cấu hạ tầng, vùng phụ cận để tạo nguồn lực từ đất đai đầu tư cho các công trình này và hỗ trợ người có đất bị thu hồi, đồng thời ưu tiên cho người bị thu hồi đất ở được giao đất hoặc mua nhà trên diện tích đất đã thu hồi mở rộng.

Ảnh minh họa

Khi thu hồi đất, cần thu hồi cả vùng đất liền kề để tạo nguồn lực cho đầu tư và cũng tránh được tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo - ảnh minh họa

Ngoài ra, đa số ý kiến đề nghị quy định chặt chẽ việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất phải đảm bảo dân chủ, công khai, khách quan, công bằng và đúng pháp luật. Người sử dụng đất được bồi thường theo mục đích đang sử dụng hợp pháp. Người có đất bị thu hồi được hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm, tổ chức lại sản xuất, đảm bảo đời sống.

Có ý kiến đề nghị làm rõ căn cứ quy định thu hồi đất vào mục đích lợi ích công cộng và phát triển kinh tế - xã hội, bởi vì, theo Hiến pháp 1992 thì chỉ quy định “Trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của cá nhân hoặc tổ chức theo thời giá thị trường” .

Về hình thức giao đất không thu tiền sử dụng đất, giao đất có thu tiền sử dụng đất và cho thuê đất, đa số ý kiến tán thành quy định thu hẹp các đối tượng được giao đất không thu tiền sử dụng đất và mở rộng đối tượng được thuê đất. Trước mắt có thể xem xét miễn tiền thuê đất đối với một số đơn vị sự nghiệp thuộc lĩnh vực khuyến khích xã hội hóa. Tuy nhiên, cần có định mức sử dụng đất để giới hạn diện tích mà mỗi đơn vị sự nghiệp được miễn tiền thuê đất, trường hợp vượt hạn mức phải trả tiền thuê đất.

Phần lớn ý kiến cũng tán thành quy định việc giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội chủ yếu thực hiện thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất.

Về giá đất, đa số ý kiến cho rằng, đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu nên giá đất phải do Nhà nước quyết định, bao gồm khung giá đất và mức giá cụ thể. Khung giá đất, bảng giá đất được điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với từng loại đất, các đối tượng sử dụng đất và các trường hợp giao đất, cho thuê đất. Có cơ chế xử lý chênh lệch giá đất tại khu vực giáp ranh giữa các địa phương.

Phần lớn ý kiến tán thành nguyên tắc giá đất do Nhà nước quy định theo mục đích sử dụng đất tại thời điểm định giá, đảm bảo phù hợp với cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.

Về xử lý đối với trường hợp thu hồi đất do vi phạm, nhiều ý kiến tán thành quy định thu hồi đất do người sử dụng đất có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai; người bị thu hồi đất trong các trường hợp này không được trả lại tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đã nộp, không được thanh toán giá trị đầu tư và tài sản gắn liền với đất.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định này vì có trường hợp người sử dụng đất chậm đưa đất vào sử dụng có lý do khách quan, bất khả kháng như bị tác động trực tiếp bởi khủng hoảng kinh tế, thiên tai. Do đó, cũng cần xem xét từng trường hợp cụ thể để bồi thường cho người sử dụng đất phần tài sản đã đầu tư trên đất.

Liên quan đến thẩm quyền thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, nhiều ý kiến đề nghị đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu, vì vậy, thay mặt Nhà nước thực hiện thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất phải là Ủy ban nhân dân chứ không nên giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân.

Cũng có một số ý kiến khác tán thành quy định các thẩm quyền này thuộc Chủ tịch Ủy ban nhân dân nhằm nâng cao trách nhiệm cá nhân và góp phần cải cách thủ tục hành chính.

Đa số ý kiến tán thành việc quy định thời hạn giao, cho thuê đất nông nghiệp đối với hộ gia đình, cá nhân là 50 năm vì thời hạn này sẽ tạo điều kiện cho người nông dân yên tâm đầu tư sản xuất, nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Đặc biệt, một số ý kiến đề nghị thực hiện giao đất nông nghiệp không thời hạn; việc quy định thời hạn không có nhiều ý nghĩa và sẽ làm tăng thêm các thủ tục hành chính và chi phí cho việc gia hạn sử dụng đất khi hết thời hạn.

DiaOcOnline.vn - Theo VnMedia