Sáng 29.8, cầu Mỹ Lợi nối liền hai tỉnh Tiền Giang và Long An chính thức thông xe, mở ra tiềm năng phát triển rất lớn cho cả một khu vực.
Việc đưa vào vận hành cầu Mỹ Lợi đã rút ngắn thời gian di chuyển từ Tiền Giang, Long An tới TP.HCM - Ảnh: Đình Sơn |
Cầu Mỹ Lợi rộng 12 m (2 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ), dài hơn 2,6 km (phần cầu hơn 1,4 km) trên tuyến QL50, bắc qua sông Vàm Cỏ nối H.Cần Đước (Long An) với TX.Gò Công (Tiền Giang). QL50 là tuyến đường trọng yếu trong mạng lưới giao thông đường bộ huyết mạch nối TP.HCM với vùng duyên hải phía đông của tỉnh Long An, Tiền Giang và các tỉnh khu vực ĐBSCL, đồng thời giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh quốc phòng của vùng. Quốc lộ đã và đang được nâng cấp nhằm đáp ứng nhu cầu giao thông trong khu vực, góp phần chia sẻ lưu lượng xe với QL1. Tuy nhiên, tại đoạn vượt sông Vàm Cỏ giữa Cần Đước và TX.Gò Công từ trước đến nay phải dùng phà. Đây là trở ngại lớn, gây chậm trễ và hạn chế năng lực lưu thông, phát triển.
Cầu Mỹ Lợi đi vào hoạt động, từ TX.Gò Công đến TP.HCM và ngược lại sẽ rút ngắn thời gian khoảng 30 phút so với phải đi qua phà (chưa kể thời gian chờ phà). Có cầu, việc lưu thông bằng đường bộ theo QL50 từ TX.Gò Công và các huyện phía đông của tỉnh Tiền Giang như: Gò Công Đông, Gò Công Tây, Tân Phú Đông đến Long An và TP.HCM thuận lợi hơn, nhất là đối với xe khách và xe tải, vì không phải đi vòng lên TP.Mỹ Tho, theo QL1 hoặc đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương như trước đây xa hơn khoảng 50 km.
Ông Nguyễn Văn Phú, chủ một số xe tải thuộc Công ty vận tải Minh Đăng Khoa (TP.HCM), hồ hởi: “Xe lưu thông từ TP.HCM đi Gò Công, Tiền Giang qua cầu này sẽ tiết kiệm được hơn 10% chi phí nhiên liệu. Ngoài ra, nếu tính về thời gian, ngày công thì lợi nhuận có thể tăng gấp đôi trong trường hợp hàng hóa nhiều. Chẳng hạn, một chuyến vận tải hàng hóa từ TP.HCM đi Gò Công hiện nay thu được 1 triệu đồng, khi rút ngắn được thời gian chạy xe xuống còn một nửa thì chủ xe sẽ vận chuyển được 2 chuyến thay vì 1 chuyến như trước đây, lợi nhuận sẽ từ 1 triệu đồng lên 2 triệu đồng. Một ngày nếu chạy liên tục thì lợi nhuận sẽ rất khá”.
Tận dụng quỹ đất
Tại lễ thông xe, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh cầu Mỹ Lợi là công trình rất quan trọng đối với ĐBSCL, tạo thêm một trục đường thông suốt không còn bị ngăn cách bởi phà, để phá thế độc đạo của QL1. Đặc biệt, công trình sẽ tạo điều kiện để các tỉnh trong khu vực ĐBSCL nói chung, hai tỉnh Long An và Tiền Giang nói riêng có cơ hội phát triển tốt hơn.
Ông Thể cũng đề nghị lãnh đạo hai tỉnh Long An và Tiền Giang khẩn trương nghiên cứu đẩy mạnh phát triển các ngành kinh tế 2 bên bờ sông Vàm Cỏ, như các khu dịch vụ liên quan, khu công nghiệp, cảng… nhằm khai thác lợi thế cầu Mỹ Lợi.
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, ngay khi cầu được khởi công, nhiều nhà đầu tư trong, ngoài nước đã hướng về khu vực này để thuê đất làm nhà xưởng, bến cảng. Cụ thể đã có gần 6.000 ha đất ở các địa phương như Tân Thành, Vàm Láng, Gia Thuận, Bình Đông, Bình Xuân (H.Gò Công Đông và TX.Gò Công)… được đăng ký thuê để xây nhà máy đóng tàu, bến cảng, kho bãi dịch vụ, khu đô thị mới, khu công nghiệp hóa dầu, cụm công nghiệp và dịch vụ du lịch biển. Hiện Tổng công ty công nghiệp tàu thủy Vinashin đã tiếp nhận 280 ha đất để xây nhà máy đóng tàu biển và đang san lấp hơn 100 ha. Các nhà đầu tư còn lại cũng đang nhanh chóng xúc tiến các thủ tục cần thiết để triển khai dự án.
Dự án cầu Mỹ Lợi do Công ty CP phát triển bất động sản Phát Đạt và Công ty 620 làm chủ đầu tư, tổng đầu tư gần 1.500 tỉ đồng theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Dự kiến chủ đầu tư sẽ bắt đầu thu phí giao thông qua cầu từ tháng 11.2015, thời gian thu phí, hoàn vốn khoảng 28 năm 4 tháng.
Biến đất hoang hóa thành “đất vàng”
Cùng ngày, UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức lễ khánh thành cầu An Đông bắc qua cửa biển Đông Hải, TP.Phan Rang-Tháp Chàm. Cầu có tổng mức đầu tư 1.327 tỉ đồng, rộng hơn 20 m, dài hơn 3,4 km (trong đó phần cầu chính hơn 1 km); khổ thông thuyền cao hơn 10 m, rộng 80 m; điểm nổi bật là hệ thống dây văng được lắp đặt qua 4 trụ tháp cao gần 15 m tính từ mặt cầu.
Cầu An Đông đưa vào sử dụng phá thế cô lập cho khu vực dân cư ven biển phía nam của Ninh Thuận. Người dân làng biển Phú Thọ thuộc P.Đông Hải và xã An Hải, H.Ninh Phước cách trung tâm TP.Phan Rang-Tháp Chàm chỉ một tầm nhìn nhưng trước kia đi lại rất khó khăn vì bị ngăn cách cửa biển Đông Hải, phải đi vòng theo tỉnh lộ xa cả chục ki lô mét mới đến được trung tâm TP. Mùa mưa bão, nơi đây trở thành ốc đảo, bị cô lập hoàn toàn.
Cây cầu là một trong 8 dự án thành phần cuối cùng của dự án tuyến đường ven biển Ninh Thuận dài 106 km, nối từ biển Bình Tiên, vùng giáp ranh tỉnh Khánh Hòa, đến biển Cà Ná tiếp giáp tỉnh Bình Thuận, tổng vốn đầu tư hơn 4.550 tỉ đồng, đã được đưa vào sử dụng. Trên tuyến đường có 2 cầu bắc qua cửa biển, tạo nên sự kết nối giao thông hài hòa giữa các vùng miền. Đó là cầu Ninh Chữ tổng chiều dài 1,7 km bắc qua cửa biển Đầm Nại và cầu An Đông.
Đánh giá tầm quan trọng của tuyến đường ven biển, ông Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, cho biết đây là con đường chiến lược của Ninh Thuận, là một trong những cơ sở phục vụ cho sự phát triển kinh tế xã hội kết hợp với an ninh quốc phòng của địa phương. Dự kiến quỹ đất sẽ được đánh thức dọc tuyến đường ven biển này lên đến 8.000 ha. “Từ đất hoang hóa, đất nhiễm mặn ven biển sẽ trở thành những vùng đất đầy tiềm năng để phát triển ngành du lịch sinh thái, du lịch biển, xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển các khu công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản… phục vụ chiến lược phát triển kinh tế của Ninh Thuận đến năm 2020”, ông Vĩnh nói.
Cầu An Đông được đưa vào sử dụng - Ảnh: Lê Văn Hùng
|
DiaOcOnline.vn - Thanh niên
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: