Top

Thiệt đơn thiệt kép khi giá đất tăng

Cập nhật 11/05/2015 09:17

Qua tiếp xúc với nhiều doanh nghiệp hoạt động trong ngành BĐS, chúng tôi nhận thấy hàng loạt lời ca thán đãđược đưa ra và cũng có doanh nghiệp đang tính chuyện rút rui khỏi thị trường.


Quy định khung giá đất tăng lên tại Luật Đất đai 2013 đang gây nhiều áp lực cho doanh nghiệp kinh doanh BĐS

Trong khi các doanh nghiệp trông chờ Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực sẽ nhanh chóng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình kinh doanh thì cũng có nhiều doanh nghiệp khẳng định rằng, Luật Đất đai 2013 và các văn bảng dưới luật đang mang lại một số nguy cơ sẽ đẩy giá bất động sản (BĐS) tăng lên.

Khi chúng tôi hỏi về lý do, đại diện của một số doanh nghiệp cho rằng, trong khi việc miễn, giảm tiền sử dụng đất vẫn còn nhiều tranh cãi, doanh nghiệp đang trông đợi được áp dụng thì lại có thêm nhiều chi phí đầu vào “đè” cổ doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, chắc chắn đầu ra của các doanh nghiệp kinh doanh BĐS - chính là nhà ở - sẽ tăng lên nếu giá đất được quy định theo hướng tăng. Điều này sẽ gây ảnh hưởng, kéo sức mua giảm xuống rõ rệt trong thời gian tới.

“Hầu hết các doanh nghiệp trong ngành đều đặt kỳ vọng rất lớn cho sự ra đời của Luật đất đai năm 2013 và các quy định hướng dẫn thi hành sau đó. Tuy nhiên, trái với mong đợi, doanh nghiệp và thị trường đang chứng kiến một loạt những chính sách khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn hơn", ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM nêu ý kiến trong một cuộc trao đổi ngắn mới đây.
Luật Đất đai 2013

Quy định khung giá đất tăng lên tại Luật Đất đai 2013 đang gây nhiều áp lực cho doanh nghiệp kinh doanh BĐS

Ông Phạm Ngọc Hiển, Phó TGĐ Công ty CP Đầu tư Xây dựng Nam Hà thừa nhận rằng, trong một quy trình đầu tư dự án BĐS, có hai vấn đề mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng sợ nhất chính là giá đất và khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng. Trong tình hình doanh nghiệp đang “hấp hối” như hiện nay, giá thuê đất lại tăng cao thì càng ép doanh nghiệp vào thế khó khăn tột cùng.

“Các phương pháp tính tiền thuê đất hiện nay vẫn chưa thực sự sát với thực tiễn hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, thì nay giá đất lại tăng lên gấp đôi sẽ kéo theo nhiều hệ lụy khác. Khi đẩy giá đất lên cao, Nhà nước chỉ được lợi là tăng các khoản thu từ doanh nghiệp nhưng ngược lại, doanh nghiệp không còn đường ra trong một thị trường đầy khó khăn hiện nay”, ông Hiển thừa nhận.

Có chung quan điểm trên, ông Nguyễn Du Trường Nguyên, Giám đốc Kinh doanh Công ty CP Địa ốc Phú Long khẳng định rằng, tác dụng lớn nhất của việc đẩy khung giá đất lên này là Nhà nước tăng nguồn thu ngân sách. Trong khi sức cạnh tranh trên thị trường BĐS đang yếu dần, hàng loạt doanh nghiệp phải cắt lỗ, thực hiện nhiều biện pháp giảm giá với mong muốn đưa được sản phẩm đến người mua, giờ giá đất tăng sẽ khiến doanh nghiệp không muốn đầu tư vào thị trường.

“Giá đất là yếu tố đầu vào rất quan trọng của một dự án BĐS. Khi giá đất tăng cao thì đầu ra của sản phẩm sẽ tăng. Trong giai đoạn hiện nay, giá nhà mà tăng chút đỉnh thì người mua nhà sẽ quay lưng lại với dự án”, ông Nguyên cho biết.

Ngoài ra, vị giám đốc này cũng cho biết, chuyện bổi thường giải phóng mặt bằng cho dân để có đất sạch quả là một giai đoạn nhiêu khê, “trần ai” vì doanh nghiệp phải thỏa thuận với dân đến từng mét vuông đất cuối cùng, phải gồng mình hết sức để nhanh chóng có đất sạch, triển khai dự án. Giờ giá đất tăng, DN sẽ tiếp tục lâm vào thế vô cùng khó khăn.

Tuy nhiên, đứng về phía cơ quan quản lý Nhà nước thì cách nghĩ và cách làm lại hoàn toàn khác!

Một vị đại diện của Sở Tài Chính Tp.HCM cho hay, mục đích của việc xây dựng khung giá đất mới theo Luật đất đai năm 2013 là nhằm đưa giá đất bám sát thị trường, giúp doanh nghiệp sử dụng tốt nguồn lực tài nguyên đất và phù hợp với quy luật phát triển kinh tế nói chung.

Vị này phân tích, trong quá trình hội nhập kinh tế, việc ưu đãi giá đất hay giá thuê đất được xem là rào cản, vì tại các nền kinh tế phát triển luôn áp dụng việc kiện phá giá khi thấy doanh nghiệp nhận được sự bảo trợ của chính phủ về sử dụng đất, thuê đất.

Điều này sẽ tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp kinh doanh BĐS. Do vậy, xây dựng khung giá đất mới theo Luật Đất đai sẽ tạo môi trường cạnh tranh tốt cho doanh nghiệp trong nước, thúc đẩy thị trường BĐS phát triển.

Về vấn đề này, một chuyên gia kinh tế và hiện cũng là tổng giám đốc một công ty địa ốc tại quận Thủ Đức (Tp.HCM) thẳng thắn nói rằng, cái lý của cơ quan quản lý nhà nước về đất đai đưa ra lúc nào cũng đúng.

Tuy nhiên, chúng ta cần phải nhìn nhận thị trường BĐS hiện nay đang ở đâu, đang diễn biến như thế nào. Ngay sau khi Luật Đất đai có hiệu lực không bao lâu, thì cùng một thời điểm, có một loạt các văn bản hướng dẫn thi hành như thế, đã dẫn đến những hệ lụy mà chính các doanh nghiệp đang phải lâm vào tình trạng “dở khóc dở cười”.


DiaOcOnline.vn - Theo Trí Thức Trẻ