Những mảnh đất đầy cỏ, dừa nước này đã một thời dậy sóng (những cao ốc phía xa là ở bên kia sông Sài Gòn, thuộc Q.2) - Ảnh: Đỗ Khang |
Ngày 3.2, UBND TP.HCM ban hành Văn bản số 614 thu hồi quyết định tạm giao đất dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa (P.28, Q.Bình Thạnh), dòng người lũ lượt về lùng sục khắp hang cùng ngõ hẻm để mua cho được một mảnh ở “bán đảo vàng”. Đến nay thì ngược lại: Tháo chạy.
Mua theo đại gia
Thông tin từ những người dân cho hay: Trước đây nhà đất thuộc mặt tiền các đường ở khu nông thôn chỉ có mua bán với nhau giữa những người dân trong cùng khu vực, giá thấp là trên dưới 1 triệu và có cao nhất cũng trên 2 triệu đồng/m2, còn nhà đất trong hẻm chỉ khoảng 200-250 triệu đồng/căn diện tích từ 40-60m2. Thế nhưng, sau quyết định 614 thì mọi thứ thay đổi hoàn toàn, giá cứ nhích từng ngày đến chóng mặt.
Một hiện trạng ghi nhận được ở những khu đất ruộng tại Thanh Đa là nhiều hàng cọc xác định ranh giới đất xuất hiện khắp nơi. Theo thông tin từ những người dân địa phương, nhiều công ty cho người thu gom đất, cách mua của các công ty này cũng khác lạ: Tính từ bờ sông vào khoảng 10 mét, diện tích bao nhiêu cũng mua. Thủ tục mua bán được thiết lập đến mức đơn giản nhất để những chủ đất khỏi ngại: Chỉ cần chủ đất giao hết các giấy tờ liên quan đến mảnh đất và nhận tiền, phần còn lại bên mua tự lo. Nhiều người ở đây đến giờ vẫn còn thắc mắc không hiểu vì sao có kiểu mua đất lạ lùng đến vậy, còn giới chuyên môn thì buông lời ngắn gọn: Đầu cơ.
Có một đại gia đã mua gần 2.000ha đất ao, nằm xen kẽ trong khu dân cư với giá mua vào tại thời điểm bắt đầu sốt. Thông tin từ nhiều người dân cũng cho biết những lô đất này mặc dù chưa san lấp, khi mua được người bán cam kết sẽ san lấp, người mua phải đóng đủ tiền khi lô đất được san lấp xong. Với phương thức mua bán đóng trước 70% giá trị, với giá bán 3,5 triệu đồng/m2, và mua bán với nhau bằng giấy tay.
Từ hành động trên của các công ty và đại gia, những nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng cố mua theo, tạo nên làn sóng tranh mua ào ạt, còn chủ đất thì cứ theo đó mà nâng giá từng ngày. Tại một mảnh đất ở trong sâu hút, chúng tôi gặp một chủ đất dù đã ngoài 80 tuổi nhưng còn minh mẫn. Hầu chuyện với ông cụ cả buổi với đủ chuyện trên trời dưới đất nhằm lấy tình cảm để ông bán cho một mảnh, đến khi chia tay, ông cụ bịn rịn nói với giọng hết sức tình cảm: “Tao đâu thèm bán cho tụi công ty. Tao thương tụi bay, tao bán nguyên miếng luôn (gần 1ha -PV). Dìa chuẩn bị tiền đi, có 70 tỉ hà”. Vậy là tới 7 triệu đồng/m2, trong khi trước đó chỉ có vài ba trăm ngàn đồng/m2 mà kiếm người mua đã khó.
Tháo chạy
Trước tình hình tăng nóng của giá nhà đất, những người có trách nhiệm đã lên tiếng cảnh báo. Trong một lần trả lời báo chí, ông Trương Xuân Được, Chủ tịch UBND P.28, Q.Bình Thạnh, cho biết: Quy hoạch nơi này vẫn chưa phải xóa treo hoàn toàn như nhiều người lầm tưởng. Một điều đáng quan tâm là khu vực này vẫn còn hạn chế về xây dựng (chỉ được sửa chữa và xây cất trên hiện trạng cũ, không được xây dựng mới, không chuyển mục đích sử dụng...). Trong khi đó, đất tại khu vực này chủ yếu là đất nông nghiệp, và vướng quy hoạch nhiều năm nên đa phần chưa được cấp giấy chứng nhận, việc mua bán sẽ chứa đựng nhiều rủi ro.
Giới chuyên môn cũng tham gia phân tích rằng Quyết định 614 không phải là một quyết định xóa treo dự án Khu đô thị mới Bình Quới-Thanh Đa, mà chỉ cho thực hiện giao dịch với loại nhà đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng/sở hữu, trong lúc tìm kiếm nhà đầu tư có đủ năng lực thực hiện.
Từ đó đến nay, người mua đất tìm đến Thanh Đa ngày một thưa dần, những người lỡ mua thì tìm cách bán lại bằng mọi giá, những con đường quanh co ngõ xóm không còn bị khuấy động bởi tiếng động cơ xe máy. Còn những người chủ đất chỉ còn biết mong ước sao thành phố sớm tìm được chủ đầu tư có năng lực thực sự, để họ không phải mỏi mòn đợi chờ quy hoạch.
DiaOcOnline.vn - Theo Thanh Niên
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: