Top

Nguyên nhân tạo ra những cơn sốt nhà, đất ảo:

Thị trường không minh bạch

Cập nhật 09/12/2009 13:40

Sau một thời gian tạm lắng, giá nhà đất tại Hà Nội đã trở lại "đường đua", thậm chí còn cao hơn đỉnh hồi cuối năm 2007. Người hưởng lợi nhiều nhất từ "cơn sốt đất" chính là các chủ đầu tư. Vậy ai là người trợ giúp cho các chủ đầu tư?

Tình trạng sốt đất đang tập trung ở khu vực phía Tây Hà Nội mở rộng, giá đất tăng lên hằng ngày, thậm chí là hằng giờ. Để tìm hiểu thực tế, chúng tôi có mặt tại khu đô thị Văn Khê, quận Hà Đông. Đây là khu đô thị có tổng diện tích 21ha do Công ty cổ phần Sông Đà - Thăng Long làm chủ đầu tư.

Do diện tích đất thu hồi đều từ đất nông nghiệp, nên khu đô thị này gặp nhiều thuận lợi về giải phóng mặt bằng, tất cả các hạng mục công cộng như: điện, đường, hệ thống thoát nước, công viên, hồ… được xây dựng tương đối đồng bộ, đúng tiến độ.

Sau khi bán hết nhà liền kề, biệt thự cũng như các căn hộ chung cư, chủ đầu tư tiếp tục thực hiện dự án Văn Khê mở rộng (Usilk City). Usilk City được quảng bá là giúp khớp nối hạ tầng giữa các khu đô thị, hình thành một quần thể đô thị đồng bộ và hiện đại, có quy mô 9,2ha, được thiết kế, tư vấn, quản lý dự án bởi các đối tác Hàn Quốc, với cảnh quan đẹp, kiến trúc hiện đại, thân thiện với môi trường, góp phần tạo nên một khu đô thị mới hài hòa, ưu việt, đặc trưng Việt Nam…

Thế nhưng, điều quan trọng nhất với khách hàng là giá cả lại không “thuần Việt” một chút nào. Tại khu nhà mẫu căn hộ Usilk City, một nữ nhân viên cho biết: Giá bán căn hộ được quy đổi ra đồng USD, dao động từ 1.820 - 2.000 USD/m2. Trong vòng 1 tháng qua, chủ đầu tư đã 3 lần tăng giá bán căn hộ Usilk City, nhưng số lượng căn hộ còn lại cũng không nhiều.

Không chỉ có Usilk City ở Văn Khê tăng giá, các khu đô thị khác: Văn Phú, làng Việt Kiều châu Âu, Xa La… đều phải chịu giá chênh khoảng 20-30%. Tại khu D, đô thị mới Lê Trọng Tấn chưa giải phóng xong mặt bằng, song đã rao bán 27-29 triệu đồng/m2, chênh lệch khoảng 10 triệu đồng/m2 so với giá gốc.

Đất tại phường Dương Nội (Hà Đông) được nhà đầu tư “hô” với giá 54 triệu đồng/m2, gấp đôi thời điểm cách đây 3 tháng. Tòa nhà chung cư Hemisco - Xa La mới xây xong phần móng đã được rao bán trên thị trường với giá gốc 15 triệu kèm 5 triệu đồng tiền chênh cho mỗi mét vuông.

Đặc biệt, khu đô thị Bắc An Khánh - Splendora chưa được chủ đầu tư công bố giá bán, nhưng đã có nhiều thông tin: “Bán biệt thự Bắc An Khánh diện tích 210 - 330m2, có số ô, số thửa, vị trí đẹp, hợp đồng chính chủ, giá gốc cộng chênh 1,8 tỷ đồng”. Trong khi đó, vào đầu tháng 10, giá chênh mỗi lô biệt thự của khu đô thị Bắc An Khánh chỉ khoảng 1 tỷ đồng.

Theo giới kinh doanh bất động sản (BĐS), chủ động tăng giá bán là cách “làm hàng” nhanh và hiệu quả nhất của các chủ đầu tư. Điều đó thể hiện, đầu năm 2009, thị trường BĐS “đóng băng”, số người mua đất rất hạn chế, nhưng các công ty BĐS vẫn “móc ngoặc” với nhau: cứ 3 tháng lại chủ động tăng 20% giá bán. Mục đích là để câu khách và tạo ra cơn sốt ảo. Nhiều căn nhà liền kề trị giá hàng chục tỷ đồng, bỏ hoang từ nhiều năm nay, không có người ở là một minh chứng (ảnh trên).

Sau khi nắm được các thông tin liên quan đến dự án Usilk City, chúng tôi đã liên hệ với một trung tâm môi giới BĐS có trụ sở tại phố Bà Triệu đang rao bán căn hộ. Người phụ trách trung tâm đon đả: “Em yên tâm, chị có mấy căn hộ ở đây. Nếu mua, chị để lại giá gốc là 750 USD/m2. Tiền chênh lệnh là 1,1 tỷ đồng/căn hộ 166m2”.

Mặc dù phải bỏ ra một số tiền lớn như vậy, nhưng khách hàng không biết căn hộ mình được mua nằm ở tầng nào, hướng gì của tòa nhà? Trước thắc mắc này, người phụ trách trung tâm giải thích: Nếu muốn biết rõ vị trí căn hộ thì phải góp vốn cho chủ đầu tư bằng 60% giá trị căn hộ. Đây chính là “sân sau” của chủ đầu tư.

Trao đổi với phóng viên, một số người chuyên kinh doanh BĐS cho rằng: Để mua được căn hộ với giá gốc ở Hà Nội đối với người dân “chỉ có trong mơ”. Trên thực tế khi các khu chung cư, nhà liền kề, biệt thự chưa hoàn thiện xong phần móng thì đã bán hết.

Nguyên nhân cơ bản là do thị trường BĐS ở Hà Nội không minh bạch, quá trình mua bán diễn ra vòng vèo, chủ đầu tư không công khai thời điểm và giá bán cho mọi đối tượng. Đến khi dự án hoàn thiện, đa phần các căn hộ, nhà liền kề đã nằm trong tay của các đối tượng môi giới hoặc “sân sau” của chủ đầu tư.

Theo quy định của Nhà nước, tất cả các giao dịch nhà đất phải thực hiện qua sàn giao dịch. Tuy nhiên, trong 8 tháng đầu năm 2009 chỉ có hơn 3.000 giao dịch thông qua sàn, chiếm từ 15%-20% giao dịch của thị trường. Vào những ngày cuối năm 2009, thị trường BĐS ở Hà Nội đang có những diễn biến bất thường, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác quản lý, giám sát sao cho thị trường BĐS trở nên minh bạch hơn.
 

DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới