Top

Thị trường địa ốc 6 tháng đầu năm: Bung hàng nhiều, giá vẫn tăng!

Cập nhật 26/06/2017 16:27

Trong 6 tháng đầu năm, tại 2 thị trường lớn Hà Nội và TPHCM, hàng loạt các chủ đầu tư bất động sản (BĐS) bung hàng, đã có những cảnh báo bội thực phân khúc chung cư. Tuy nhiên, điều ngạc nhiên, dù lượng hàng nhiều nhưng giá nhà vẫn tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, phân khúc BĐS trung, cao cấp được dự báo bội cung nhưng các giao dịch thành công vẫn tập trung ở phân khúc này.


Theo Cục quản lý nhà và thị trường BĐS, 6 tháng đầu năm giá nhà vẫn tăng nhẹ từ 3 đến 5% tại 2 thành phố lớn là Hà Nội, TPHCM. Ảnh: PV

Tập trung phân khúc trung, cao cấp

Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho biết theo số liệu báo cáo của một số sàn giao dịch bất động sản tại Hà Nội, chỉ tính riêng trong tháng 6.2017 thị trường này có 1.300 giao dịch thành công. Như vậy, tính chung 6 tháng đầu năm 2017 có khoảng 6.700 giao dịch thành công. Phần lớn các giao dịch thành công đều tập trung tại phân khúc căn hộ trung và cao cấp.

Các dự án có số lượng giao dịch tăng và giá tăng trong thời gian gần đây đều nằm tại các khu vực được hưởng lợi thế từ hạ tầng của các dự án mở rộng đường đã và sắp hoàn thành như dự án mở rộng đường vành đai 2, dự án đường Nguyễn Xiển - Xa La, đường Lê Đức Thọ - khu đô thị Xuân Phương. Nhìn chung trong tháng 6 đầu năm, giá BĐS tại Hà Nội không có nhiều biến động. Giá nhà ở trong khu vực nội đô tại một số dự án căn hộ trung cao cấp, vị trí thuận lợi, hạ tầng đồng bộ, tiến độ thi công tốt, chủ đầu tư uy tín, có chính sách bán hàng và khuyến mại hấp dẫn thì giá bán có tăng nhẹ từ 3% - 5% so với cùng kỳ năm 2016.

Trong khi đó, tại TPHCM, thị trường nhà ở thương mại của thành phố trong 06 tháng đầu năm đã có 32 dự án nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện huy động vốn, với tổng số 16.506 căn (trong đó, có 14.754 căn hộ chung cư, 1.752 căn nhà thấp tầng), với tổng giá trị cần huy động lên đến 30.599 tỉ đồng. Theo đó, phân khúc nhà ở bình dân chào bán tăng 1,9 lần, phân khúc cao cấp tăng 1,8 lần, nhưng phân khúc trung cấp giảm đến 42,1%, có những chủ đầu tư lớn chuyên phát triển dự án nhà ở trung cấp không có sản phẩm bán trong 6 tháng đầu năm nay.

Ngoài ra, về giao dịch mua bán tiếp tục tăng trưởng ổn định, không có hiện tượng tăng hay giảm đột biến. Tại 2 thành phố lớn Hà Nội và TPHCM, lượng giao dịch tăng trung bình khoảng 5% hằng tháng một cách ổn định.

Trước mắt ổn định nhưng vẫn tiềm ẩn bất ổn

Đánh giá về tình hình thị trường BĐS 6 tháng đầu năm, ông Nguyễn Mạnh Hà - Chủ tịch Hội Môi giới BĐS - cho biết giá cả BĐS trong 6 tháng đầu năm tiếp tục tăng nhẹ. Cụ thể, thị trường BĐS 6 tháng đầu năm 2017 tiếp tục tăng trưởng ổn định, thể hiện qua các yếu tố: Giá cả, số lượng giao dịch, tính thanh khoản tốt lên, lượng hàng tồn kho giảm, cơ cấu hàng hóa tiếp tục được điều chỉnh để phù hợp hơn với nhu cầu đa dạng của thị trường. “Mặt bằng giá cả BĐS tương đối ổn định, sự biến động giá tăng trong năm khoảng 2% đến 7%. Trong một số dự án đặc thù có sự tăng giá đến 12% song không phải là trào lưu phổ biến. Cá biệt có sự tăng nóng đất nền ở một số vùng ven TP.Hồ Chí Minh, nhưng sau khi được điều chỉnh đã ổn định trở lại” - ông Hà
nhấn mạnh.

Cũng theo Chủ tịch Hội Môi giới BĐS, cơ cấu hàng hóa bất động sản được điều chỉnh hợp lý, phần lớn các nhà chung cư, kể cả các nhà chung cư cao cấp đều được thiết kế có quy mô căn hộ nhỏ và vừa, thậm chí căn hộ chung cư cao cấp chỉ có diện tích 50-60m2, vì vậy tổng giá bán một căn hộ không quá lớn, phù hợp với khả năng chi trả của người mua.

Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM - cho rằng, nhìn toàn cục thị trường BĐS thì vẫn còn tiềm ẩn những yếu tố rủi ro. Cụ thể, ông Châu cho rằng, thị trường đã có tình trạng lệch pha cung-cầu, chủ yếu lệch về phân khúc BĐS cao cấp, du lịch nghỉ dưỡng. Ngoài ra, nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng và nguồn vốn xã hội (chủ yếu là của người mua nhà) đổ vào thị trường BĐS rất lớn, có xu hướng lệch vào một số doanh nghiệp lớn và vào phân khúc bất động sản cao cấp, du lịch nghỉ dưỡng.

Ông Châu nhấn mạnh điểm bất ổn đã hiện hữu là, sự gia tăng nhiều nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp, trong lúc phân khúc thị trường nhà ở xã hội, nhà ở thương mại vừa túi tiền có tính thanh khoản cao, thì cung không đủ cầu.

DiaOcOnline.vn - Theo Lao động