Top

Làm đường sắt 100.000 tỷ, Hà Nội cần thêm 1 triệu tỷ cho hạ tầng

Cập nhật 26/06/2017 13:20

Siêu dự án đường sắt đô thị Hà Nội trị giá 100.000 tỷ đồng đã được trao cho Vingroup, nhưng Hà Nội còn cần nhiều hơn thế khi kêu gọi xã hội hóa hơn một triệu tỷ đồng cho hạ tầng.

Đường sắt trên cao tuyến Cát Linh - Hà Đông (ảnh chụp tháng 5-2017) - Ảnh: Nguyễn Khánh

Dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các bộ ngành, lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội đã trao các bản ghi nhớ hợp tác và đầu tư cho 15 nhà đầu tư với trị giá 6 tỷ USD trong khuôn khổ Hội nghị “Hà Nội 2017 - Hợp tác đầu tư và phát triển” diễn ra sáng 25-6.

Đáng chú ý nhất là "siêu dự án” hợp tác phát triển các tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội trị giá 100.000 tỷ đồng được trao cho Tập đoàn Vingroup.

Theo thông tin Tuổi Trẻ Online có được, doanh nghiệp này đã đề nghị nghiên cứu đầu tư các đoạn trong 5 tuyến đường sắt đô thị.

Cụ thể, một số tuyến được đề xuất như tuyến sân bay Nội Bài (huyện Đông Anh) - Nam Thăng Long (quận Bắc Từ Liêm), tuyến Nội Bài (Đông Anh) - Phú Diễn (quận Bắc Từ Liêm) - Hà Đông (quận Hà Đông) - Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì)…

Siêu dự án này hiện đang chờ thành phố phê duyệt và ngoài Vingroup ra các tuyến trên cũng có nhiều nhà đầu tư khác đăng ký tham gia.

Một số dự án có quy mô lớn khác là dự án trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và công nghệ cao tại Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội trị giá 1 tỷ USD, dự án Trường đại học Quản trị châu Âu tại Hà Nội trị giá 50 triệu USD...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định việc thành phố tiếp tục huy động nguồn đầu tư tư nhân tới 80% là hướng đi đúng và nếu thành phố tiếp tục theo hướng phát triển này sẽ là nơi có hạ tầng giao thông tốt nhất cả nước.

Thủ tướng khẳng định tinh thần Chính phủ kiến tạo đã nhận được sự hưởng ứng rất lớn, tích cực từ người dân và doanh nghiệp.

Nhắc lại câu chuyện mà ông được nghe trực tiếp về một lãnh đạo của Hà Nội dù chỉ nhận được tin nhắn của doanh nghiệp nhưng chỉ trong vòng một ngày đã giải quyết thấu đáo, Thủ tướng cho rằng “đó là hành động tiêu biểu cho chính quyền kiến tạo của địa phương” và nhấn mạnh “Chính phủ kiến tạo là không chỉ dừng lại ở lời nói mà phải chuyển hóa thành hành động từ các ngành, các cấp, các lãnh đạo, các địa phương”.

Hà Nội kêu gọi cả triệu tỉ vốn xã hội hóa

Tại Hội nghị, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã công bố các dự án mà thành phố mong muốn thu hút đầu tư. Đó là 17 dự án về hạ tầng giao thông đô thị, môi trường, giáo dục thành phố kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) với tổng số vốn 802,7 nghìn tỉ đồng; 119 dự án theo hình thức xã hội hóa về công viên cây xanh, môi trường, bãi đỗ xe, giáo dục y tế, thương mại, hạ tầng, cải tạo chung cư cũ... với tổng số vốn 303,85 nghìn tỉ đồng.


DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi trẻ