Số liệu vừa công bố của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, thị trường bất động sản TP.HCM đang sôi động hơn hẳn Hà Nội và xu hướng này sẽ còn tiếp diễn trong năm 2018.
Thị trường bất động sản TP.HCM năm 2018 sẽ tiếp tục sôi động, giá được dự báo tăng nhẹ. Ảnh: Gia Huy
|
Sự trở lại của TP.HCM
Báo cáo mới công bố của VARS cho biết, năm 2017, cả nước có gần 79.000 căn hộ được chào bán, nhưng chủ yếu tập trung tại TP.HCM.
Cụ thể, trong năm 2017, thị trường TP.HCM có 40.786 giao dịch thành công (gồm khoảng 37.000 căn chào bán mới và khoảng 4.000 căn tồn kho). Trong đó, phân khúc trung cấp được tiêu thụ mạnh nhất với gần 15.500 căn, kế đến là cao cấp với 12.000 căn, bình dân 8.500 căn và đặc biệt ghi nhận tình hình tiêu thụ khả quan của căn hộ hạng sang (giá trên 45 triệu đồng/m2) với 4.500 căn được giao dịch thành công.
Trong khi đó, tại thị trường Hà Nội, số lượng giao dịch thành công ít hơn nhiều, chỉ đạt 20.776 căn trong tổng số 34.000 căn chào bàn, trong đó phân khúc bình dân chiếm khoảng 11.000 căn, trung cấp 8.500 căn, cao cấp 1.300 căn. Đặc biệt, trong năm, thị trường Hà Nội có 330 căn hộ hạng sang được chào bán, nhưng không bán được căn nào.
Theo giới phân tích, lượng chào bán thành công trên thị trường căn hộ TP.HCM năm 2017 có độ phủ ở tất cả các phân khu và trọng tâm vào phân khúc ở thực.
Ghi nhận thực tế, trong năm 2017, nhiều công ty cũng báo cáo số lượng giao dịch lớn. Cụ thể, Hưng Thịnh Corp cho biết, đã bán ra khoảng gần 6.000 sản phẩm, chiếm đa số là căn hộ chung cư và trải đều ở 3 phân khu là khu Đông, khu Nam và khu Tây.
Him Lam Land cũng cho biết, bán thành công 1.000 căn hộ tại khu Đông trong năm 2017, Tập đoàn Vạn Phúc tiêu thụ gần 1.000 sản phẩm nhà phố tại quận Thủ Đức.
Ngay như Novaland, dù không có dự án mới chào bán trong năm 2017, nhưng số lượng giao dịch thành công cũng khá lớn với 3.000 căn hộ và nhà phố, chủ yếu đến từ các dự án được mở bán từ năm 2016.
Một số đơn vị khác cũng có lượng giao dịch thành công lớn như Vietcomread với 2.000 căn, Công ty cổ phần Nhà Mơ hơn 1.000 căn hộ, hay Phúc Khang, Khang Điền, Sacomreal, Nam Long… cũng công bố số liệu giao dịch khá khả quan.
Số lượng căn hộ được tiêu thụ tại thị trường TP.HCM đa phần có giá dưới 2 tỷ đồng/căn. Cụ thể, theo các đơn vị nghiên cứu thị trường như CBRE, DKRS Việt Nam, phân khúc căn hộ dưới 2 tỷ đồng chiếm tới 70% nguồn cung và 90% giao dịch thành công trên thị trường TP.HCM. Theo các đơn vị nghiên cứu thị trường, với dòng sản phẩm này, các doanh nghiệp đã đi đúng hướng, phục vụ số đông nhu cầu của thị trường.
Một yếu tố nữa làm cho thị trường TP.HCM sôi động hơn hẳn Hà Nội năm qua là do TP.HCM có dân số lớn, lên tới 13 triệu dân, trong đó đa phần là dân nhập cư, trong khi mức thu nhập của người dân tăng cao theo từng năm.
Giá sẽ tiếp tục tăng
Công ty DKRA Việt Nam dự báo, nguồn cung căn hộ trong năm 2018 của TP.HCM có thể đạt từ 45.000 - 50.000 căn hộ, trong đó phân khúc căn hộ trung cấp tiếp tục chiếm tỷ lệ lớn và thu hút sự chú ý của chủ đầu tư, cũng như người mua. Trong khi đó, thị trường nhà phố, biệt thự vẫn duy trì ổn định nguồn cung ở mức 3.000 - 4.000 căn, chủ yếu ở khu Đông và khu Nam.
Năm 2017, số lượng căn hộ cao cấp được tiêu thụ ở thị trường Hà Nội chỉ bằng 1/10 thị trường TP.HCM. Ảnh: Dũng Minh |
Còn theo TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, thị trường TP.HCM năm 2018 sẽ tiếp tục có sự phân hóa mạnh ở các phân khúc. Trong đó, chủ đầu tư sẽ chọn lựa khách hàng dựa trên nhu cầu và năng lực tài chính để đưa ra dòng sản phẩm thích hợp nhất ở từng vị trí.
“Dù có sự phân hóa, nhưng trong năm 2018, dòng sản phẩm có giá dưới 2 tỷ đồng sẽ chiếm lĩnh thị trường và giúp số lượng hàng bán ra thành công tăng khoảng 20%”, ông Hiển nói và cho rằng, thị trường năm 2018 cũng sẽ chứng kiến sự cạnh tranh gay gắt giữa các sàn môi giới để bán hàng, bởi trong năm qua, có hàng ngàn doanh nghiệp môi giới được thành lập.
Cũng theo ông Hiển, không chỉ các sàn môi giới cạnh tranh với nhau, mà các chủ đầu tư cũng có sự cạnh tranh mạnh khi nhiều doanh nghiệp hướng vào phân khúc trung cấp, khiến nguồn cung phân khúc này tăng mạnh. Do đó, để bán được hàng, chủ đầu tư phải nâng cao tính cạnh tranh bằng việc đầu tư thêm tiện ích, hạ tầng kết nối, chính sách giá hấp dẫn…
Ở phân khúc cao cấp, theo ông Hiển, thị trường vẫn chịu áp lực dư cung và giảm giá cục bộ. Còn loại hình nhà phố vẫn sẽ có nhu cầu, nhưng giá khó tăng mạnh. Tương tự, đất nền dự án là phân khúc thị trường có tính cạnh tranh cao nên giá cũng sẽ khó tăng. Trong khi đó, đất nền phân lô vùng ven ở khu vực có hạ tầng phát triển và dự kiến được đầu tư hạ tầng sẽ có nhu cầu đầu tư khá lớn, giá sẽ tăng cục bộ.
Còn theo ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc DKRA Việt Nam, trong năm nay, giá nhà sẽ tiếp tục tăng, bởi từ năm 2014 đến nay, giá nhà liên tục xác lập mặt bằng mới, trong khi đà sôi động của thị trường vẫn đang tiếp diễn.
Cụ thể, ông Lâm cho biết, phân khúc căn hộ bình dân năm 2012 có mức giá trung bình khoảng 13 triệu đồng/m2, thì đến năm 2017, mức giá đã tăng lên 18 - 20 triệu đồng/m2, tương đương tăng 40 - 50%. Phân khúc căn hộ trung cấp tăng từ mức 18 - 20 triệu đồng/m2 năm 2012, lên 27 - 30 triệu đồng/m2 năm 2017, đương đương tăng 50%. Phân khúc cao cấp tăng 66%, từ khoảng 33 triệu đồng/m2, lên khoảng 55 triệu đồng/m2.
Đối với loại hình biệt thự, nhà phố, do phụ thuộc chủ yếu vào quy hoạch và chất lượng dịch vụ, hạ tầng, nên có sự phân hóa lớn, khiến biên độ tăng giá trung bình chỉ từ 20 - 56% trong 5 năm từ 2012 - 2017.
Chẳng hạn, khu Đông ghi nhận tăng giá từ 130 - 170% do nơi đây có sự phát triển hạ tầng giao thông mạnh nhất trong 3 năm qua, còn khu Nam tăng khoảng 50%, một số khu vực khác gần như không tăng.
“Năm 2018, mặt bằng giá sẽ tiếp tục tăng, nhưng chỉ khoảng 5% so với năm 2017, bởi tới thời điểm hiện nay, các chủ đầu tư chưa thể tăng giá nhiều vì nguồn cung sẽ gia tăng mạnh trong năm nay”, ông Lâm nói.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: