Top

Đã có hiện trạng gom đất tách thửa

Cập nhật 15/01/2018 09:05

Quyết định 60 của UBND TPHCM quy định diện tích tối thiểu được tách thửa được đánh giá thông thoáng cho người dân. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến nếu không giám sát chặt chẽ sẽ phát sinh nhiều tiêu cực như đã từng xảy ra trước đó trong quá trình tách thửa.


Trách nhiệm quản lý thuộc quận, huyện

Một trong những điểm khác biệt so với Quyết định 33, là diện tích tối thiểu để được tách thửa Quyết định 60 quy định nhỏ hơn. Cụ thể, tại khu vực 1 (gồm các quận 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Gò Vấp, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú) là 36m² và chiều ngang mặt tiền thửa đất không nhỏ hơn 3m (trước đây là 50m2 và 4m).

Tương tự, khu vực 2 (gồm các quận 2, 7, 9, 12, Bình Tân, Thủ Đức và thị trấn ở các huyện) là 50m² và không nhỏ hơn 4m (quy định cũ 80m² và 5m). Khu vực 3 (gồm các huyện Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ) là 80m² và không nhỏ hơn 5m (quy định cũ 120m² và 7m).

Đối với quy hoạch, chỉ xem xét tách thửa đất ở thuộc quy hoạch đất dân cư hiện hữu hoặc dân cư hiện hữu chỉnh trang. Không tách thửa thuộc quy hoạch đất ở xây dựng mới, đất sử dụng hỗn hợp và có trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm để thực hiện thu hồi đất; tuy nhiên sau 3 năm kể từ ngày rà soát phê duyệt các quy hoạch mà chưa thực hiện sẽ được tách thửa.

Để hạn chế tình trạng lợi dụng quy định để phân lô bán nền, khi soạn thảo dự thảo Sở TN-MT đã đưa quy định khi tách thửa lô đất có diện tích từ 2.000m2 trở lên phải lập dự án. Tuy nhiên, quy định này bị Sở Tư pháp bác bỏ.

Trao đổi với ĐTTC, ông Huỳnh Văn Hạnh, Giám đốc Sở Tư pháp cho rằng quy định như vậy không đúng và trái với thẩm quyền của UBND TP, nếu ban hành sẽ bị Bộ Tư pháp thổi còi. Do vậy, ông Nguyễn Toàn Thắng cho biết đã có quy định cụ thể: UBND các quận, huyện xây dựng kế hoạch tách thửa đất, thành lập tổ công tác liên ngành để giải quyết tách thửa; thường xuyên kiểm tra, xử lý vi phạm và chế độ báo cáo định kỳ theo quy định.

Các sở ngành, đơn vị hướng dẫn quy chế tách thửa đất; điều kiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật đối với trường hợp tách thửa đất có hình thành đường giao thông, đảm bảo hạ tầng xã hội; cấp giấy phép xây dựng và kiểm tra, xử lý vi phạm xây dựng; các thủ tục về đầu tư, đấu nối hệ thống điện, cấp nước, thoát nước theo quy định.

Tuy nhiên, theo ông Hoàng Tùng, Phó Giám đốc Sở QH-KT, vừa qua các quận huyện làm không thống nhất, như giao thông có nơi làm đường rộng 4m, có nơi 5m; nơi có lề đường, chỗ không có lề đường. Ngoài ra rất nhiều trường hợp tách thửa không có hạ tầng kỹ thuật. Do đó, dựa trên những quy định của luật pháp về hạ tầng kỹ thuật, Sở QH-KT sẽ tổng hợp lại để có thống nhất chung về quy định hạ tầng kỹ thuật đối với việc tách thửa có hình thành hạ tầng kỹ thuật.

Thí dụ, 1 khu đất diện tích lớn muốn làm đường vào rồi chia lô theo tách thửa, thẩm quyền duyệt bản đồ phân lô là quận huyện. Cơ sở để phê duyệt phải tuân theo hướng dẫn chung về hạ tầng; trong đó có giao thông, cấp điện, cấp thoát nước và san nền. Điều này khác với Quyết định 33 không giao Sở QH-KT hướng dẫn mà giao chủ tịch UBND các quận huyện toàn quyền áp dụng quy chuẩn để làm, dẫn đến tình trạng không thống nhất, mỗi nơi làm mỗi kiểu.

Theo ghi nhận của ĐTTC, trước khi Quyết định 60 có hiệu lực (ngày 15-1-2018), nhiều chủ đầu tư đã nhanh tay gom đất để tách thửa theo quy định mới, phổ biến tại các quận vùng ven như Bình Tân, Bình Chánh, Hóc Môn, quận 9. Anh Bình, một nhà đầu tư cho biết đã có hơn 5.000m2 tại đường Nguyễn Xiển (quận 9) đang nộp hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở, sau đó xin tách thửa.


DiaOcOnline.vn - Theo SGGP