Top

Thị trường BĐS: Vòng xoáy chưa lối thoát

Cập nhật 12/08/2011 11:15

Các chuyên gia cho rằng, thị trường bất động sản (BĐS) hiện nay đang thiếu sự quản lý của ngành chức năng, nên các "đại gia" trong lĩnh vực này "làm mưa làm gió" đã tạo ra một thị trường ảo. Các chủ dự án cho rằng, thiếu vốn đã có "nhà băng"; "nhà băng" nghĩ rằng, các chủ dự án đều là "đại gia"; người dân lại ảo tưởng giá nhà đất sẽ tăng mãi... và tất cả đã tạo nên "vòng xoáy" chưa tìm được lối thoát.

Thị trường bất động sản đang ở giai đoạn trầm lắng nhất. Ảnh: Linh Tâm

Do thắt chặt tín dụng, nhiều doanh nghiệp (DN) đầu tư BĐS rơi vào cảnh khốn đốn, nhất là việc chậm tiến độ dự án, dẫn đến vi phạm hợp đồng với khách hàng. Có DN phải bán "non" dự án, vì không có đủ vốn để triển khai tiếp. Một nhà đầu tư BĐS khá lớn cho biết đã có DN phá sản. Vì, với lãi suất vay cao cộng với công trình dở dang chưa bán được, lương vẫn phải trả cho người lao động, thiếu vốn để mua nguyên vật liệu, nhiều chi phí cũ lại phình ra do tăng giá nên việc phá sản ở một số DN là không tránh khỏi. Tiếp tục sẽ phải chịu sự khắc nghiệt này, một số DN BĐS đã tính đến chuyện sáp nhập để cùng hoạt động sản xuất và kinh doanh cho đạt hiệu quả. Có lẽ đây là cuộc sàng lọc, DN nào yếu sẽ phải rút khỏi thị trường BĐS. Tuy nhiên, cũng không ít nhà đầu tư đã lợi dụng những khó khăn trên thị trường BĐS hiện nay để bán "non" dự án kiếm lời theo kiểu "ăn sổi". Bởi, khi DN tham gia đầu tư dự án phải có ít nhất 15-20% vốn, nên cũng chưa ảnh hưởng đến mức phải phá sản...

Theo Bộ Xây dựng, có không ít DN năng lực tài chính yếu nhưng vẫn tham gia thị trường BĐS, thậm chí tham gia những dự án lớn. Bên cạnh năng lực của DN, định hướng của thị trường BĐS cũng chưa theo kịp sự phát triển của thị trường. Đặc biệt, các cơ quan nhà nước cũng chưa định hướng được những phân khúc đầu tư nào cần thiết, phân khúc đầu tư nào cần đi trước, phân khúc đầu tư nào đi sau, vì thế sẽ không tránh khỏi làm thị trường méo mó. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã thắt chặt việc cho vay đối với một số lĩnh vực, trong đó có thị trường BĐS và chứng khoán, nhưng trên thực tế một số ngân hàng vẫn ưu ái cho vay với các nhà đầu tư BĐS và các khách hàng mua nhà. Và nếu không siết lại việc cho vay này, sẽ xảy ra tình trạng có tràn lan các dự án BĐS được triển khai trên địa bàn cả nước.

Như vậy là đầu tư dàn trải và sẽ lãng phí. Đó là chưa nói đến việc nếu tiếp tục "đổ" vốn vào lĩnh vực này sẽ khiến mất quan hệ cung - cầu, dự án ra hàng nhưng không bán được. Trong khi, thời điểm trước, cũng như trong quá trình khởi công xây dựng dự án không ít nhà đầu tư đã "lách" cơ chế thu tiền với danh nghĩa góp vốn 30-60% giá bán nên vẫn có thể dư vốn để nhà đầu tư hoạt động. Nhưng, cũng không hiểu vì lý do gì, nhiều nhà đầu tư thu tiền đã 3-5 năm mà dự án vẫn triển khai ì ạch? Nay lại kêu khó, đổ lỗi cho việc siết chặt tín dụng? Phải chăng, nguyên nhân sâu xa khiến thị trường khó khăn như hiện nay là do chúng ta để tồn tại một thị trường ảo, thiếu sự kiểm soát của cơ quan quản lý. Có chủ đầu tư cho rằng, thiếu vốn đã có ngân hàng, người dân ảo tưởng cho rằng thị trường BĐS sẽ tăng mãi, ngân hàng ảo tưởng các chủ dự án đều là "đại gia"... tất cả tạo nên "vòng xoáy" chưa tìm được lối thoát.

Giá nhà, đất tại Hà Nội giảm


Theo các chuyên gia, thị trường BĐS Hà Nội đang đồng loạt giảm giá ở các phân khúc và dự báo vẫn tiếp tục giảm trong thời gian tới. Chẳng hạn, dự án nhà liền kề, thuộc dự án Vân Canh - HUD nếu như đầu năm nay được bán phổ biến trên thị trường thứ cấp với giá khoảng 60 triệu đồng/m2, nay chỉ còn 40 triệu đồng/m2. Dự án Kim Chung - Di Trạch cũng giảm giá mạnh, giá đất liền kề đã giảm 10-13 triệu đồng/m2, đang được giao dịch ở giá 40-42 triệu đồng/m2. Tại quận Long Biên, giá đất dự án khu đô thị mới Việt Hưng 40-42 triệu đồng/m2 đối với biệt thự, liền kề khoảng hơn 50 triệu đồng/m2 tùy vị trí (giảm khoảng 10 triệu đồng/m2 so với thời điểm trước đây)... Thị trường BĐS Hà Nội nói chung hiện nay không chỉ giảm giá mạnh, mà lượng giao dịch cũng trầm lắng và ít có giao dịch thành công.

DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới