Top

Nguy cơ đất trồng lúa bị thu hẹp trước tốc độ đô thị hóa

Cập nhật 11/08/2011 14:15

Việc phát triển đất đô thị ngoài dự báo đã tác động nhiều đến đất nông nghiệp, nhất là đất lúa. Dự báo tốc độ xâm phạm đất lúa còn tăng mạnh hơn trong 10 năm tới nếu không có biện pháp “điều trị”.

Gia tăng chuyển đổi đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp

Hà Nội là minh chứng rõ nét cho việc phát triển đất đô thị ngoài dự báo đã tác động nhiều đến đất nông nghiệp, nhất là đất lúa. TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam cho biết, trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2001- 2010 của Hà Nội (tính theo ranh giới đã mở rộng), hiện trạng đất nông nghiệp, lúa nước, đất trồng cây lâu năm, đất rừng năm 2000 là gần 204.000 ha và theo quy hoạch được Chính phủ duyệt đến 2010 còn xấp xỉ 173.000 ha. Như vậy, kế hoạch chuyển mục đích sử dụng là khoảng 31.000 ha, nhưng đến đầu năm 2010 chỉ chuyển được hơn 49% kế hoạch, tức vào khoảng hơn 15.000 ha.

Tốc độ đô thị hóa nhanh khiến diện tích đất trồng lúa trước nguy cơ bị thu hẹp. Ảnh: Internet

Trong khi đó, theo báo cáo của UBND TP. Hà Nội, đất lúa nước giai đoạn 2001-2010 được chuyển mục đích là hơn 16.000 ha, nhưng đến đầu 2010 lại chuyển mục đích được khoảng 18.500 ha, tăng 15% so với kế hoạch. Ở đây thấy rõ chưa có sự tương tác giữa quy hoạch sử dụng đất với quy hoạch xây dựng đô thị. Đáng ngại hơn, quyết định phê chuẩn điều chỉnh định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2050 của Chính phủ đã định hướng phát triển với tốc độ đô thị hóa còn nhanh hơn cả giai đoạn qua.

Năm 2015, dân số đô thị khoảng 35 triệu, tỷ lệ đô thị hóa là 38% với nhu cầu đất xây dựng đô thị là 335.000 (chiếm 1,06% diện tích cả nước). Năm 2020, dân số đô thị khoảng 44 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa 45% với nhu cầu đất xây dựng đô thị khoảng 400.000 ha (chiếm 1,3% diện tích cả nước) và năm 2025, các con số này lần lượt là 52 triệu người, tốc độ đô thị hóa 50%, nhu cầu sử dụng đất khoảng 450.000 ha (chiếm 1,4%).

Để đạt được quỹ đất đô thị như định hướng trên, xu thế sẽ là tiếp tục chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp. Trong xây dựng quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2010-2020 của Hà Nội, dự kiến sẽ chuyển đổi gần 37.000 ha đất nông nghiệp sang đất đô thị (trong đó có gần 23.000 ha đất lúa nước, gần 2.500 ha đất trồng cây lâu năm..)

Vì vậy, cần sớm tìm ra nguyên nhân, giải pháp khắc phục để tránh tình trạng sử dụng đất không tuân thủ quy hoạch, tốc độ xâm phạm đất lúa ngày một gia tăng.

Khó duy trì được 3,8 triệu ha đất lúa

GS. Tôn Gia Huyên, Hội Khoa học Đất Việt Nam chỉ ra nhiều tồn tại trong việc sử dụng đất hiện nay như: sản xuất nông nghiệp còn manh mún trên 70 triệu thửa đất, đất phát triển đô thị tăng rất nhanh nhưng cơ cấu sử dụng chưa hợp lý, đất ở chiếm tỷ lệ cao và chủ yếu là đất làm nhà ở theo gia đình độc lập…

Bên cạnh đó, nhiều địa phương buông lỏng quản lý đã tự phát chuyển mục đích sử dụng đất tạo ra sự rối loạn trong sử dụng đất, để lại tác động rất xấu đến môi trường. Nhiều nơi muốn tranh thủ các nhà đầu tư nên đã cho phép thu hồi san lấp mặt bằng một lượng lớn đất nông nghiệp để lập khu công nghiệp, dịch vụ. Sau đó, do thiếu vốn nên các dự án hoạt động cầm chừng, đất đai bị bỏ hoang trở thành “dự án treo”.

Hầu hết khu công nghiệp đều bám vào các đường giao thông huyết mạch đi qua những vùng nông nghiệp trù phú, hàng vạn ha đất “bờ xôi ruộng mật” bị sử dụng phí phạm, tác động trực tiếp đến công ăn, việc làm, thu nhập và đời sống của hàng chục vạn hộ gia đình nông thôn và hàng triệu lao động nông nghiệp. Đe dọa mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

GS Huyên phân tích, 20 năm nữa, dân số cả nước dự báo sẽ có 110-115 triệu người, trong đó 55% dân sống trong đô thị. Khi đó, để đảm bảo mục tiêu phát triển và đột phá trong xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội, dự báo sẽ phải tiếp tục chuyển đổi sang mục đích phi nông nghiệp khoảng 450 - 500.000 ha đất trồng lúa.

Nếu muốn đến năm 2030, chúng ta có được 46-49 triệu tấn lương thực, trong đó có 43-44 triệu tấn tóc để đạt mức bình quân trên 350 kg/người/năm cho 110-115 triệu dân, thì phải có ít nhất 3,8 triệu ha đất trồng lúa với hệ số sử dụng đất là 1,95 và năng suất phải đạt 62 tạ/ha, tương đương với năng suất lúa của Nhật Bản hiện ngay.

“Trong 20 năm tới, còn phải khai hoang, chuyển đổi mục đích sử dụng để khai thác thêm 250 – 300 nghìn ha đất trồng lúa, sẽ rất khó khăn trong việc duy trì được tổng diện tích đất lúa nước ở mức 3,8 triệu ha”.

DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động