Top

Thị trường BĐS Việt Nam: Điểm đầu tư FDI hấp dẫn

Cập nhật 13/04/2017 14:42

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam vẫn hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài và sẽ phát triển đồng bộ hơn nếu những khoản đầu tư gián tiếp của Việt kiều, người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam được triển khai nhanh.

Theo báo cáo phân tích diễn biến thị trường BĐS quý I/2017 của Cty TNHH Jones Lang Lasalle Việt Nam (JLL Vietnam), Việt Nam tiếp tục thể hiện sức hấp dẫn trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Tính đến thời điểm hiện tại, cả nước đã thu hút 493 dự án đăng ký mới với khoảng 2,9 tỷ USD và 3,9 tỷ USD vốn FDI tăng thêm từ 223 dự án. Trong tổng số 71 quốc gia và vùng lãnh thổ, Hàn Quốc vẫn giữ vững vị trí nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất Việt Nam, với tổng vốn đăng ký mới đạt 3,75 tỷ USD, chiếm 48,6% tổng nguồn vốn FDI, theo sau là Singapore (910,9 triệu USD) và Trung Quốc (823,6 triệu USD).

Trong đó, vốn FDI chủ yếu tập trung vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với 6,5 tỷ USD, chiếm 84,9% tổng FDI và hoạt động kinh doanh BĐS thu hút khoảng 344 triệu USD, chiếm 4,5% tổng vốn FDI.


Nhiều nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến thị trường BĐS Việt Nam.

Ông Đặng Văn Quang, Giám đốc JLL Việt Nam cho biết: Theo thống kê, hiện hầu hết nguồn vốn đầu tư nước ngoài đều đổ mạnh vào phân khúc BĐS cao cấp, trong đó dẫn đầu là các nhà đầu tư đến từ châu Á như Nhật Bản, Singapore, Đài Loan… Đơn cử, Tập đoàn Mitsubishi cũng đã liên doanh với Tập đoàn Bitexco phát triển dự án nhà ở với quy mô khoảng 290 triệu USD tại Hà Nội. Hay liên doanh giữa Kajima (Nhật) với Quỹ đầu tư Indochina Capital lên kế hoạch đầu tư 1 tỉ USD trong 10 năm tới để mua lại các dự án BĐS ở Việt Nam.

Quy mô nhất trong lĩnh vực BĐS trong quý I/2017 là Dự án KCN Việt Nam - Singapore III tại tỉnh Bình Dương do Cty Liên doanh TNHH KCN Việt Nam - Singapore (VSIP) làm chủ đầu tư. Dự án có quy mô diện tích 1.000ha với số vốn đầu tư 284,7 triệu USD, xây dựng tại các xã Hội Nghĩa (thị xã Tân Uyên) và xã Tân Lập (huyện Bắc Tân Uyên), thời gian thực hiện 50 năm.

Một số dự án khác tuy không trực tiếp đăng ký vào lĩnh vực BĐS, nhưng sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ nhu cầu đất công nghiệp, văn phòng và kho bãi. Có thể kể đến một số dự án mới nổi bật gồm khoản đầu tư tăng thêm 2,5 tỷ USD vào Dự án Samsung Display Việt Nam tại tỉnh Bắc Ninh; khoản đầu tư mới 485,8 triệu USD vào Nhà máy Sản xuất polyester và Sợi tổng hợp Polytex Far Eastern tại Bình Dương; khoản đầu tư 319,8 triệu USD vào dự án nước giải khát Coca-Cola Việt Nam tại Hà Nội.

Trong bối cảnh nguồn vốn FDI vào Việt Nam tăng mạnh, thị trường căn hộ bán ở cả 2 thị trường trọng điểm là TP.HCM và Hà Nội cũng ghi nhận các hoạt động mở bán và lượng bán hàng khá mạnh mẽ.

Tại Hà Nội, lượng mở bán mới đạt 9.174 căn, tương đương với quý IV/2016. Tại TP.HCM, lượng mở bán đạt 8.565 căn, giảm 3% so với quý IV/2016. Lượng mở bán trên được ghi nhận từ nhiều địa bàn quận/huyện thuộc hai thành phố và tất cả các phân khúc.

Ở phân khúc văn phòng cho thuê, diện tích thuê thuần ở các hạng mục văn phòng hạng A và hạng B ở cả hai thị trường TP.HCM và Hà Nội đều đạt mức cao. Với thị trường bán lẻ, nguồn cung trung tâm thương mại ở 2 thành phố này ổn định trong quý I khi không có trung tâm thương mại nào khai trương. Giá thuê ở các khu vực ngoại thành vẫn tiếp tục xu hướng giảm, trong khi giá thuê ở khu vực trung tâm diễn biến theo hai xu hướng trái chiều.

Về triển vọng thị trường BĐS, JLL Vietnam đánh giá rằng, cung - cầu tiếp tục gặp nhau với lượng bán đạt mức cao. Thị trường căn hộ bán tại Hà Nội và TP.HCM được kỳ vọng sẽ đạt mức tăng trưởng tốt trong các quý tiếp theo nhờ hệ thống hạ tầng và sự tăng trưởng nhanh của thị trường bán lẻ.

Cùng các dự án có quy mô từ vài chục đến hàng trăm triệu USD tiếp tục đổ vào thị trường, ông Quang cho biết, nguồn đầu tư cho BĐS còn lớn hơn nữa nếu thúc đẩy được nhu cầu sở hữu, kinh doanh BĐS bởi nguồn vốn đầu tư gián tiếp từ các Việt kiều, người nước ngoài đang sống, làm việc tại Việt Nam.

Tuy nhiên, nhiều địa phương cần nghiên cứu kỹ về uy tín cũng như khả năng tài chính của các nhà đầu tư ngoại nhằm tránh tình trạng vì áp lực phải thu hút bằng mọi cách, dẫn đến nhiều dự án được đầu tư khủng nhưng khả năng giải ngân không có hoặc giải ngân rất thấp.


DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây dựng