Top

“Nóng” cải tạo chung cư cũ tại Hà Nội

Cập nhật 13/04/2017 14:18

Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục cho biết, trên địa bàn thành phố có gần 1.300 chung cư cũ tại 76 khu và 306 khu chung cư độc lập có quy mô 2-5 tầng. Các khu này đều được xây dựng từ những năm 1960 đến 1990 và đa số đều hết niên hạn sử dụng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo đó, thành phố đã giao nhiệm vụ cho các nhà đầu tư phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện công tác điều tra xã hội học, xây dựng nhiệm vụ thiết kế, quy hoạch tại 26 khu chung cư tập trung và 67 nhà chung cư độc lập. Đến nay mới có 14 chung cư cũ được xây dựng mới và đưa vào sử dụng, 5 chung cư cũ đang phá dỡ, triển khai xây dựng. Có 4 khu chung cư cũ nguy hiểm cấp D đang tổ chức di dời nhưng chưa có phương án xây dựng lại.

Cụ thể, theo văn bản số 5621/UBND-ĐT của UBND TP. Hà Nội ngày 30/9/2016, có 19 doanh nghiệp được giao lập quy hoạch chi tiết 1/500 toàn khu chung cư cũ. UBND TP. Hà Nội yêu cầu Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì, cùng Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội, Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND các quận (có tham khảo ý kiến của Bộ Xây dựng) đề xuất UBND thành phố chỉ đạo chung về nguyên tắc xác định ranh giới các khu chung cư cũ để thực hiện cải tạo, xây dựng lại nhà ở chung cư cũ trên địa bàn thành phố (trong đó có xác định đối với khu chung cư cũ.

Đối với khu chung cư cũ có nhà ở cũ xen kẽ, nhà chung cư đơn lẻ) và định hướng quy hoạch - kiến trúc để làm căn cứ hướng dẫn các đơn vị được giao lập quy hoạch chi tiết 1/500 các khu chung cư cũ và xác định mốc thời gian hoàn thành.

UBND TP. Hà Nội đã giao cho 19 chủ đầu tư lập quy hoạch cải tạo chi tiết 1/500 để cải tạo các khu chung cư cũ có chiều cao từ 2-6 tầng.
Trong số 19 doanh nghiệp được giao triển khai, có các tên tuổi lớn như các Tập đoàn Vingroup, được giao cải tạo 105 lô chung cư cũ tại khu Ngọc Khánh, Giảng Võ, khu tập thể Đường sắt; Tập đoàn Sungroup với 111 lô chung cư tại khu Kim Liên, Thanh Xuân; Tập đoàn Hòa Phát được giao 88 lô tại Khu tập thể Tân Mai; Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển đô thị Việt Hưng (Vihajico) được giao 67 lô tại Khu tập thể Thành Công; Tập đoàn FLC cũng được giao tới 68 lô chung cư cũ tại Khu tập thể Kim Giang; Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Hà Nội (Galeximco) được giao 30 lô chung cư cũ tại khu tập thể Khương Thượng...

Hiện nay, Sở Xây dựng Hà Nội cũng đã đề xuất 6 cơ chế chính sách khung trên cơ sở quy định của Nghị định 101/2015 gồm bổ sung tiêu chí lựa chọn nhà chung cư cũ đưa vào kế hoạch; cơ chế về quy hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; về lựa chọn chủ đầu tư; chính sách bồi thường hỗ trợ tái định cư; cơ chế tài chính cho dự án và phân cấp thực hiện cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ.

Theo Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Hùng, đối với việc lập quy hoạch cải tạo chung cư cũ, cần đưa ra những tiêu chí về: tuổi thọ công trình; công trình xuống cấp, không đảm bảo kiến trúc cảnh quan; nguyện vọng của cư dân. Việc áp dụng tiêu chí hết niên hạn là chưa phù hợp. Có những tòa chưa tới hạn nhưng đã xuống cấp, gây ảnh hưởng kiến trúc đô thị thì cũng vẫn phải làm.

Ông Hùng cũng nhấn mạnh: Việc trước mắt là cần phải đẩy nhanh tiến độ lập và sớm công bố quy hoạch cải tạo các khu chung cư cũ để người dân biết và lựa chọn chủ đầu tư phù hợp. Khi lập được quy hoạch tốt, đáp ứng nhu cầu lợi ích các bên thì sẽ tạo sự đồng thuận từ người dân.

DiaOcOnline.vn - Theo Tạp chí Tài chính