Top

Thị trường BĐS TP.HCM: Tập trung hỗ trợ người mua

Cập nhật 25/01/2013 09:17

Thị trường BĐS đóng băng đang là một trọng điểm nóng của nền kinh tế Việt Nam. Làm thế nào để phá băng là yêu cầu cấp thiết không chỉ đối với ngành Xây dựng. Đó cũng chính là nội dung xoay quanh hội thảo “Thị trường bất động sản phía Nam - Giải pháp tài chính hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm từ các tổ chức tín dụng” được tổ chức mới đây tại TPHCM.

Theo Ngân hàng Nhà nước - chi nhánh TP.HCM, dư nợ cho vay BĐS khoảng 85.000 tỷ đồng, chiếm 10,6% tổng dư nợ trên địa bàn TP, trong đó cho vay đầu tư BĐS là 66.084 tỉ đồng. Nợ xấu cho vay đầu tư, kinh doanh BĐS khoảng 4.145 tỉ đồng, chiếm 6,27% tổng dư nợ kinh doanh BĐS. TPHCM đã xác nhận được việc hàng tồn kho và nợ xấu đang tác động trực tiếp đến nền kinh tế nên đã yêu cầu các sở ngành cần điều chỉnh cơ cấu căn hộ cho phù hợp với nhu cầu khả năng thanh toán của thị trường.
 

Tín dụng nên tập trung cho người mua để giải quyết “đầu ra”


Để góp phần cải thiện tình hình thị trường BĐS hiện nay, TP đã có những động thái tích cực như cân đối vốn để mua lại quỹ nhà ở thương mại có diện tích phù hợp làm nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư. Đến nay TP đã mua lại 500 căn nhà ở xã hội trị giá 340 tỉ đồng và 15.441 căn hộ chung cư, nền đất với giá 9.552 tỉ đồng để bố trí tái định cư. Để tạo điều kiện cho cán bộ mua nhà, TP cũng đã cho vay tối đa là 400 triệu đồng/trường hợp với lãi suất 7.5%/năm, thời gian vay tối đa là 15 năm. TP đã cho vay 1.152 trường hợp với tổng số tiền là 347,8 tỉ đồng.

Mục tiêu của TP là tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS theo lộ trình “làm ấm” từng phần dựa vào đặc thù của phân khúc thị trường, nhằm tạo sự tác động lan tỏa tích cực đến nền kinh tế, chứ không thể làm “tan băng” ngay thị trường BĐS trong năm 2013.

Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng để làm được điều này đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ các giải pháp từ Trung ương đến địa phương. Nhà nước hỗ trợ, tạo điều kiện để thị trường tự tái cơ cấu, Nhà nước thực hiện vai trò quản lý và điều tiết cung cầu, hướng tới sự lành mạnh hóa hoạt động thị trường BĐS trong tương lai.

Hiện Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam đã ký với Bộ Xây dựng dành 30.000 tỷ đồng cho chương trình nhà ở xã hội, trong đó 2/3 số tiền sẽ dành cho người mua nhà vay với lãi suất thấp. Số còn lại dành để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển dự án.
 

DiaOcOnline.vn - Theo GTVT