Phải xác định rõ ai đã làm thị trường bất động sản đóng băng để rồi từ trung ương đến địa phương phải lao vào giải cứu.
“Đến thời điểm này, số lượng nhà ở tồn kho tại 50 tỉnh, TP là hơn 42.000 căn. Ước tính tổng lượng vốn tồn kho hơn 100.000 tỉ đồng” - Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng báo cáo tại phiên giải trình thực trạng, các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức sáng 24-1.
Chưa đến mức phải giải cứu
Còn theo Ngân hàng Nhà nước, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản là hơn 200.000 tỉ đồng. Trong đó có 298 doanh nghiệp bất động sản có dư nợ tại tổ chức tín dụng từ 100 tỉ đồng trở lên, với tổng dư nợ là hơn 120.000 tỉ đồng.
“Nếu chỉ tồn kho hơn 100.000 tỉ đồng, dư nợ hơn 200.000 tỉ đồng thì không lớn lắm, chưa đủ sức ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế nước ta và chưa đến mức cần phải có giải pháp riêng để ứng cứu” - Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia Vũ Viết Ngoạn nhận định.
Nguyên Thống đốc NHNN Cao Sỹ Kiêm đặt vấn đề: “Các số liệu làm cơ sở xây dựng chính sách liệu có chính xác, có đủ sức tin cậy? Nếu không chính xác thì khó đánh tan được “cục máu đông” này”. Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nói: “Việc thống kê chính xác là rất khó. Tồn kho bất động sản khác với sản phẩm công nghiệp vì có nhiều nhà chung cư đang xây dựng dở dang; rồi có dự án đã huy động một phần vốn; nhiều dự án đã giải phóng mặt bằng, đầu tư kinh phí xây dựng hạ tầng nhưng phải dừng; các nhà đầu tư thứ phát đã mua nhưng không bán được cho người tiêu dùng…”.
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, số vốn tồn đọng trong bất động sản còn lớn hơn nhiều so với số liệu nêu trong báo cáo. Ảnh minh họa: HTD |
Sau cùng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng thừa nhận số vốn tồn đọng trong bất động sản còn lớn hơn nhiều so với số liệu nêu trong báo cáo. (Thậm chí có ý kiến còn cho rằng vay liên quan đến bất động sản rất lớn, đến gần 1 triệu tỉ đồng.)
Có bảo vệ lợi ích nhóm?
Ông Trần Xuân Hòa, Ủy ban Kinh tế, cho rằng: “Hiện có nghi vấn rằng những thế lực đang cố kìm giữ giá căn hộ để trông cậy vào sự giải cứu của Nhà nước. Bởi thống kê số lượng căn hộ xây dựng cho thấy đã đủ nhu cầu cho đến năm 2050, thế mà giá bán vẫn giảm không đáng kể dù ế đọng, khó khăn”.
Về điều này, ông Dũng cho biết: Từ năm 2008 đến nay, giá bất động sản đã giảm mạnh. Có nơi đất nền dự án giảm từ 200 triệu đồng xuống còn 100 triệu đồng/m2, giá căn hộ chung cư cũng giảm 15%-30%. “Giải cứu thị trường bất động sản sẽ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cho các tổ chức tín dụng, vì nếu khủng hoảng sẽ ảnh hưởng đến vĩ mô” - ông Dũng nói.
Tuy nhiên, đại biểu Bùi Văn Phương (Ủy ban Kinh tế) lo ngại: Chính sách giải cứu có bảo vệ lợi ích nhóm và khiến doanh nghiệp ỷ lại, chờ đợi vào sự cứu trợ của Nhà nước? “Theo tôi, Nhà nước không thể trực tiếp giải quyết được mà hãy để thị trường tự điều tiết. Như thế mới có lợi cho dân” - đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) đề nghị.
Giải đáp thắc mắc này, ông Dũng khẳng định các giải pháp đưa ra hoàn toàn vì mục đích gỡ khó cho nền kinh tế. Tìm ra điểm nghẽn của nền kinh tế nằm ở bất động sản thì cần can thiệp để cân bằng lại cung - cầu. Bảo vệ lợi ích doanh nghiệp cũng là vì lợi ích của xã hội, vì doanh nghiệp có tiếp tục sản xuất mới làm ra sản phẩm, đóng thuế, giải quyết việc làm…
Phải xử lý người gây ra “bong bóng”
Đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) chất vấn về trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Xây dựng khi xảy ra “bong bóng” bất động sản rồi lại đóng băng. Ông Dũng nói: “Theo thống kê, trong số hơn 3.000 dự án bất động sản hiện nay, hầu hết đều do các địa phương tự quyết định. Chỉ 34 dự án (quy mô trên 200 ha) thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ”.
“Bộ nói là chúng ta quản lý chưa chặt chẽ, chưa đúng quy hoạch. Vậy thử hỏi, khi thị trường bất động sản tăng cao thì đơn vị nào có trách nhiệm cấp phép xây dựng?” - ông Ngô Văn Minh (Ủy ban Pháp luật) “truy”. Theo ông Minh, hiện các cấp ngành đang thực hiện kiểm điểm theo Nghị quyết Trung ương 4, do vậy phải làm rõ trách nhiệm ai đã làm cho thị trường bất động sản đóng băng, thua lỗ, để rồi từ trung ương đến địa phương phải lao vào giải cứu.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cứ nói là tới đây hy vọng người dân sẽ mua được nhà thấp hơn giá thành. Vậy Bộ Xây dựng hãy công khai chi phí thực hiện dự án cho dân biết giá thành đó đã đúng chưa, hay còn thấp hơn. Nhà thu nhập thấp mà có giá đến cả tỉ đồng, nếu vay mua thì mỗi năm phải chịu lãi suất đến 100 triệu đồng, người dân có dám mua không?
Ông NGÔ VĂN MINH, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội
DiaOcOnline.vn - Theo PLTP
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: