Top

Thị trường BĐS tháng 5-2009: Đẩy giá, chờ thời?

Cập nhật 25/05/2009 15:45

Những thông tin về việc Hà Nội rà soát 744 đồ án, dự án trên địa bàn, trong đó 389 dự án khu đô thị mới, khu nhà ở hỗn hợp với diện tích đất 39.100ha khiến hàng loạt dự án phải “chạy” tiến độ, giá BĐS một số dự án được quy hoạch tăng đột biến cuối tháng 4-2009.

Rất nhiều nhà đầu tư chấp nhận bán những căn nhà ở các khu vực đang có giá cao như Trung Hòa, Mỹ Đình, Trung Kính, Quan Hoa... để tìm đến những khu có giá hợp lý hơn như Văn Quán, Văn Khê, Mỗ Lao, Hà Đông...

Đặc biệt khi tuyến đường Lê Văn Lương trở thành tâm điểm trên thị trường BĐS, các khu đô thị liền kề, biệt thự Văn Khê, Trung Văn, Mỗ Lao, Phùng Khoang, Dương Nội... tăng lên từ 2,5-3 triệu đồng: khu Văn Khê đang giá 25-30 triệu đồng vị trí 1 tăng lên 28-32 triệu đồng; khu Trung Văn từ 29-30 triệu tăng lên 32-36 triệu mỗi m2... Tuy nhiên giá BĐS nhìn chung có tặng nhẹ, sau đó giao dịch lại... chậm dần đều trong nửa cuối tháng 5-2009.

Giải thích hiện tượng này, ông Hoàng Ngọc Minh, trung tâm môi giới BĐS 303 Cầu Giấy cho biết: Sau một thời gian thăm dò thị trường, thấy giá BĐS đã giảm xuống 30% so với năm 2008 có thể chấp nhận được, số lượng người mua nhà để ở đã tăng mạnh, nhiều dự án như Văn Khê tăng gấp 3 lần.

Bên cạnh đó, tâm lý phải nhìn thấy dự án trực tiếp khởi công, người mua nhà đất mới yên tâm tiến hành giao dịch, nên giá BĐS khu vực này cũng kéo theo giá nhiều khu lân cận tăng: các khu Thanh Xuân Bắc, Nguyễn Tuân, Quan Hoa vị trí 1 tăng từ 40 lên 50 triệu đồng/m2; Yên Hòa, Trung Kính tăng từ 70 lên 85 triệu đồng/m2...

Nhưng theo ông Lê Hải Thanh, một nhà đầu tư BĐS ở quận Đống Đa, việc giá BĐS tăng khiến nhiều người lo ngại, giá đất của các khu này sẽ còn tăng nên tranh thủ đổ xô đi mua. Số khác cho rằng đây chính là thời điểm tốt để đầu tư, BĐS có giảm nhưng không tuột dốc nên họ có lòng tin vào thị trường này hơn là đầu tư vào chứng khoán.



Dự án khu đô thị Văn Quán được nhiều người có nhu cầu quan tâm.


Ông Richard Leech, Giám đốc điều hành Công ty Tư vấn và Quản lý Bất động sản CBRE cho rằng, sẽ không có những sự sụt giảm mạnh về giá bán trong thời gian tới, song do trong tháng 6-2009, Hà Nội sẽ công bố những dự án phải dừng, cộng thêm ngày 16-5 chính thức ra mắt mạng giao dịch qua sàn kết nối 200 sàn BĐS, chủ dự án không thể tự mình đẩy giá lên quá cao, bản thân người mua cũng thận trọng hơn và có những cách thức tiếp cận thông tin dự án nên các giao dịch đã chậm lại. Cũng theo ông Richard Leech, cuối tháng 4 vừa qua, thấy giá đất rục rịch lên, nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ đã vội vã mua BĐS. Đây là “chiêu” kích cầu giả tạo của các chủ dự án để “xả hàng”.

Rất nhiều nhà đầu cơ tự đăng ký mua chính mảnh đất, căn hộ của mình với giá cao hơn; một số khác không “làm giá” được người mua quay sang hợp tác với chủ dự án, nếu người môi giới đăng ký mua hàng chục căn hộ, lô đất với giá gốc và bán được hàng, không chỉ ăn chênh giá, họ còn “bắt” chủ dự án thưởng 20-30% nữa.

Lẽ đó, những “chi phí” này đã đẩy giá lên trong tháng 4 và hút một lượng khách có nhu cầu về nhà ở thực sự. Song theo nhiều chuyên gia BĐS, từ triển khai dự án cho đến khi khởi công, tiến độ thực hiện dự án nhanh hay chậm như bao dự án khác dở dang ở Hà Nội, nhiều nghi ngờ đặt ra, việc đẩy giá vừa qua nhằm mục đích gì?

Kỳ vọng vào thị trường BĐS tiếp tục tăng trưởng là không tưởng - Chuyên gia phân tích kinh tế Viện nghiên cứu kinh tế Nguyễn Thế Hiển nhìn nhận. Người mua đã “trót” đầu tư sẽ không dễ dàng bán với giá thấp hơn giá “sàn”.

Chủ dự án và nhóm đầu cơ sẽ không chấp nhận xuống giá trên danh nghĩa... Vì thế sau đợt mua vừa qua, lượng tiền đổ vào BĐS đã giảm, người mua đang ở tư thế chờ đợi hơn là hành động. Thêm đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Hà Nội rà soát và dừng cấp phép các dự án phát triển đô thị mới buộc giới đầu tư cũng phải thận trọng với các dự án không phù hợp quy hoạch chung Hà Nội mở rộng.

Ông Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội xây dựng cho rằng, giá nhà đất đô thị hiện phụ thuộc chủ yếu vào vị trí, trong đó sự kết nối hạ tầng đến các nơi đóng vai trò quan trọng. Vì thế chuyện người dân đổ xô đi mua hay chờ đợi dự án, hoặc sẵn sàng chấp nhận rủi ro đầu tư vào những khu vực được cho là “đắc địa” là chuyện dễ hiểu. Vấn đề ở chỗ, cần quản lý như thế nào để tránh biến động do sốt ảo mà thôi.

DiaOcOnline.vn - Theo An Ninh Thủ Đô