Theo VinaCapital, tổng giá trị tồn dư đất và nhà ở tại Việt Nam đã giảm đáng kể từ cuối năm ngoái và hiện chỉ còn 2,68 tỷ USD.
Tóm tắt
Một nghiên cứu của VinaCapital cho thấy, các nhà phát triển BĐS trong nước vẫn làm chủ thị trường suốt nhiều năm qua, bên cạnh nhiều nhà đầu tư nước ngoài như Keppel Land, CaitaLand, Gamuda Land...
Theo ước tính, hiện có khoảng 25% số nhà cao cấp hoặc hạng sang tại Tp.HCM được khách hàng mua để cho thuê lại, cao gấp từ 1,5-2,5 lần so với Hong Kong, Bangkok và Singapore.
Hình minh họa
|
Vốn nước ngoài dịch chuyển vào BĐS
Nhiều nhà đầu tư tại hội nghị gặp gỡ nhà đầu tư năm 2015 của tập đoàn VinaCapital, diễn ra tại Tp.HCM sáng nay, đều có chung một nhận định rằng thị trường BĐS Việt Nam đang ở giai đoạn giữa của thời kỳ phục hồi. Hà Nội, Tp.HCM (chiếm 85% thị trường) hay Đà Nẵng đang được xem là những đại công trường với hàng trăm dự án BĐS lớn nhỏ đã và đang được triển khai xây dựng.
Theo nhận định của VinaCapital, thị trường BĐS Việt Nam đang bước vào “buổi bình minh” của chặng đường phục hồi từ dưới đáy khủng hoảng 2008-2012. Thị trường đang có dấu hiệu tăng trưởng mạnh từ nay đến 2016, và nếu nhìn xa hơn 5 năm tới thì BĐS Việt Nam vẫn là “vùng đặc biệt” thu hút một lượng lớn vốn đầu tư từ bên ngoài.
Cũng theo ông Andy Ho: “Chúng tôi nhận thấy rằng đang có sự dịch chuyển mạnh lĩnh vực đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam. Các nhà đầu tư đang dần ít quan tâm đến các kênh đầu tư an toàn, lợi nhuận thấp. Các nhà đầu tư nước ngoài hiện chủ động chuyển sang đầu tư chứng khoán và BĐS tại Việt Nam do lãi suất tiền gửi thấp, lạm phát giảm, thanh khoản dồi dào và vàng mất giá đến 39% trong 4 năm qua”, ông Andy Ho phân tích thêm.
Một nghiên cứu của VinaCapital cho thấy, các nhà phát triển BĐS trong nước vẫn làm chủ thị trường suốt nhiều năm qua, bên cạnh nhiều nhà đầu tư nước ngoài như Keppel Land, CaitaLand, Gamuda Land...
Tuy nhiên, VinaCapital nhận định rằng các nhà đầu tư nước ngoài đang ở thế cạnh tranh gay gắt với doanh nghiệp nội về lợi thế “sân nhà”, am hiểu thị trường và đội ngũ bán hàng khá chuyên nghiệp. Từ đó, một sự “xoay chuyển” hiện nay là các nhà phát triển BĐS nước ngoài sẽ “bắt tay” hợp tác với doanh nghiệp trong nước để cùng chiếm lĩnh thị trường.
Chẳng hạn như mới đây, tập đoàn GAW Capital (Hong Kong) đã hợp tác với hai doanh nghiệp BĐS trong nước để đầu tư dự án trị giá 1,2 tỷ USD tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm; Quỹ đầu tư Nhật Bản Creed Group “rót” vốn vào An Gia Investment để phát triển chung cư cao cấp tại quận 7…
Mối lo bội cung BĐS cao cấp
Theo VinaCapital, tốc độ đô thị hóa tại Việt Nam đang cao, do vậy nhu cầu nhà ở trong giai đoạn tới sẽ tăng mạnh. Ngoài ra, số lượng nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến thị trường BĐS Việt Nam tăng 30% từ tháng 7/2015. Tại thị trường Tp.HCM, lượng căn hộ mở bán từ đầu năm đến nay là 10.114 căn (tăng 200%), còn tại Hà Nội là 9.160 căn (tăng 112%).
Đa số là dự án BĐS cao cấp, tập trung tại các quận trung tâm. Tại Tp.HCM có khoảng 18.000 đơn vị nhà cao cấp tung ra thị trường trong 2-3 năm qua, tọa lạc nhiều tại khu Đông.
Trong khi đó, VinaCapital cho rằng những dự án cao cấp có giá từ 3-5 tỷ đồng hiện nay đều vượt quá xa tầm tay của đại đa số người dân. Ngoài ra, các chủ đầu tư lại kỳ vọng rất lớn vào việc khách hàng sẽ cho thuê nhà ở loại này. Theo ước tính, hiện có khoảng 25% số nhà cao cấp hoặc hạng sang tại Tp.HCM được khách hàng mua để cho thuê lại, cao gấp từ 1,5-2,5 lần so với Hong Kong, Bangkok và Singapore.
Vấn đề đặt ra ở đây, theo VinaCapital, quá nhiều nhà đầu tư “lao” theo phân khúc BĐS cao cấp như vậy, lo ngại lớn nhất trong trung hạn là thị trường sẽ bội thực nguồn cung. So với nhu cầu thực tế trên thị trường trong một vài năm tới, liệu có hấp thụ hết một lượng lớn nguồn cung sản phẩm cao cấp không? Trong khi đó, nếu nhìn dài hạn, phân khúc nhà ở cấp thấp hoặc hợp túi tiền (dưới 16 triệu đồng/m2) vẫn chiếm lĩnh thị trường BĐS Việt Nam thì lại ít được quan tâm đầu tư do lợi nhuận thấp.
Theo dự báo, đến năm 2025, dân số đô thị ước tính chiếm gần ½ tổng dân số cả nước, sẽ cần thêm 5,1 triệu đơn vị nhà ở. Trong đó, một nửa trong số đó có nhu cầu về nhà ở hợp túi tiền. Nhà ở xã hội cũng sẽ có nhu cầu rất cao nhưng vẫn chưa thu hút được dòng tiền các nhà đầu tư. Do vậy, theo VinaCapiyal Việt Nam cần tạo ra một môi trường đầu tư mới với các chính sách hỗ trợ tốt để phát triển phân khúc nhà ở cấp thấp.
DiaOcOnline.vn - Theo CafeF
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: