Thị trường bất động sản đóng băng cho nên có rất ít giao dịch. Việc ngân hàng siết chặt tín dụng cũng khiến cả chủ đầu tư lẫn khách hàng thiếu vốn. Do thiếu vốn, cho nên nhiều dự án thi công dở dang, hàng nghìn căn hộ phải hoãn thời hạn bàn giao cho khách hàng.
Những biệt thự đã hoàn thành nằm trong các dự án như Bắc 32, Mỹ Ðình, Mỗ Lao, Tân Tây Ðô... vẫn chưa có người ở. Ðó là sự lãng phí quá lớn, nhưng nó cũng cho thấy mặt trái của sự phát triển thị trường bất động sản Việt Nam.
Gần hai năm nay, cùng với những khó khăn của nền kinh tế, thị trường bất động sản lại càng khó khăn. Hàng loạt dự án chậm tiến độ, người mua bỏ tiền đặt cọc... diễn ra trên khắp cả nước. Ði cùng với đó, hàng loạt các chính sách tiền tệ, tín dụng liên quan đến bất động sản liên tiếp được Ngân hàng Nhà nước ban hành, nhưng vẫn chưa tác động mạnh thị trường, đẩy hoạt động mua bán bất động sản sôi động hơn.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản ngày 14-2, Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến ngày 31-12-2011, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản đạt 201 nghìn tỷ đồng, chiếm 8,45% trong tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế của toàn hệ thống, giảm 14,25% so với năm 2010. Nợ xấu rủi ro trong lĩnh vực cho vay 3,52% cao hơn so với tổng dư nợ kinh tế 3%, nhưng không đáng báo động như một số phân tích của các chuyên gia trước đó mà vẫn nằm trong tầm kiểm soát của ngân hàng.
Hiện nay, vẫn có hai luồng ý kiến trái ngược về động thái siết chặt tín dụng đối với bất động sản. Không ít chuyên gia cho rằng, những chính sách tiền tệ đối với lĩnh vực này cần phải được thực hiện chặt chẽ, có kiểm soát nhưng cũng phải rất linh hoạt, tránh tình trạng "già néo đứt dây". Theo quan điểm của nhóm này, mặc dù bất động sản đã có một giai đoạn phát triển "quá nóng" trước đây, nhưng quãng thời gian đóng băng cũng không quá ngắn. Thực tế, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã lâm vào cảnh khó khăn, nợ nần gần hai năm nay. Nếu để họ tiếp tục vật vã vì thiếu vốn thì chưa biết hậu quả sẽ dẫn đến đâu. Vì phần lớn dự án bất động sản dựa vào vốn ngân hàng. Do vậy, nếu các dự án này không được ngân hàng mở cửa cấp vốn, chắc chắn dự án cũng không thể hoàn hành được, chủ đầu tư cũng sẽ "chết" theo dự án.
Ngay cả với giới đầu tư thứ cấp cũng vậy. Phần lớn họ vay vốn ngân hàng để đầu tư, nay, lãi suất cao ngất ngưởng đã khiến họ lùi về, thị trường theo đó cũng trở nên "vắng lạnh".
Luồng ý kiến thứ hai cho rằng, những ứng xử của ngành ngân hàng với bất động sản đã và đang đi đúng hướng. Mua bất động sản cũng là một hình thức bảo vệ tiền bởi vì theo thời gian, sự lạm phát, người ta khó có thể mua được một bất động sản tốt nếu như không bỏ thêm tiền ra so với thời điểm trước đó. Quy luật của thị trường là tất yếu, nhưng cũng cần phải nhìn nhận vào giá trị thực nếu xét hết tất cả các mối tương quan về lạm phát, về nhu cầu của người dân ngày một tăng... Nếu nói giới đầu tư thứ cấp và chủ đầu tư gặp khó khăn, thì khách hàng có nhu cầu thật sự còn gặp khó khăn hơn.
Tuy nhiên, với thực tế như hiện nay, với mức lãi suất khoảng 18%, thì tỷ lệ lãi suất đó không phải dành cho kinh doanh bất động sản. Vì vậy, thay vì trông chờ vào nguồn vốn hay những giải pháp vốn từ các ngân hàng thương mại, các doanh nghiệp bất động sản sẽ phải tìm cho mình những hướng giải quyết khác. Hiện nay, nhiều chủ đầu tư đã tự thu xếp vốn, tìm kiếm nguồn tài chính từ kênh đầu tư khác. Bởi họ nhận ra, vì dựa quá nhiều vào ngân hàng, họ đã gặp khó.
DiaOcOnline.vn - Theo Nhân Dân
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: