Thị trường bất động sản rơi vào tình trạng trầm lắng suốt một thời gian dài đã khiến hàng loạt dự án phải tạm ngừng hoặc giãn tiến độ. Điều này tất yếu đã khiến ngay cả những chủ đầu tư đang nỗ lực “ghi điểm” với khách hàng cũng bị thị trường làm lung lay…
Dự án Splendora vẫn được chủ đầu tư cho triển khai giai đoạn 2. Các sản phẩm thấp và cao tầng giai đoạn 1 vẫn đều đều cất nóc đúng tiến độ.
|
Nhìn đâu cũng màu xám
Kể từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp bất động sản đã quá “ngấm đòn” từ những tác động của thị trường. Lần lượt các dự án lớn nhỏ dường như đều bế tắc trong việc tìm kiếm các biện pháp để thu hút khách hàng.
Mặc dù đã có nhiều phân tích, nhận định, dự đoán từ phía các chuyên gia được đưa ra, song đến thời điểm hiện tại dường như vẫn chưa có giải pháp hay lời khuyên cụ thể nào để có thể đưa thị trường vượt qua giai đoạn khó khăn.
Cùng với đó, các thông tin đến từ nhiều kênh khác nhau cũng liên tục cập nhật những thông tin không mấy lạc quan về thị trường bất động sản, sự biến động giá cả, sự đình trệ của các dự án… đã gây ra những tác động nhất định, tạo nên một tâm lý hoang mang cho phần lớn khách hàng.
Theo ông Vũ Xuân Thiện, Cục phó Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), nguyên nhân khiến thị trường bất động sản sụt giảm trong thời gian qua có tác động không nhỏ của việc suy giảm kinh tế trong nước và thế giới.
Tuy nhiên cũng có những nguyên nhân cụ thể dẫn đến sự bất ổn của thị trường bất động sản, trong đó đáng chú ý là sự biến động giá cả thị trường. Vài năm trở lại đây, những cơn sốt giá nhà và sự bất ổn của thị trường bất động sản chưa được kiểm soát. Thông tin về nhu cầu thực sự của thị trường thiếu minh bạch dẫn đến giá cả thị trường bị sai lệch không phản ánh đúng giá trị thực bất động sản, đã làm cho khách hàng ít nhiều mất niềm tin vào thị trường.
Trong khi đó, theo đánh giá của các chuyên gia, có vẻ như tình trạng giằng co, tâm lý chờ đợi giữa chủ đầu tư và khách hàng sẽ tiếp tục làm thị trường bất động sản duy trì tình trạng “bất động” khi chủ đầu tư bằng hàng loạt các biện pháp giảm giá, khuyến mãi, tặng quà, tiếp thị vẫn trong thế mòn mỏi ngóng trông. Còn khách hàng vẫn tiếp tục nhòm ngó và kỳ vọng giá sẽ tiếp tục còn giảm sâu hơn nữa.
Hiện nay, đứng ở góc độ thị trường, vấn đề khó khăn nhất và cũng là nguyên nhân chính dẫn đến thị trường đóng băng suốt một thời gian dài là thắt chặt tín dụng cũng đã và đang dần được cải thiện. Không chỉ lãi suất huy động giảm mạnh dẫn đến lãi suất cho vay giảm mà nhiều ngân hàng cũng đã chủ động quảng bá những chính sách hấp dẫn khi cho vay mua nhà ở.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra chính là liệu ngân hàng đã thực sự cởi mở trong việc cho dự án vay vốn cũng như khách hàng dám mạnh dạn vay trong thời điểm đang có quá nhiều dự án rủi ro như hiện nay hay không. Rõ ràng, giữa một bể thông tin mù mờ, không biết đâu là hư là thực, đâu là vốn tự có hay vốn đi vay của doanh nghiệp, thậm chí đâu là dự án “ma”, dự án “đắp chiếu”…, thì không chỉ các khách hàng, mà ngay cả những chủ đầu tư đang nỗ lực “ghi điểm” với khách hàng cũng bị thị trường làm lung lay…
Vạ lây vì thị trường
Quả thực, hiện tại các đô thị lớn như Hà Nội, Tp.HCM, Hải Phòng… người ta không quá khó để bắt gặp cảnh các dự án bất động sản “đắp chiếu”, nằm bất động năm này qua năm khác. Thực tế đó dường như đã lằn sâu trong tư tưởng, quan niệm của nhiều người rằng “khó khăn thế này thì còn lâu mới tiếp tục triển khai, hoàn thành được”.
Chính vì thế, ngay cả các dự án bất động sản được đầu tư nghiêm túc, quy củ cũng không tránh khỏi những tác động của thị trường và tâm lý đám đông của người dân. Đáng nói hơn là những tác động đó không dừng lại ở việc chào bán sản phẩm hay cạnh tranh về giá mà thậm chí đã xuất hiện cả những tin đồn thất thiệt, gây những hiệu ứng không tốt cho một số doanh nghiệp, chủ đầu tư bất động sản có thực lực trên thị trường.
Và cũng xuất phát từ suy nghĩ đó nên hiện nay, không ít người mỗi lần ngang qua các dự án được đầu tư bài bản, tiến độ đảm bảo như Royal City, Splendora, Madagrin, D’.Palais de Louis…cũng đều có suy nghĩ có phần tiêu cực nói trên.
Có thể thấy, câu chuyện của dự án Splendora (do tập đoàn Posco E&C Hàn Quốc liên doanh với Vinaconex làm chủ đầu tư) là một ví dụ điển hình.
Ban đầu, dự án này bị cho là đang phải giãn tiến độ do thiếu vốn, thì ngay sau đó không lâu, khi đa phần các dự án đồng loạt án binh bất động, buộc phải hoãn tiến độ vô thời hạn do thiếu vốn, thì dự án Splendora vẫn được chủ đầu tư cho triển khai giai đoạn 2. Các sản phẩm thấp và cao tầng giai đoạn 1 vẫn đều đều cất nóc đúng tiến độ.
Thế nhưng, một trong những điểm sáng hiếm hoi giữa cảnh đìu hiu của thị trường lập tức bị phủ đầu bằng nhận định đây là một khu đô thị ma, hay dự án bỏ hoang bởi ảnh hưởng của sự trì trệ về hạ tầng của các dự án xung quanh.
Còn với Vingroup (chủ đầu tư dự án Times City và Royal City), những “tai bay vạ gió” với doanh nghiệp này cũng xuất phát từ những tin đồn thất thiệt trên thị trường ngay sau khi doanh nghiệp này chuyển nhượng tòa tháp B Vincom cho Ngân hàng Techcombank. Khi đó, giới đầu tư đồn thổi rằng, tập đoàn này đang khát vốn buộc phải bán tài sản, do đó tương lai và tiến độ của 2 dự án còn lại cũng sẽ khó mà tươi sáng được.
Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, cũng như dự án Splendora, cả hai dự án của Vingroup vẫn được triển khai với đúng tiến độ đề ra.
DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: