Top

Thị trường bất động sản: Phá giá đẩy hàng tồn kho

Cập nhật 30/08/2012 08:50

Giữa lúc thị trường bất động sản (BĐS) gặp nhiều khó khăn, các chủ đầu tư và nhà đầu tư đã "hết cửa" thao túng giá nhà đất trên thị trường. Để tìm cách đẩy hàng "tồn kho", rất nhiều chiêu bán hàng mới được tung ra.

Đồng loạt phá giá


Theo ghi nhận của Công ty Knight Frank Vietnam, thị trường BĐS tại Hà Nội đang xảy ra "trào lưu" bán phá giá trên thị trường thứ cấp. Mới đây, hàng loạt dự án căn hộ từ cao cấp đến trung cấp đều đồng loạt giảm giá bán từ 10 - 20%. Có thể kể tới các dự án giảm giá đang chào bán sản phẩm trên thị trường như: The Pride, đường Lê Văn Lương (quận Hà Đông) chào bán 17 - 18 triệu đồng/m2, thấp hơn 3 triệu đồng/m2 so với giá chào bán 2 năm trước. Hay như dự án căn hộ FLC Landmark Tower trên đường Lê Đức Thọ (huyện Từ Liêm) đang chào bán ở mức 23 triệu đồng/m2 so với mức giá 30 triệu đồng/m2 được chủ đầu tư công bố trước đó. Tương tự, chung cư Golden Place (quận Hà Đông) do Công ty CP Đầu tư và Xây dựng HUD 3 làm chủ đầu tư, cũng bị một số nhà đầu tư thứ cấp bán thấp hơn giá công bố ban đầu 3 triệu đồng/m2. Cụ thể, chủ đầu tư chào bán giá 19,2 triệu đồng/m2, trong khi nhà đầu tư thứ cấp bán với giá 16 triệu đồng/m2. Chưa hết, dự án Khu đô thị mới Splendora (huyện Hoài Đức), năm 2010 "làm mưa làm gió" khi có nhiều nhà đầu tư đổ tiền mua nhà đất tại đây với giá 1.100 USD/m2. Tuy nhiên, từ giữa năm 2011 đến nay, giá đất tại dự án này liên tục sụt giảm mạnh, với giá rao bán phổ biến hiện nay chênh 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, thậm chí nhiều trường hợp bán thấp hơn giá gốc.

Trong bối cảnh thị trường BĐS ảm đạm, các nhà đầu tư đang giảm giá mạnh để thu hồi vốn. Ảnh: Việt Linh

Đẩy hàng tồn


Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh địa ốc ảm đạm như hiện nay, các nhà đầu tư bán "phá giá" rút tiền về là điều dễ hiểu. Bài học từ Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai cho thấy năm 2009, trong khi thị trường lao dốc, Tập đoàn này đã phá giá căn hộ để đẩy hàng và thực tế họ đã thành công. Do đó, các chuyên gia nhấn mạnh, các dự án cao cấp cần phải giảm giá tới 50% so với mức giá bán hiện nay, mới có thể đẩy được hàng "tồn", còn căn hộ bình dân hiện đã hạ tới 30% giá bán song vẫn khó bán.

Giải thích về những lý do khiến giá nhà vẫn ở mức cao, ông Phạm Sĩ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho biết, môi giới giúp cung gặp cầu, nhưng đây cũng chính là lực lượng chủ đạo đã "thổi" giá bất động sản.

Đánh giá về hiệu quả của việc giảm giá bất động sản trong trung và dài hạn, ông Nguyễn Tuấn Anh, Tổng Giám đốc Công ty Vinalink Land nhận định, đây chỉ là giải pháp tình thế, nhằm tháo gỡ khó khăn. Tuy nhiên, khách hàng có tâm lý đợi giá BĐS hạ thấp hơn nữa, nhất là với phân khúc trung và cao cấp. Đồng tình với quan điểm trên, ông Vũ Xuân Thiện, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) khẳng định: "Giảm giá BĐS trong thời gian qua là phù hợp với thực tiễn và đảm bảo cho người có nhu cầu sở hữu nhà ở thực có điều kiện tốt nhất để mua nhà ở cho mình với giá phù hợp và được quyền lựu chọn".

Trong khi đó, các doanh nghiệp BĐS cho rằng, họ không thể giảm giá sâu hơn, vì nếu giảm tiếp sẽ lỗ. Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, phá giá để giải phóng hàng "tồn kho", song, các doanh nghiệp nên cân nhắc tới việc quá chú trọng vào vấn đề quay vòng vốn.

Giảm hay tăng giá đều phải tính trên cơ sở giá trị thực của sản phẩm và điều tiết của thị trường. Việc giảm giá bán kích cầu người tiêu dùng là điều hoàn toàn dễ hiểu và hợp lý vào thời điểm này, nhằm đem đến cho khách hàng những sản phẩm BĐS với giá trị thật.

Ông Nguyễn Thế Điệp Chủ tịch Công ty CP Reenco Sông Hồng



DiaOcOnline.vn - Theo Kinh Tế Đô Thị