Top

Thị trường bất động sản phục hồi: “Chớ vội lạc quan”

Cập nhật 16/08/2015 09:24

Đây là cảnh báo của TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia có hơn 30 năm kinh nghiệm về ngành tài chính - ngân hàng nhận định về khả năng "đổ" tiền vào bất động sản khi thị trường này đang trên đà phục hồi trở lại.

Nhiều dự án bất động sản "khủng" đang tất bật khởi công để kịp tung ra thị trường (Ảnh: Ngôn Dân).

Khó "đòi" ngân hàng thi hành nghĩa vụ bảo lãnh

Ngân hàng Nhà nước vừa công bố danh sách các ngân hàng có đủ điều kiện tham gia bảo lãnh dự án bất động sản để bán, cho thuê, thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai. Theo đó, tại TP.HCM, hiện nhiều dự án đã được các ngân hàng ký kết bảo lãnh, đem lại niềm tin cho thị trường bất động sản lớn nhất cả nước.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, chỉ riêng tại TP.HCM, có không ít dự án bất động sản được ngân hàng bảo lãnh nhưng bản thân ngân hàng đó lại chưa đủ điều kiện, năng lực tham gia bảo lãnh.

Bình luận về vấn đề này, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, người mua nhà không nên vội hoang mang, mà cần tìm hiểu xem ngân hàng đó có nằm trong "danh sách tiếp theo" hay không. "Theo tôi được biết, hiện những ngân hàng chưa nằm trong danh sách trên đang được Ngân hàng Nhà nước xem xét để bổ sung vào danh sách tiếp theo", TS. Nguyễn Trí Hiếu cho hay.

Trường hợp Ngân hàng Nhà nước đưa ra danh sách cuối cùng, ngân hàng nào không có trong danh sách này mà tham gia bảo lãnh thì đương nhiên bảo lãnh đó không có hiệu lực pháp lý.

TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, việc ngân hàng tham gia bảo lãnh bất động sản bên cạnh mặt tích cực cũng không tránh khỏi mặt tiêu cực. "Nếu một nhà đầu tư bất động sản không tìm được ngân hàng nào bảo lãnh thì công việc kinh doanh của họ sẽ bị ảnh hưởng. Ngay cả khi họ được bảo lãnh rồi, những điều kiện của bên bảo lãnh đó không được người mua nhà chấp nhận, việc bảo lãnh đó cũng không đem lại kết quả", TS. Nguyễn Trí Hiếu phân tích.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, bản thân hình thức tham gia bảo lãnh cũng hết sức phức tạp. "Cho đến thời điểm này vẫn chưa có những quy định cụ thể về những điều kiện tham gia bảo lãnh.Chẳng hạn, bảo lãnh số tiền bao nhiêu, bảo lãnh trong thời gian bao lâu, rồi bảo lãnh có dựa vào tiến độ xây dựng không... Nếu dự án chậm tiến độ, chưa nói đến việc giao nhà, thì liệu đến thời hạn nào người mua nhà "đòi" ngân hàng thi hành nghĩa vụ bảo lãnh?", TS. Nguyễn Trí Hiếu đặt vấn đề.

Chính vì thế, quy định bảo lãnh dự án bất động sản trên lý thuyết là tốt, nhưng trên thực tế vẫn còn nhiều khiếm khuyết cần phải được lấp đầy trong thời gian tới.


"Ăn theo" tuyến Metro số 1, bất động sản phía Đông TP.HCM đang tăng giá vùn vụt (Ảnh: Ngôn Dân).

Chớ vội lạc quan

Theo các chuyên gia, sau nhiều năm đóng băng, thị trường bất động sản đã phục hồi rõ nét từ cuối năm 2014 đến nay. Dự báo, năm 2015 sẽ là năm bùng nổ nguồn cung bất động sản.Thực tế cho thấy, tại TP.HCM, hàng loạt dự án "khủng" được tung ra trong thời gian gần đây, trong đó có nhiều dự án lên tới hàng nghìn căn hộ/dự án như The Gold View, The Sun Avenue, Masteri Thảo Điền...

Tuy nhiên, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, thị trường bất động sản chỉ mới phục hồi khoảng một năm trở lại đây và "chưa bước vào quỹ đạo phục hồi ổn định". Chỉ ở những thành phố lớn, thị trường bất động sản có giao dịch tương đối tốt, một số phân khúc vẫn còn khó khăn.

TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng nhận định, hiện đang có hiện tượng "làm giá" của các tay đầu cơ. Họ thổi phồng giá trị của bất động sản lên để mua bán kiếm lời, trong khi thực chất người mua có nhiều lựa chọn hơn về phân khúc và giá cả.

"Thị trường bất động sản nơi đâu cũng vậy, nếu nó bật lên nhanh quá thì phải coi chừng. Giá cả chỗ nào lên vù vù luôn tiềm ẩn mầm móng, rủi ro", TS. Nguyễn Trí Hiếu cảnh báo.

"Có lẽ cũng chưa nên vội lạc quan về khả năng phục hồi của thị trường bất động sản. Cả chủ đầu tư và người mua bất động sản cần tỉnh táo và hết sức thận trọng trong thời điểm này", TS. Nguyễn Trí Hiếu nói thêm.

Gần đây, sau khi Luật Kinh doanh bất động sản mới có hiệu lực, thị trường bất động sản Việt Nam chứng kiến sự "đổ bộ" của các nhà đầu tư nước ngoài.

Bình luận về vấn đề này, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, ở Việt Nam bất cứ chỗ nào rục rịch có nhà đầu tư nước ngoài thì lập tức thị trường bất động sản nơi đó rộ lên. Điều này rất nguy hiểm bởi dù nguồn vốn nào đầu tư vào bất động sản cũng cần có thời gian "hấp thụ", trong khi đó không phải nhà đầu tư nước ngoài nào cũng thật sự mạnh.

"Rất khó điều tra để thẩm định tiềm lực thực sự của nhà đầu tư nước ngoài. Có những nhà đầu tư lấy cái mác rất hoành tráng từ Mỹ, Pháp nhưng thực tế chẳng có tiềm lực gì cả. Thay vì vốn từ nước ngoài, họ chỉ lấy cái mác đó để huy động vốn trong nước. Đây là bài học rất quý giá cho những ai đang đầu tư bất động sản", TS. Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.

DiaOcOnline.vn - Theo BizLIVE