Top

Thị trường bất động sản kỳ vọng vào dòng tiền từ bên ngoài?

Cập nhật 10/07/2015 08:22

Từ ngày 1-7, Luật Nhà ở có hiệu lực, cho phép người nước ngoài chỉ cần nhập cảnh vào Việt Nam là được mua nhà, còn Việt kiều thì được mua nhà như người trong nước. Nhiều doanh nghiệp (DN) bất động sản (BĐS) tại TP Hồ Chí Minh đang kỳ vọng chính sách này sẽ “hút” một lượng lớn ngoại hối vào lĩnh vực BĐS.

“Bung hàng” chờ đón ngoại hối

Tập đoàn Novaland là đơn vị nhanh tay thực hiện chương trình “100 căn hộ đầu tiên chào đón kiều bào và người nước ngoài” với chính sách tặng gói cam kết cho thuê tương đương 8% trong năm đầu tiên và gói dịch vụ hỗ trợ quản lý trong giai đoạn hoàn thiện nội thất; cam kết hoàn tiền mua nhà cộng lãi suất phát sinh nếu trong vòng một tháng từ thời điểm giao nhà khách hàng chưa hài lòng về sản phẩm. Chương trình này được áp dụng tại bốn dự án The Sun Avenue (quận 2), The Botanica (quận Tân Bình), Lucky Palace (quận 6), Sunrise CityView (quận 7). Ông Phan Thành Huy, Tổng Giám đốc Tập đoàn Novaland cho biết, đây là bước tiên phong cho việc thực hiện Luật Kinh doanh BĐS, đồng thời đón đầu làn sóng đầu tư từ nước ngoài vào thị trường BĐS.

Công ty Đất Xanh Miền Nam cũng nhanh chóng mở bán dự án Saigonres Plaza tại trung tâm quận Bình Thạnh với hơn 203 căn hộ. Lãnh đạo đơn vị này chia sẻ, với vị trí gần trung tâm, chỉ ngay ngày đầu mở bán, toàn bộ căn hộ đã tiêu thụ hết, trong đó có nhiều khách hàng là người nước ngoài.

Công ty cổ phần Phát triển nhà Thủ Đức cũng tung ra thị trường dự án TDH Phước Long (quận 9) gồm bốn block chung cư với chiều cao 14 tầng, diện tích mỗi căn hộ từ 45,6 đến 83,6 m2. Theo ông Lê Trí Hiếu, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Phát triển nhà Thủ Đức, dự án ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu của người nước ngoài là những chuyên gia đang làm việc tại khu công nghệ cao (quận 9) đang có nhu cầu mua nhà để ổn định cuộc sống tại Việt Nam.

Ảnh minh họa

Tại khu vực phía nam, Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh địa ốc Hưng Thịnh cũng chào bán ra thị trường dự án Florita đường Nguyễn Hữu Thọ, quận 7, gồm 570 căn hộ, diện tích mỗi căn từ 57 đến 103,49 m2. Ông Nguyễn Nam Hiền, Tổng Giám đốc Công ty Hưng Thịnh land cho biết, với việc dự án có nhiều lợi thế như liền kề siêu thị Lotte Mart, khu vui chơi Vietopia, Đại học RMIT… sẽ đáp ứng các yêu cầu của khách hàng trong nước cũng như người nước ngoài muốn sở hữu một căn hộ cao cấp.

Không chỉ tại TP Hồ Chí Minh, chủ đầu tư các dự án BĐS ở các khu vực phục vụ cho nhu cầu nghỉ dưỡng như Phú Quốc, Đà Nẵng, Nha Trang... cũng đang triển khai các dự án “nhắm” vào đối tượng người nước ngoài…

Đừng nên quá kỳ vọng

Giới DN cho rằng, với quy định thông thoáng cho người nước ngoài, Việt kiều mua nhà, chắc chắn lượng ngoại hối sẽ lại tiếp tục được đổ vào BĐS. Theo thống kê, chỉ trong sáu tháng đầu năm 2015, riêng kiều hối đã có 2,16 tỷ USD chuyển về TP Hồ Chí Minh, trong đó khoảng 21,8% là đổ vào BĐS. Dự báo, cả năm thành phố sẽ đón nhận khoảng 5,3 đến 5,5 tỷ USD. Tính chung cả nước, mỗi năm có khoảng 12 tỷ USD kiều hối, nếu bình quân 20% lượng kiều hối đổ vào BĐS, thì chỉ riêng dòng vốn này thị trường BĐS đã hấp thụ khoảng 2,4 tỷ USD. Ngoài ra, Việt Nam hiện có khoảng 80 nghìn người nước ngoài đang sinh sống và làm việc, trong đó hơn 21 nghìn người đủ điều kiện sở hữu nhà ở. Đây cũng sẽ là cơ hội đầy tiềm năng cho các DN địa ốc khi luật đã “mở” cho khách “Tây”.

Tâm lý các DN thì vậy, tuy nhiên các chuyên gia BĐS lại cho rằng, đừng nên quá kỳ vọng các chính sách cho người nước ngoài mua nhà sẽ giúp thị trường BĐS “sốt” trở lại. Theo Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Nguyễn Mạnh Hà, cho đến nay chưa có khảo sát chính thức nào về nhu cầu sở hữu BĐS của người nước ngoài tại Việt Nam. Con số 21 nghìn người nước ngoài đủ điều kiện sở hữu nhà ở chỉ là con số thống kê người nước ngoài đủ điều kiện mua nhà, không đồng nghĩa với số người nước ngoài có nhu cầu sở hữu nhà ở tại Việt Nam.

Một số công ty nghiên cứu thị trường cũng đưa ra con số khoảng 100 nghìn kiều bào mong muốn sở hữu nhà ở tại Việt Nam, nhưng không đưa ra dẫn chứng thuyết phục về nguồn của con số trên. Khi chưa có số liệu khảo sát chính xác về nhu cầu sở hữu nhà của người nước ngoài thì những tranh luận, nhận định, đánh giá vẫn chỉ nằm ở phép so sánh mà thôi.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, dù luật đã có hiệu lực thi hành nhưng vẫn chưa có các nghị định hướng dẫn thực hiện nên chưa biết cụ thể những điều kiện cần thiết nào để người nước ngoài có thể mua nhà ở. Hiện nay, dự thảo nghị định hướng dẫn vẫn đang được Bộ Xây dựng gửi lấy ý kiến các bộ, ngành.

Bà Nguyễn Hoài An, Phó Giám đốc Công ty CBRE Việt Nam cho biết, thị trường BĐS sẽ chưa thể có sự sôi động ngay lập tức khi các luật mới có hiệu lực. Nhà đầu tư vẫn còn băn khoăn chưa quyết mua ngay vì chưa có quy định cụ thể về việc mua rồi bán lại họ sẽ phải chịu thuế như thế nào; quy định về chuyển nhượng lại cũng chưa rõ ràng… nên nhiều khách nước ngoài sẽ còn cân nhắc.

Anh David Dũng, một Việt kiều định cư ở Mỹ cũng đặt câu hỏi: Người nước ngoài như anh có được vay vốn ngân hàng để mua một căn nhà? Hiện nay chưa có quy định nào của ngân hàng cho người nước ngoài mở tài khoản hay vay vốn ở Việt Nam. Khi mua nhà, người nước ngoài sẽ đem một khoản ngoại tệ lớn vào Việt Nam, đến khi họ bán ngôi nhà thì số tiền đó sẽ gặp nhiều rắc rối nếu muốn mang ra khỏi Việt Nam, bởi các quy định chống rửa tiền, trốn thuế, hay các thủ tục hải quan...

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cho rằng: “Không nên kỳ vọng vào sự mạnh mẽ của thị trường nhà đất cho người nước ngoài”. Thị trường nhà đất ở thời điểm này và hai quý cuối năm vẫn tập trung vào nhu cầu thực của người Việt Nam.


DiaOcOnline.vn - Theo Nhân dân