Dù nhìn nhận thị trường bất động sản đang đình trệ do ách tắc thủ tục nhưng các chuyên gia đều cho rằng, cửa sáng vẫn còn nhiều.
Vấn đề cấp phép dự án có thể sớm được giải quyết trong năm tới
Lạc quan là từ khoá mà các chuyên gia đầu ngành dành cho thị trường bất động sản trong dài hạn với những yếu tố hỗ trợ đến từ kinh tế vĩ mô, cơ sở hạ tầng được cải thiện và sự gia tăng của tầng lớp trung lưu Việt Nam.
Thị trường không nhiều bất ổn
Theo đó TS. Lê Anh Tuấn - P.TGĐ quỹ Dragon Capital nhìn nhận: “Thị trường 2019 tuy chứng kiến bức tranh có cả điểm sáng - tối đan xen nhưng trong dài hạn, chúng ta có thể lạc quan bởi 4 yếu tố được xem là trụ cột và sẽ tác động tới thị trường bất động sản trong dài hạn vẫn rất tốt.”
Cụ thể, Việt Nam là quốc gia nằm trong top đầu các nước có sự tăng trưởng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu. Tầng lớp trung lưu Việt Nam trong khoảng 8-10 năm qua tăng rất nhanh, từ 14% tổng dân số vào năm 2012 đã lên tới 38% vào năm 2019.
Boston Consulting Group thống kê dân số ở tầng lớp trung lưu đã tăng khoảng 175% trong 8 năm qua. Yếu tố kinh tế vĩ mô phát triển ổn định, tỷ giá, lạm phát và lãi suất được giữ ở mức ổn định trong ba năm qua sẽ là nền tảng để giữ thị trường bất động sản không quá nhiều bất ổn.
Về cơ sở hạ tầng, ông Tuấn cho rằng nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng vẫn đang tăng. Tại TP.HCM, dù 2 năm qua có những dự án đang chững lại nhưng không có nghĩa là chấm dứt. Thậm chí, việc chững lại của một số dự án cải thiện cơ sở hạ tầng sẽ góp phần giảm nguồn cung bất động sản và giữ thị trường bình ổn.
Bên cạnh đó, tỷ lệ đô thị hóa tại Việt Nam tăng cao ở mức thứ hai tại châu Á, giúp nhà đầu tư hướng tới các cơ hội phát triển trong dài hạn.
Dự báo về sự phát triển của thị trường trong năm 2020, ông Tuấn cho rằng phân khúc bất động sản cao cấp sẽ khó giảm sức nóng trong tương lai khi tầng lớp trung lưu gia tăng nhanh, đây sẽ là nguồn cầu lớn cho phân khúc này. Trong khi đó nhà ở tầm trung, dự báo sẽ tiếp tục có biến động theo hướng tăng giá và giảm nguồn cung, tuy nhiên về dài hạn chắc chắn sẽ chứng kiến nhiều tín hiệu tích cực.
Ông Phạm Thanh Hưng - Phó Chủ tịch Cengroup dự đoán, năm 2020 thị trường đất nền vùng ven sẽ tiếp tục là kênh đầu tư chủ lực. Bên cạnh đó sức nóng có thể chia cho các tỉnh lân cận như Bình Dương, Long An, Đồng Nai và Bình Phước.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Bá Sáng - TGĐ tập đoàn An Gia cho rằng, nhà gắn với đất vẫn sẽ là phân khúc chủ lực thu hút sự quan tâm của thị trường trong các năm tới đây.
Điểm nghẽn sắp "khơi thông"
Dù nhận định về sự tươi sáng của thị trường, hầu hết các chuyên gia đều đồng tình về việc cần khơi thông điểm nghẽn pháp lý để thị trường phát triển.
TGĐ Savills Việt Nam, ông Neil Macgregor cho rằng, các công ty bất động sản đang không gặp vấn đề về cầu vì nguồn cầu vẫn luôn mạnh trong hai năm qua. Các trở ngại lớn nằm ở việc vay vốn và việc tiếp cận quỹ đất cũng như các vấn đề cấp phép mở dự án mới. Đây là thách thức lớn nhất trong 2 năm qua của hầu hết các doanh nghiệp trong nước và cả khối ngoại.
Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm nay, TP.HCM tiếp tục ghi nhận sự sụt giảm mạnh về nguồn cung căn hộ do tác động của các dự án hạ tầng giao thông bị chậm tiến độ, tranh chấp đất Thủ Thiêm và nhiều thay đổi trong luật đất đai khiến nhà đầu tư e dè. Nguồn cung dự án mới trên thị trường vô cùng khan hiếm.
Ông Nguyễn Thái Phiên - Giám đốc tài chính của Novaland cũng nhìn nhận, nút thắt pháp lý đang khiến nguồn cung trên thị trường bất động sản TP.HCM sụt giảm mạnh. Điều này tạo nhiều áp lực cho các công ty phải tìm kiếm quỹ đất đồng thời phải đảm bảo sản phẩm chào bán ra thị trường với mức giá chấp nhận được.
Trong bối cảnh thị trường bất động sản TP.HCM đối mặt với nhiều thách thức và chứng kiến sụt giảm mạnh nguồn cung, các chủ đầu tư có xu hướng tìm kiếm dự án mới tại các vùng ngoại vi và các tỉnh thành lân cận. Xu hướng này kỳ vọng sẽ giải tỏa áp lực nguồn cung từ năm 2020 với nhiều dự án mới được đưa ra thị trường.
Tuy nhiên các chuyên gia đều cho rằng vấn đề về cấp phép dự án có thể sẽ sớm được giải quyết trong năm tới đây nhờ sự phối hợp giữa các chủ đầu tư với chính quyền các địa phương và trung ương.
Điều này sẽ giúp nguồn cung năm 2020 tăng nhờ nhiều dự án đưa sản phẩm ra thị trường sau thời gian dài ngưng trệ và tình hình này dự báo sẽ kéo dài qua năm 2021. Trong khi đó, giá nhà ở vẫn duy trì tăng dựa trên chi phí đầu tư, nhân công, lãi vay đều tăng.
DiaOcOnline.vn – Theo DĐDN
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: