Top

Thị trường bất động sản bị oan!

Cập nhật 05/03/2008 08:00

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, với cái cách điều hành thất thường và yếu kém của ngành ngân hàng (NH) vừa qua không chỉ làm cho lạm phát tăng thêm, mà thị trường bất động sản (BĐS) cũng trở thành con bệnh bất đắc dĩ.

Đang ngất ngư vì cảm nóng, thị trường BĐS chuyển sang cảm lạnh, rồi lại cảm nóng, và rồi sẽ... không biết như thế nào nữa. Và người ta được dịp đổ tội cho việc đầu cơ BĐS là một trong những nguyên nhân gây bất ổn của thị trường nói chung. Nhưng xem ra thực tế lại khác.

Nước ta đang ngày càng có nhiều các dự án đô thị mới, nhưng cũng đi theo đó là ngày càng nhiều dự án bị... treo vì chẳng biết khi nào hoàn thành. Trong khi đó, người mua nhà cứ sôi sùng sục và rồi thất vọng vì dự án kéo dài quá lâu, vì đến lúc mua được nhà thì giá đã cao ngất trời. Tại sao vậy? Chả là có một số DN tìm cách "chạy" được dự án khu đô thị mới để rồi bán nó để thu lợi. Có dự án được bán qua nhiều nhà đầu tư thứ cấp, mỗi cấp "ăn" một ít, nên người tiêu dùng lãnh đủ thiệt hại.

Để ngăn chặn tình trạng này, trong Luật BĐS quy định việc chủ đầu tư ứng tiền trước (huy động vốn của người mua) chỉ được thực hiện lần đầu khi "đã xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho BĐS theo nội dung, tiến độ của dự án đã được phê duyệt".

Như vậy thì với việc giải phóng mặt bằng trăm ngàn gian khó và kéo dài, với việc NH thắt chặt tiền vay kinh doanh BĐS, các nhà đầu tư không lấy đâu ra vốn để xây dựng theo đúng điều kiện quy định thì mới được huy động vốn của khách hàng.

Mà dự án càng kéo dài càng chịu lãi suất NH cao, giá cả vật tư tăng lên, và đương nhiên sẽ đẩy giá bán nhà lên cao. Người mua nhà có tiền (phải cất vào tủ) rất muốn nộp tiền khi dự án đã được duyệt và đang triển khai (quan hệ kinh tế), nhưng DN không dám nhận dù rằng họ rất cần dùng tiền đó để đầu tư thúc đẩy dự án nhanh hơn. Không DN nào muốn giá bán lên cao vì cuối cùng DN chịu đau, người tiêu dùng gánh chịu "bão giá" nhà. DN nào cũng muốn dự án hoàn thành đúng tiến độ để quay đồng vốn nhanh hơn. Nhưng quy định là quy định, đố ai dám lách.

Chúng ta có kỷ cương nhà nước, DN nào làm bậy thì cứ áp chế tài để xử lý, tại sao để ngăn chặn một vài DN làm bậy thì lại bắt tất cả các DN khác phải chịu theo và làm cho việc giải quyết nhu cầu nhà ở của xã hội lùi lại?

Một điều đáng nói là do cơ chế chặt chẽ nên các DN nhà nước không thể "bôi trơn" chạy dự án, nên đành chịu thua các DN tư nhân có cơ chế thoáng hơn. Có nhiều chủ DN kinh doanh BĐS lớn của Nhà nước đã phải kêu rằng: Phần lớn các khu đất đẹp để xây dựng khu đô thị mới đã bị các DN tư nhân, DN tay trái nhưng có "quan hệ" giỏi "chen lấn" chiếm mất rồi.

Gần đây lại có quy định về "hạn ngạch" cho mỗi công dân không được ở quá 30m2 với lý do... chống đầu cơ nhà đất. Mục đích mọi nỗ lực của cả hệ thống là để nâng cao chất lượng sống của người dân.

Đảng và Nhà nước khuyến khích người dân làm giàu. Khi giàu chính đáng, người dân có quyền mua nhà ở rộng rãi để ở. Nhà ở là một trong những tiêu chí chất lượng sống cao hay thấp. Cớ sao lại cấp "hạn ngạch" diện tích nhà ở? Nhu cầu nhà ở ngày càng cao thì việc buôn bán nhà đất buộc phải có. Người đầu cơ, buôn bán nhà đất bị Nhà nước điều tiết bằng thuế, cớ gì ta lại đi điều tiết định mức diện tích nhà ở đối với người tiêu dùng?

Những tưởng với việc tăng các dự án đô thị mới để giải toả sức nóng nhu cầu nhà ở của dân, song các quy định như trên làm cho mục đích đó không đạt được, mà lại đẩy giá nhà cao ngất ngưởng. Thị trường BĐS bị "nhồi" giá bởi ảnh hưởng của các chính sách không phù hợp. Nhưng thứ giá trên trời đó lại là một trong những "mức chuẩn" để giá thị trường leo thang, góp phần làm cho lạm phát gia tăng.

Có nghĩa là thị trường BĐS bị oan! Và người nghèo đã đứng xa, nay lại càng phải đứng xa hơn ngôi nhà mơ ước.

Theo Lao Động