Tại hội thảo "Thị trường bất động sản (BĐS) giải pháp và cơ hội tiếp cận vốn từ các tổ chức tín dụng" do Bộ Xây dựng và Báo Xây dựng tổ chức ngày 12/9, một lần nữa, câu chuyện dư nợ tín dụng lại được “hâm nóng” bởi sự khác biệt khá xa của các số liệu và những quan điểm không đồng nhất về cách tính.
Con số “gây sốc”
Con số dư nợ tín dụng 348.000 tỷ đồng mà TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế đưa ra tại hội thảo lập tức đã nhận được sự chú ý đặc biệt. Con số này "gây sốc" bởi trái ngược với những công bố của cơ quan quản lý. Theo TS Ánh, cho vay BĐS tăng chứ không giảm, thậm chí tăng cao. Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, lĩnh vực nông thôn - nông nghiệp được khuyến khích vay thì lại "âm", kinh doanh BĐS không được khuyến khích nhưng lại tăng hơn 5,8% (?) Như vậy là có chuyện!
Huy động nguồn vốn từ các chủ thể nền kinh tế là yêu cầu hàng đầu trong việc quản lý và phát triển thị trường BĐS. Ảnh: Việt Linh
|
Trong khi chủ trương tín dụng những tháng đầu năm không dành sự khuyến khích cho lĩnh vực BĐS và con số về dư nợ tín dụng cho lĩnh vực này từ phía ngân hàng vào khoảng 200.000 tỷ đồng, thì số liệu mà TS Ánh đưa ra không khỏi gây "sốc". Nghi ngờ về con số 348.000 tỷ đồng này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng, việc cho vay được Ngân hàng Nhà nước chia ra rất nhiều loại cụ thể, như: Cho vay xây dựng khu công nghiệp, cho vay sửa chữa nhà ở, cho vay mua nhà, cho vay đầu tư BĐS. Hàng quý, Ngân hàng Nhà nước đều có báo cáo. Bộ Tài chính cũng có số thu ngân sách từ thị trường BĐS, trong đó có thu thuế chuyển nhượng, thu thuế trước bạ… Bộ TN&MT cũng có những thống kê hàng năm về việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, bao nhiêu héc ta cho giao thông, bao nhiêu héc ta cho khu đô thị mới… Như vậy, bước đầu đã có các nguồn số liệu liên quan đến BĐS. "Nhưng quan niệm thế nào là BĐS và dư nợ BĐS ảnh hưởng như thế nào còn phải trao đổi rất nhiều" - Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam nói.
Thứ trưởng Nam phân tích thêm, đành rằng, BĐS là tất cả những gì trên đất mà không di chuyển được. Như vậy, cầu cống, sân bay, nhà máy… cũng là BĐS. BĐS không giao dịch trên thị trường, không nên đưa vào số liệu để thống kê của thị trường BĐS. Cho nên, trong dư nợ BĐS không thể tính cả vay để xây nhà máy, làm đường, làm cầu… Hay việc người dân vay để xây nhà để ở, cũng không nên tính vào kinh doanh BĐS. Vì vậy, về con số 348.000 tỷ đồng dư nợ tín dụng BĐS, cần nói cho rõ.
Luật đã quy định rõ
Để làm cho rõ quan điểm cũng như số liệu mình đưa ra, TS Ánh lý giải: Luật Kinh doanh BĐS đã nói rất cụ thể, BĐS là đất đai và các công trình gắn liền trên đất. Con số mà tôi công bố là con số có được từ Ngân hàng Nhà nước vào thời điểm tháng 4 vừa qua, trong một danh mục dài, có mục cho vay ngành xây dựng và một mục cho vay kinh doanh BĐS. "Soi" sang bên Tổng cục Thống kê, BĐS thuộc về khu vực dịch vụ còn xây dựng thuộc về khu vực công nghiệp - xây dựng. BĐS là phải gom cả hai khu vực này vào. Con số của Tổng cục Thống kê khi gom hai lĩnh vực này cũng cho ra con số 348.000 tỷ đồng. Đáng tiếc, hội thảo đã không có sự tham dự của đại diện Ngân hàng Nhà nước để có thể làm rõ về vấn đề này (!).
Cũng tại hội thảo, dưới góc nhìn của một chuyên gia kinh tế, ông Trần Kim Chung, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư, có cái nhìn mang tính lạc quan hơn về thị trường BĐS. Ông Chung cho rằng, thị trường BĐS đã bước sang một giai đoạn phát triển mới. Tuy vậy, việc huy động các nguồn vốn từ tất cả các chủ thể trong nền kinh tế vẫn là yêu cầu hàng đầu trong việc quản lý và phát triển thị trường BĐS. Với quan điểm cơ quan quản lý, chuyên gia này đề xuất cho ra đời một cơ quan cấp Tổng cục để quản lý BĐS và thị trường BĐS. Bên cạnh đó, một trong những động thái điều hành quan trọng nhất tại thời điểm hiện nay là hướng đến tăng trưởng tín dụng từ hệ thống ngân hàng đối với thị trường BĐS.
Trong thời gian vừa qua, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã ban hành một số chính sách tiền tệ như điều chỉnh giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại (hiện lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa 15%/năm), nới lỏng hạn chế cho vay ở một số lĩnh vực kể cả kinh doanh BĐS. Nhưng các giải pháp trên chưa thực sự có tác động tích cực vì độ trễ của chính sách khi thực hiện trong thực tế.
Ông Nguyễn Trần Nam Thứ trưởng Bộ Xây dựng
DiaOcOnline.vn - Theo Kinh Tế Đô Thị
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: