Nhiều doanh nghiệp (DN) phía Nam đang kiến nghị cho phép xây dựng loại hình nhà ở xã hội bán theo kiểu thương mại nhằm tăng thanh khoản cho thị trường.
Nhà xã hội: Cứu cánh cho DN
Ý kiến trên vừa được ông Nguyễn Văn Đực - Phó Giám Đốc Công Ty TNHH Địa ốc Đất Lành nêu lên tại hội thảo Thị trường BĐS - giải pháp và cơ hội tiếp cận vốn từ các tổ chức tín dụng do Bộ Xây dựng tổ chức hôm 12/9 tại Hà Nội.
Nó xuất phát từ hiệu quả của chương trình nhà ở xã hội với quy mô xây dựng 5.000 căn hộ, diện tích 30m2, tại tỉnh Bình Dương do Tổng Công ty Becamex IDC làm chủ đầu tư, bán rộng rãi cho các đối tượng có nhu cầu mua nhà ở.
Ông Đực đánh giá, kinh tế suy thoái hiện nay chính là thiên thời, chính quyền địa phương mà cụ thể là tỉnh Bình Dương cởi mở, thương dân chính là địa lợi, còn nhu cầu của đông đảo người dân với loại hình nhà ở giả cả phù hợp này là nhân hòa.
Việc DN xin tham gia xây dựng căn hộ theo "chuẩn" nhà ở xã hội nhưng được bán theo kiểu thương mại sẽ tháo gỡ được nhiều khó khăn bế tắc cho cả phía chính sách nhà ở cho người thu nhập thấp hiện nay, cũng như DN và người có nhu cầu nhà ở.
"Nhà thu nhập thấp từ sốt nóng đến nguội lạnh - diện tích to quá, bốc thăm được căn hộ 70-80m2, người dân không mua được, run sợ, trả lại nhà; ưu đãi nhà thu nhập thấp nói thế mà không phải thế - mặc dù luật nói có nhiều ưu đãi nhưng doanh nghiệp đa số không tiếp cận được. Nhà ở xã hội nhu cầu lớn mà hiệu quả thấp, hiện mới đạt được 50% so với mục tiêu chương trình, như thế là không thành công', ông Đực phân tích.
"Tôi đề nghị làm nhà ở theo phương thức thương mại với diện tích 30m2, dành cho 2 người, đặt tên là nhà bình dân", ông Đực đặt vấn đề.
Nếu Nhà nước cho phép, DN thực hiện các chỉ tiêu theo quy hoạch nhà ở xã hội, giá thành loại nhà này sẽ chỉ khoảng 12 triệu đồng/m2. Một căn hộ 30-40m2, giá chỉ còn khoảng 300-400 triệu đồng căn. Cách này các DN thực hiện được mà Nhà nước không cần phải lo hỗ trợ từ tài chính, đất đai đến thuế má...
"Chỉ cần cho chúng tôi làm nhà ở xã hội theo phương thức thương mại, tôi bảo đảm rằng rất nhiều DN sẽ tham gia. Đó là cách cứu các DN qua khỏi thời điểm hiện nay mà không tốn kém nguồn lực, đồng thời giúp người dân sẽ có nhà ở" - vị này nêu bật.
Trước đó trong trao đổi với VietNamNet, nhiều doanh nghiệp đang tham gia xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp tại Hà Nội hiện nay cũng than phiền về việc bó hẹp đầu ra, giới hạn đối tượng mua nhà thu nhập thấp là lý do quan trọng dẫn đến tình trạng thừa ế, người có nhu cầu không tiếp cận được, người đủ điều kiện thì không có khả năng thanh toán.
TS. Phạm Sĩ Liêm - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cũng cho rằng, để tháo gỡ bế tắc của chính sách nhà ở cho người thu nhập thấp hiện nay, chúng ta cần phải tư duy lại cách làm.
Không cứ xây nên các dự án dành riêng cho người có thu nhập thấp một cách máy móc bắt buộc, mà là tạo ra thị trường nhà ở giá rẻ thương mại phong phú cùng với cơ chế hỗ trợ vay tiền và cho các đối tượng (những người không có nhà ở hoặc nhà ở quá nhỏ và giai đoạn đầu là các công chức nhà nước) được phép tự do lựa chọn nhà ở trên thị trường theo khả năng, hoàn cảnh và nhu cầu của mình.
Lối thoát là các sản phẩm giá rẻ
Quan điểm của ông Liêm, nhà ở giá rẻ là một phân khúc quan trọng của thị trường, vì thế không cần Nhà nước hỗ trợ, mà căn cứ và cung cầu, tình hình cạnh tranh. Mảng nhà ở giá rẻ có nhiều công năng, không chỉ hướng đến người có thu nhập thấp mà cả người có thu nhập trung bình hoặc các hộ trong diện tái định cư. Với doanh nghiệp, trước khi nghĩ đến việc làm nhà cho người thu nhập thấp thì phải định vị mình ở phân khúc nhà ở giá rẻ.
Nhiều ý kiến đề xuất miễn thuế cho người mua nhà lần đầu để có nhà ở đầu tiên nhằm kích thích thanh khoản của thị trường; nới lỏng cho vay mua nhà của các dự án đã hoàn thành hoặc đang xây dựng nhằm tháo gỡ khó khăn đầu ra cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng cần điều chỉnh, thay đổi tỷ lệ thiết kế căn hộ loại A, B, C (tương ứng với các loại diện tích trong một dự án là 50-70m2; 70-100m2 và trên 100m2). Thay vì cơ cấu 1-2-1 thì cần giảm thiểu các căn hộ hạng B, C, thậm chí cho phép xây dựng 100% căn hộ loại A trong một dự án, bởi toàn bộ hàng tồn kho của thị trường đang nằm ở loại căn hộ diện tích lớn là B, C.
Phản ánh của cho thấy, hiện 90% căn hộ mới xây có diện tích dưới 50m2 thì không có lý do gì bắt DN phải làm căn hộ hạng B, C. Những căn trên 75m2 tại thị trường TP.HCM hầu hết là không bán được. Làm ra bao nhiêu, lỗ chất thành núi tồn kho. Trong khi thị trường lại rất thiếu những căn hộ giá trị dưới 1 tỷ đồng.
Vì thế, cách duy nhất là phải tiết kiệm để làm sao chi phí xây dựng chỉ vào khoảng dưới 5 triệu đồng/m2, bán ra ở mức 7 triệu đồng/m2 hay chia nhỏ căn hộ, làm căn hộ diện tích phù hợp với nhu cầu và khả năng thanh toán của số đông...
DiaOcOnline.vn - Theo VEF
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: