Top

Thi công “lô cốt” ba ca: Bất khả thi!

Cập nhật 10/11/2008 01:00

Hầu hết “lô cốt” đều nằm trong khu vực có lưu lượng xe cộ đông, nếu thi công ban ngày dễ gây tai nạn cho người đi đường...

Theo yêu cầu của giám đốc Sở GTVT, “lô cốt” thuộc các dự án trọng điểm như đại lộ Đông Tây, cải thiện môi trường nước, vệ sinh môi trường, nâng cấp đô thị... phải triển khai thi công ba ca/ngày (tức 24/24 giờ) để rút ngắn thời gian rào chắn, nhanh chóng trả lại mặt đường. Song trên thực tế, gần như không đơn vị nào thực hiện được điều này. Hàng loạt “lô cốt” “đắp chiếu” vào ban ngày.

Ngày “ngủ”, tranh thủ “cày” đêm


Ông Nguyễn Xuân Việt, Giám đốc điều hành gói thầu TH4 dự án nâng cấp đô thị, cho biết: “TP cấm xe tải lưu thông vào nội đô ban ngày nên nhà thầu không cách gì huy động vật liệu để thi công, đất đá đào lên cũng không có xe chở ra các bãi đổ. Hơn nữa, hầu hết “lô cốt” đều nằm trong khu vực có lưu lượng xe cộ đông, nếu thi công ban ngày thì dễ gây tai nạn cho người đi đường”.

Theo ông, vào ban ngày, nhà thầu chỉ có thể thực hiện những công đoạn giản đơn như làm bê-tông, cát lót, san cát đệm... Và những công việc này đều thực hiện bên dưới hố đào chứ không được vươn ra khỏi rào chắn nhằm đảm bảo giao thông.

Các “lô cốt” trên đường Lạc Long Quân gần như không thể thi công ban ngày do trục đường này quá đông xe cộ. Trong khi đó, các công đoạn như xúc đất, đóng cừ đều sử dụng máy móc kềnh càng, vươn hẳn ra ngoài “lô cốt” dễ gây tai nạn cho người đi đường.

Tại một số “lô cốt” khác ở các đường trung tâm như Trần Quốc Thảo, Pasteur..., các rào chắn phải thu hẹp vào ban ngày để đảm bảo việc lưu thông của xe cộ. Chỉ có ban đêm, nhà thầu mới được nới rào chắn ra một vài mét phục vụ việc thi công.

Ông Hồ Thu - đại diện nhà thầu Obayashi cho biết dự án đại lộ Đông Tây đẩy mạnh thi công ban đêm dù làm đêm phát sinh nhiều chi phí nhân công, chiếu sáng... “Tuy nhiên, những chi phí này nhà thầu có thể chịu được, còn việc thi công vào ban ngày rất khó do việc huy động vật liệu thường xuyên bị gián đoạn. Một số công đoạn như đổ bê-tông phải thực hiện liên hoàn nếu không muốn chất lượng bê-tông bị trục trặc” - ông Thu nói.

Tiện ích ngầm: Rối như canh hẹ!

Một nguyên nhân khác khiến việc thi công “lô cốt” thường xuyên bị gián đoạn là do trong quá trình đào đường, nhà thầu liên tục đụng các tiện ích ngầm như điện, điện thoại, cấp thoát nước. Trưởng Phân ban quản lý dự án môi trường nước 1 Đặng Ngọc Hồi cho biết: ““Lô cốt” trên đường Bến Bình Đông vướng đến hai đường ống cấp nước phi 350 và 400 mm. Đường Lê Đại Hành vướng cả điện, điện thoại và cấp thoát nước. Đường Lưu Hữu Phước vướng đường dây điện trung thế. Các đường Thuận Kiều và Mễ Cốc đều vướng ống cấp nước”.

Khi chạm các tiện ích ngầm này, nhà thầu phải mất hàng tuần để di dời tạm nhằm đảm bảo việc cung cấp điện nước cho người dân không bị gián đoạn. Điều này đồng nghĩa với việc thi công bị “tê liệt” kéo dài. “Lô cốt” trên các đường Mễ Cốc, Thanh Đa còn... bi kịch hơn vì vướng tiện ích ngầm chằng chịt nhưng mặt đường quá hẹp, không có chỗ để di dời tạm.

Thậm chí một số trường hợp như ở đường Bến Bình Đông, Thuận Kiều, nhà thầu phải thay đổi cả hướng tuyến công trình để phù hợp với các tiện ích ngầm hiện hữu, làm phát sinh hàng loạt chi phí cũng như chậm trễ tiến độ.

Điều đáng nói là chính đơn vị chủ quản cũng không biết chính xác vị trí các tiện ích ngầm do mình quản lý. Hầu hết sơ đồ tiện ích ngầm hiện hữu do đơn vị chủ quản cung cấp cho nhà thầu đều mang tính tương đối, không phản ánh đầy đủ tất cả tiện ích dưới lòng đất cũng như hướng tuyến của các tiện ích này. Do vậy, nhà thầu phải thi công hết sức dè chừng, làm thăm dò bằng thủ công khiến tiến độ bị trì kéo.

Siết việc thi công ban đêm

Trưởng phòng Quản lý giao thông Sở GTVT Bùi Xuân Cường cho biết theo quy định của UBND TP, xe tải nặng không được phép lưu thông vào khu vực nội đô từ 6 đến 21 giờ. Tuy nhiên, có một số trường hợp sẽ được cấp phép đặc biệt để lưu thông vào nội đô ban ngày, trong đó xe chở vật liệu của các công trình trọng điểm sẽ được ưu tiên xem xét. Tuy nhiên, theo ông Cường, việc cấp phép đặc biệt cũng rất hạn chế và phải căn cứ vào tải trọng cầu đường cũng như mức độ kẹt xe tại khu vực có “lô cốt”.

Ông Nguyễn Xuân Việt thì cho rằng dù có được cấp phép thì việc xe tải chở vật liệu lưu thông vào nội đô ban ngày cũng rất khó vì dễ gây rơi vãi, bụi bặm làm ô nhiễm môi trường.

Hơn nữa, nhiều tuyến đường trung tâm TP thường xuyên kẹt xe, ngay cả trong giờ thấp điểm khiến nhà thầu chỉ có thể chở được một, hai chuyến vật liệu là đã hết ngày. Do đó, phần lớn nhà thầu đều cố gắng đẩy nhanh thi công vào ban đêm.

Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT Trần Hồng Nam cho biết nhằm siết việc thi công “lô cốt” ban đêm, Thanh tra giao thông tăng cường kiểm tra gắt gao vào thời điểm này, trong đó xử phạt nghiêm những “lô cốt” thi công chậm trễ, bê bối.

“Những trường hợp lợi dụng ban đêm để dựng “lô cốt” trái phép hoặc rào chắn rồi không thi công đều được lực lượng tuần tra ban đêm phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm” - ông Nam nói.

DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP