Top

Thêm giải pháp cứu thị trường Bất động sản: Liệu “băng” có tan?

Cập nhật 17/03/2013 09:10

Bộ Xây dựng ban hành Thông tư số 02, cho phép các chủ đầu tư dự án bất động sản (BĐS) có thể “xé” nhỏ các căn hộ thuộc dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng dành 30.000 tỷ đồng cho 5 ngân hàng để một số đối tượng được vay mua nhà, đây là những biện pháp nhằm “cứu cánh” thị trường BĐS và người dân có thể tiếp cận được với nhà ở.

Từ việc chia nhỏ căn hộ

Theo Thông tư số 02/2013/TT-BXD ngày 8-3-2013 hướng dẫn các trường hợp được điều chỉnh cơ cấu căn hộ, chuyển đổi mục đích sử dụng từ nhà ở thương mại sang làm nhà ở xã hội là những dự án nhà ở thương mại, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị (KĐT) đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, nhưng chưa triển khai thi công xây dựng hoặc đã được triển khai thi công nhưng cơ cấu căn hộ hoặc mục đích sử dụng nhà ở thương mại không phù hợp với nhu cầu của thị trường.

Chủ đầu tư (CĐT) các dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án đầu tư xây dựng KĐT được điều chỉnh quy mô căn hộ thương mại có diện tích lớn sang căn hộ thương mại có diện tích nhỏ hoặc chuyển đổi các khối nhà chung cư và nhà ở thương mại thấp tầng sang làm nhà ở xã hội hoặc công trình dịch vụ (BV, trung tâm y tế, trường học, khách sạn, công trình thương mại…). Việc điều chỉnh cơ cấu căn hộ, chuyển đổi mục đích sử dụng nhà ở thương mại sang làm nhà ở xã hội hoặc công trình dịch vụ chỉ được thực hiện đối với các hạng mục công trình xây dựng và căn hộ (kể cả cao tầng và thấp tầng) mà CĐT chưa ký hợp đồng góp vốn, hợp đồng mua bán với khách hàng. Trường hợp đã ký hợp đồng góp vốn, hợp đồng mua bán với khách hàng thì trước khi thực hiện việc điều chỉnh cơ cấu căn hộ, điều chỉnh mục đích sử dụng thì phải được sự đồng ý bằng văn bản của tất cả khách hàng đã ký hợp đồng.

Các dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án đầu tư xây dựng KĐT có quy mô từ 500 căn hộ trở lên, trước khi UBND cấp tỉnh ra quyết định cho phép điều chỉnh cơ cấu căn hộ hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng phải có ý kiến thống nhất của Bộ Xây dựng. Việc Bộ Xây dựng ban hành Thông tư nhằm cứu thị trường BĐS, tuy nhiên, theo một số chuyên gia kinh tế, chưa chắc các doanh nghiệp đã dễ bán.

Sau những giải pháp mà Bộ Xây dựng và NHNN đưa ra, hy vọng những người thu nhập thấp sẽ có cơ hội được sở hữu nhà ở.    Ảnh: Lê Hoàng

Hỗ trợ tiền mua nhà với lãi suất thấp

Thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 7-1-2013 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, các ngân hàng thương mại phải dành tối thiểu 3% tổng dư nợ cho vay tại thời điểm cuối năm trước để cho vay các đối tượng cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, đối tượng có thu nhập thấp, các doanh nghiệp là CĐT dự án xây dựng nhà ở xã hội; các doanh nghiệp là CĐT các dự án nhà ở thương mại được chuyển đổi công năng sang dự án nhà ở xã hội với lãi suất và thời hạn phù hợp. NHNN dành 30.000 tỷ đồng hỗ trợ 5 ngân hàng để cho vay các đối tượng nêu trên thông qua hình thức tái cấp vốn.

Đối tượng khách hàng được vay vốn là cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, đối tượng có thu nhập thấp vay để thuê, thuê mua nhà ở xã hội  có diện tích nhỏ hơn 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2. Đối với lãi suất cho vay áp dụng lãi suất ổn định 6%/năm đến thời điểm 15-4-2016 (3 năm). Sau thời điểm này khách hàng tiếp tục được hưởng chính sách lãi suất hỗ trợ theo công bố của NHNN.

Đối với đối tượng mua, thuê, thuê mua nhà thì thời hạn cho vay tối thiểu 10 năm và tối đa là 5 năm đối với doanh nghiệp. NHNN cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại Nhà nước (Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam; Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam; Ngân hàng Công Thương Việt Nam; Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam; Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long) phải dành một lượng vốn tối thiểu 3% tổng dư nợ cho vay.

Trước những giải pháp mà Bộ Xây dựng và NHNN đưa ra nhằm cứu thị trường BĐS, một số chuyên gia kinh tế cho hay: Những chủ trương này nhằm giảm bớt được tỷ lệ nợ xấu, các doanh nghiệp và người dân có cơ hội mở rộng thị trường và đáp ứng được nhu cầu của cá nhân, cũng như nhu cầu phát triển chung của đất nước. Trao đổi với PV báo PL&XH, Tiến sĩ Phạm Sĩ Liêm- Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam phân tích: Để đánh giá được hiệu quả của các giải pháp mà NHNN đưa ra, cần phải có thời gian, và cần phải cụ thể hóa vì NHNN kiếm đâu số tiền lớn như thế. Giả sử nếu có tiền rồi thì cần làm các thủ tục gì để rót về cho 5 ngân hàng? Hơn nữa, khi các ngân hàng được vay vốn thì phải nói rõ số tiền được dùng vào lĩnh vực gì. Có thể một số ngân hàng chỉ cho khách hàng vay khoảng ¼, còn ¾ thì cho vay lĩnh vực khác để tìm kiếm lợi nhuận, do các ngân hàng được vay trong tổng số tiền 30.000 tỷ đồng giá đã thấp hơn 1,5%.

Cũng theo TS Liêm: Trong thời gian tới, thị trường BĐS sẽ có tác động nhưng mới chỉ là tinh thần, chứ để đưa vào cuộc sống thì còn phải có thời gian dài dài!

DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật & Xã hội