Bất động sản "ngủ đông" quá dài khiến nền kinh tế phải đối mặt với nhiều nguy cơ xấu, trong đó việc tồn đọng hàng chục nghìn căn hộ trung và cao cấp ở những thành phố lớn đang là nỗi lo không phải chỉ của riêng doanh nghiệp mà còn của hệ thống các cấp, các ngành, thậm chí người dân cũng khó có thể làm ngơ. Sự méo mó của thị trường bất động sản (BĐS) đã đến hồi "phân giải", nhưng "giải cứu" hay không và "giải cứu" theo hướng nào là vấn đề cần phải được bàn bạc, xem xét với thái độ cẩn trọng, vì lợi ích của người dân.
Một khu đô thị “bỏ hoang” tại huyện Hoài Đức.Ảnh: Lê Tuấn |
Ông Nguyễn Tuấn, phường Khương Mai (Thanh Xuân): Để thị trường BĐS vận động theo quy luật thị trường
Thị trường BĐS "tung hứng" trong một thời gian dài vì có sự góp sức của hệ thống các ngân hàng và tiền của đã đổ vào túi của doanh nghiệp và giới đầu cơ BĐS. Trái ngược với trạng thái của ngân hàng và doanh nghiệp lúc đó là người lao động lao đao vì đất nông nghiệp bị thu hồi hàng loạt và người có nhu cầu mua nhà ở lại không đủ tiền. Vậy, khi BĐS đang ở đỉnh điểm thì có ai nghĩ cách để cứu người lao động? Để đến bây giờ, khi BĐS ế ẩm, cung vượt quá cầu thì các ban, ngành chức năng lại tìm cách vực nó dậy? Tôi cho rằng, trong thời buổi kinh tế khó khăn hiện nay, nếu lấy ngân sách nhà nước để cứu BĐS là không hợp lý, hãy để nó tự vận động theo quy luật cạnh tranh của thị trường; còn tiền ngân sách nhà nước nên dành đầu tư cho các doanh nghiệp sản xuất, cho những người thực sự có nhu cầu mua nhà thông qua những chính sách ưu đãi, thiết thực.
Ông Nguyễn Xuân Toán,Văn phòng Luật sư An Bình,đường Láng Hạ (Ba Đình): Chuyển nhà thương mại thành nhà ở xã hội liệu có bảo đảm đúng tiêu chí?
Nhà ở bán cho người thu nhập thấp trên địa bàn Hà Nội với rất nhiều chính sách ưu đãi nhưng chủ đầu tư vẫn rao bán với giá hơn 10 triệu/m2 nên người lao động xoay xở đủ kiểu vẫn không đủ tiền mua nhà. Vì thế, tôi lo lắng với nhà ở thương mại chuyển sang nhà ở xã hội thì mức giá có đủ "kích" để người lao động được mua? Mặt khác, chỉ một thời gian ngắn trước, khi một số nhà chung cư được các gia chủ sử dụng làm trụ sở hoạt động của công ty thì các bộ, ngành… phản đối kịch liệt vì cho rằng công năng không phù hợp. Vậy, nay đang là nhà thương mại lại tính chuyện chia nhỏ, ngăn phòng, hạ cấp… thành nhà ở xã hội thì liệu chất lượng có bảo đảm, các quy chuẩn về nhà ở liệu có bị "gọt" cho phù hợp với thực tiễn? Theo quy luật thông thường, khi cung vượt quá cầu thì sản phẩm phải giảm đến mức tối đa, thậm chí lỗ cũng phải chịu… nhưng trên thực tế các căn hộ vẫn chỉ giảm cầm chừng để "câu" khách. Với mức giảm nhẹ như hiện nay tôi cho rằng giá BĐS vẫn chưa chạm đến giá trị thực bởi mức thu nhập của đại đa số người lao động như hiện nay thì họ không bao giờ mua được nhà. Vậy, ai cần giải cứu?
Ông Bùi Văn, phường Phú La (Hà Đông): Thay vì đầu tư cho BĐS, hãy tập trung vốn cho các ngành sản xuất
Tôi đọc trên báo chí có thông tin cho rằng với những doanh nghiệp BĐS còn đang nợ thuế, nợ tiền sử dụng đất của Nhà nước thì nên quy đổi ra sản phẩm là nhà mà các doanh nghiệp đã xây dựng để trả cho Nhà nước. Việc này vừa giúp doanh nghiệp tiêu thụ được sản phẩm, vừa là nguồn để Nhà nước bán nhà cho người lao động và ngân sách nhà nước sẽ không bị thâm hụt vì "bơm" tiền cho BĐS. Đã đến lúc các tỉnh, thành phố phải tự cơ cấu lại ngành nghề của mình, phải phát triển dựa vào sản xuất, dịch vụ chứ không thể sống nhờ vào tiền sử dụng đất, tiền cho thuê đất vì đây không phải là nguồn phát triển bền vững. Do đó, thay vì đầu tư cho doanh nghiệp BĐS, Nhà nước cần tập trung vốn để vực dậy các ngành sản xuất mũi nhọn, coi trọng phát triển nông nghiệp nông thôn, đầu tư cho hạ tầng xã hội…
Chị Hoàng Hải Ninh, xã Mỹ Đình (Từ Liêm): Doanh nghiệp BĐS đánh mất niềm tin
Tôi cho rằng các doanh nghiệp kinh doanh BĐS ngoài việc cung vượt quá cầu, ngân hàng siết chặt nguồn vay với BĐS… thì các chủ đầu tư còn bị mất niềm tin quá lớn vì trong nhiều năm qua họ chỉ chăm chút quyền lợi của mình, còn nghĩa vụ với xã hội thì bỏ mặc. Kết quả, nhiều dự án khu đô thị mới đã "gạn" đến tối đa hóa diện tích đất xây nhà để bán mà cố tình "quên" đi nghĩa vụ của doanh nghiệp với những công trình phúc lợi… Chưa kể, nhiều khu đô thị vừa xây xong đã xuống cấp nghiêm trọng, nền, móng lún sụt, hạ tầng khập khiễng. Tình trạng "đóng băng" BĐS hiện nay là biểu hiện của căn bệnh sa sút trong nền kinh tế… Vậy, khi "bệnh" không được giải phẫu, không dùng "kháng sinh" mà lại được nuôi dưỡng bằng "thuốc bổ" thì thời gian "bệnh" sẽ kéo dài thêm. Đã đến lúc để các doanh nghiệp có thực lực được sống, còn những người tạo "bong bóng" vì đầu cơ bằng tiền của ngân hàng phải tự chịu hậu quả. Đó là quy luật thông thường của thị trường.
DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: