Top

Thấp thỏm số phận những cây cầu

Cập nhật 25/11/2008 10:00

Hà Nội có hàng trăm cây cầu từ lâu đã xuống cấp nghiêm trọng, có thể sập bất cứ lúc nào. Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm nhưng cho đến nay, các phương án cụ thể để thay thế những cây cầu cũ già nua bằng các cây cầu mới, hoặc cải tạo, gia cố cầu yếu nhằm bảo đảm an toàn giao thông vẫn chưa có. Động thái gần đây nhất của Sở GTVT Hà Nội là đề xuất với UBND thành phố cho phép phân cấp về các quận, huyện để việc quản lý, duy tu được sát sao hơn...

Những cây cầu "ông lão"

Đó là cách gọi của Trung tá Lê Văn Tạc, Đội phó Đội Cảnh sát giao thông (CSGT), Công an huyện Thanh Trì, khi đưa chúng tôi tới thị sát cầu Tó và cầu Dậu nằm trên đường Phan Trọng Tuệ và đường Kim Giang. Thật khó tưởng tượng khi chứng kiến cảnh cầu Tó luôn rung bần bật mỗi lần xe tải chạy qua, vậy mà đây lại là cây cầu huyết mạch nối trung tâm Thủ đô và TP Hà Đông với Quốc lộ 1A. Theo thống kê của đơn vị quản lý, trung bình mỗi ngày đêm có từ 3.000 - 4.000 lượt xe ôtô chạy qua chiếc cầu này, trong đó phần lớn là xe trọng tải lớn, có xe lên đến 50 tấn.

Trung tá Lê Văn Tạc cho biết: Cầu Tó được xây dựng vào những năm 1970, tháng 3-2007 đã bị sập. Sau đó, Công ty Công trình giao thông 2 Hà Nội khôi phục lại, cho lắp đặt giàn bê tông chống đỡ. Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tình thế và không thể duy trì lâu dài. Mặt cầu lại quá hẹp (chỉ 6-7m) nên thường xuyên xảy ra ách tắc giao thông nhiều giờ. Trong một đợt thử tải, Trung tâm Kiểm định chất lượng công trình GTVT (Viện Khoa học công nghệ GTVT) đã cảnh báo trong tương lai gần, chiếc cầu có thể bị gãy đột ngột. Công an huyện Thanh Trì cũng đã nhiều lần có văn bản gửi cơ quan chức năng đề nghị sớm tháo dỡ, xây mới nhưng đến nay, mọi việc vẫn đang giẫm chân tại chỗ.

Cách cầu Tó không xa, cầu Dậu đang trong tình trạng tương tự nhưng cơ quan quản lý cũng chỉ biết khắc phục tạm thời bằng cách kê thêm những tấm thép trên mặt cầu.

Cầu Ngà tại Km 18 trên tuyến đường 70, thuộc địa phận xã Đại Mỗ (huyện Từ Liêm), cách điểm giao cắt với đường Láng - Hòa Lạc khoảng 200m cũng thuộc loại "quá đát". Đây là một trong những cây cầu quan trọng trên tuyến đường 70 chạy qua địa bàn Hà Nội. Mỗi ngày, cây cầu chỉ có độ dài 20m này luôn phải oằn mình cõng hàng trăm xe trọng tải lớn "bò" qua. Những ngày mưa lũ đầu tháng 11 vừa qua, cầu Ngà bị ngập hoàn toàn. Khi nước rút, mặt cầu có hiện tượng nứt dọc làm giảm sức chịu tải. Vì vậy, từ ngày 12-11, để bảo đảm an toàn cho các phương tiện lưu thông qua cầu, tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra, Sở GTVT Hà Nội đã ra thông báo cấm xe tải trên 5 tấn qua cầu. Nhưng phương án cải tạo, sửa chữa chiếc cầu này thì đến nay vẫn chưa có.



Cầu Ngà là một trong những cây cầu
quan trọng trên tuyến đường 70 cũng
thuộc loại “quá đát”. Ảnh: Bá Hoạt.

Bao giờ hết… yếu?

Cầu Tó, cầu Dậu, cầu Ngà chỉ là 3 trong số hơn 160 cây cầu yếu trên địa bàn Hà Nội cũ (phần thuộc địa bàn tỉnh Hà Tây cũ chưa có thống kê cụ thể). Trong số này, Bộ GTVT quản lý 5 cầu, Sở GTVT Hà Nội quản lý 73 cầu và 20 cầu dạng cống, còn lại là cầu nhỏ do các quận, huyện quản lý. Ngoài ra còn một số cầu chưa rõ đơn vị nào quản lý. Nhiều chiếc cầu trong số này nằm trong diện cần phải cải tạo gấp nhưng chẳng biết đến bao giờ mới được đầu tư sửa chữa. Giải pháp tạm thời của Sở GTVT Hà Nội đối với 32/73 cầu thuộc quyền quản lý chỉ mới dừng lại ở việc cắm biển hạn chế tải trọng.

Mới đây, để thuận tiện cho công tác duy tu, sửa chữa, Sở GTVT Hà Nội đã kiến nghị lên UBND TP Hà Nội cho phép phân cấp quản lý. Theo đó, những cây cầu rộng dưới 3,5m sẽ do quận, huyện quản lý, những cây cầu có chiều rộng trên 3,5m do Sở quản lý. Từ đó mới phân rõ trách nhiệm cho các đơn vị trong việc quản lý, bảo dưỡng, duy tu sửa chữa cầu, nhất là những cây cầu không còn bảo đảm sự an toàn cho các phương tiện tham gia giao thông.

Giải thích về việc chậm trễ duy tu, xây mới những cây cầu thuộc dạng này, một số ý kiến cho rằng, thủ tục đầu tư, xây dựng hiện còn quá rườm rà (trình TP giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, lập dự án - thiết kế kỹ thuật, lập dự toán; trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, đấu thầu và triển khai thi công)... Phải qua nhiều khâu như vậy nên mỗi công trình phải mất vài năm mới có thể triển khai thực hiện. Ngay cả khi đã phân cấp quản lý thì tiến độ triển khai cũng khó có thể đẩy nhanh hơn. Chỉ khi nào việc cải cách hành chính được đẩy mạnh hơn, rút bớt quy trình, thủ tục, có cơ chế kêu gọi, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư thì Hà Nội mới hy vọng giảm bớt được nỗi lo về những cây cầu có thể đổ sập bất cứ lúc nào.

DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới