Khi quy hoạch một khu đô thị mới, trước đây TPHCM thường tiến hành giải tỏa trắng và tổ chức tái định cư, như trường hợp của các khu đô thị Thủ Thiêm, Phú Mỹ Hưng… Hiện nay thì lại xuất hiện hình thức khác: cho phép tồn tại một khu dân cư hiện hữu trong khu đô thị mới.
“Khóa cửa” hiện trạng
Hai bên đường Nguyễn Văn Tạo, bắt đầu từ cầu Hiệp Phước đổ xuống đến cuối xã Hiệp Phước (huyện Nhà Bè), rất hiếm tìm kiếm được căn nhà xây mới khang trang; hầu hết là nhà mái tôn hoặc nhà xây cũ kỹ lâu năm. Cộng thêm con đường lầy lội với “ổ voi ổ gà”, quang cảnh nơi đây khá u ám.
Chị Nguyễn Thị Trúc Mai (chủ nhà số 979 Nguyễn Văn Tạo, tổ 9, ấp 1) kể, căn nhà bề thế nằm sâu bên trong đã xây từ 15 năm trước, tức năm 2002. Còn hiện nay, nếu có nhà bị hư hỏng thì chỉ được sửa lại, đất xây dựng mới không được cấp phép vì bị quy hoạch. Nếu ai đủ điều kiện sẽ được tái định cư, ví dụ như khu tái định cư đối diện nhà chị, dành cho người bị giải tỏa trong ấp 2 đang dần hình thành, có gần 10 nóc nhà đã xây lên giữa đồng không mông quạnh.
Theo thông tin từ UBND huyện Nhà Bè, Khu đô thị cảng Hiệp Phước nằm trong chiến lược phát triển ra biển Đông của TPHCM, theo quy hoạch sẽ ôm trọn xã Hiệp Phước với diện tích 3.911ha và khoảng 2.800 hộ dân bị ảnh hưởng.
Tại khu tái định cư ấp 1, xã Hiệp Phước (huyện Nhà Bè, TPHCM), đã có gần 10 trường hợp được xây nhà |
Từ năm 2006 trở về trước, người dân nơi đây được xây dựng nhà ở và thực hiện các quyền về đất đai vì chưa có quy hoạch; sang giai đoạn 2007- 2013, lúc này có nhà đầu tư Dubai World đến xem xét việc đầu tư vào dự án, nên tùy trường hợp cụ thể, người dân được xem xét cho chuyển quyền, chuyển mục đích sử dụng đất và xây dựng.
Nhưng đến khi TP chính thức phê duyệt quy hoạch 1/5.000 vào năm 2013, toàn bộ xã nằm trong quy hoạch, nên đã ngưng hoàn toàn việc xây dựng nhà của người dân.
Mới đây, tại cuộc họp của UBND TPHCM, ông Nguyễn Văn Lưu, Bí thư Huyện ủy đồng thời Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, cho biết: “Hiện nay, huyện Nhà Bè vướng nhất là nhà đất nằm trong quy hoạch Khu đô thị cảng Hiệp Phước, tại những khu vực thuộc ấp 2, ấp 3, ấp 4, khu dân cư phân tán, người dân rất có nhu cầu về xây dựng nhà tạm cho con cháu ra riêng, nhưng chưa có quy định để thực hiện”. Bị quy hoạch treo, người dân vì bức bách nhu cầu an cư, đã buộc phải xây dựng không phép tràn lan.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi. Theo quy hoạch, từ tim quốc lộ 22 tính vào 200m là cây xanh, kéo dài từ xã Tân Phú Trung lên xã Phước Thạnh. Giấy chủ quyền là đất vườn, trồng cây lâu năm nhưng quy hoạch là hồ cảnh quan, cây xanh.
Những trường hợp này không được cấp phép xây dựng nên người dân lén xây dựng nhà tạm, bán kiên cố, có diện tích 40m2 - 50m2, sau đó mới xin chính quyền huyện cho tồn tại. Theo UBND huyện Củ Chi, trong 6 tháng đầu năm 2017, trên địa bàn huyện có 144 trường hợp xây dựng không phép, trong đó có hơn 50% trường hợp thuộc Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi.
“Vừng ơi! Mở cửa”
Trước tình hình các dự án triển khai quá chậm và ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân trong khu dự án, vừa qua, UBND TPHCM đã chấp thuận thay đổi chủ trương quy hoạch, tức cho phép tồn tại khu dân cư hiện hữu trong 2 khu đô thị nêu trên.
Theo ông Nguyễn Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi gồm 5 xã và 1 thị trấn (xã Tân Thới Nhì thuộc huyện Hóc Môn; thị trấn Củ Chi, xã Tân Phú Trung, Tân Thông Hội, Tân An Hội và Phước Hiệp thuộc huyện Củ Chi) với diện tích 6.000ha, hiện có 6.000 hộ dân sinh sống.
Trước đây, theo quy hoạch phải giải tỏa trắng, nhưng vào năm 2016, khi tiếp xúc cử tri, lãnh đạo TP đã xem xét, điều chỉnh lại ranh khu dân cư hiện hữu, khu đất ở 1.650ha được khoanh lại.
Trong khi đó tại xã Hiệp Phước, mới đây vào đầu tháng 7, Huyện ủy Nhà Bè và Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC, chủ đầu tư dự án Khu đô thị cảng Hiệp Phước) đã thống nhất chọn phương án cho phép tồn tại khu dân cư hiện hữu với diện tích khoảng 84ha nằm hai bên trục đường chính Nguyễn Văn Tạo, từ cầu Hiệp Phước đến cầu Kênh Lộ, gồm 1.992 hộ dân với 9.960 nhân khẩu.
Còn với các khu dân cư đông đúc nằm ngoài ranh, huyện Nhà Bè đề nghị IPC xác định thời gian thực hiện và phối hợp với huyện xin TP cho phép người dân xây dựng tạm để giải quyết nhu cầu nhà ở, chỗ ở. Về tái định cư, IPC phải bố trí diện tích phù hợp để người dân an cư, lập nghiệp tại chính địa phương của mình, nhưng cũng đồng thời đảm bảo phát triển đô thị hiện đại.
Theo Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Nhà Bè, hiện IPC đã đền bù xong giai đoạn 1 và 2 là 1.300ha, riêng giai đoạn 3 với hơn 800ha đã có kế hoạch sử dụng đất và đang triển khai; nói chung, tiến độ triển khai rất nhanh. “Nếu phương án trên được TP phê duyệt, sẽ giải quyết khó khăn cho người dân về việc tạo lập chốn an cư trong vùng bị ảnh hưởng bởi dự án”, một lãnh đạo huyện Nhà Bè nhận xét.
DiaOcOnline.vn - Theo SGGP
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: