Top

“Thành phố ma” tại khu Đông Sài Gòn

Cập nhật 29/03/2016 10:06

Những dự án như Khu đô thị (KĐT) Bắc Rạch Chiếc, KĐT mới Đông Tăng Long, Chung cư An Hòa, KĐT Thạnh Mỹ Lợi... được giới thiệu hoành tráng về quy mô, tiện ích, tiềm năng sinh lời hơn 10 năm trước nay vẫn đang “ngủ dài”, cỏ mọc um tùm.


Những dự án không bóng người

Con đường vào KĐT Bắc Rạch Chiếc (phường Phước Long A, quận 9, TP.HCM), do Công ty cổ phần Địa ốc 10 (RES10) làm chủ đầu tư, bị bịt bởi chân cầu Rạch Chiếc và bãi container. Mặt đường bị cày nát và loang lổ những vũng nước kéo dài.

Có quy mô 82 ha, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2001 với kỳ vọng đẹp nhất nhì quận 9. Nhưng sau hơn 15 năm, toàn dự án mới chỉ có khoảng 30 căn nhà được xây dựng, hạ tầng bị phá nát do chủ đầu tư không tôn tạo, cỏ mọc um tùm, đèn đường tù mù.

Cũng ở quận 9 còn KĐT mới Đông Tăng Long, tọa lạc trên tứ giác Lã Xuân Oai - Nguyễn Duy Trinh do Tổng Công ty Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị (HUD) làm chủ đầu tư với diện tích 160 ha, quy mô dân số khoảng 25.000 người.

Theo quy hoạch, KĐT Đông Tăng Long sẽ dành 91,39 ha làm các công trình phúc lợi công cộng, gồm có 4 trường mẫu giáo, 2 trường tiểu học, trường phổ thông trung học và trung học cơ sở và các hạng mục khác như trung tâm hành chính, văn hoá, bệnh viện cùng bến xe bus rộng 12.000 m2.

Hạ tầng không đồng bộ và sự thiếu quan tâm của chủ đầu tư được xác định là nguyên nhân chính cho sự hoang phí của những dự án.
 

Được khởi công từ năm 2005 nhưng sau hơn 10 năm triển khai, dự án từng được xem là “trọng điểm” của khu vực này chỉ có vài căn nhà mẫu và khu vực tái định cư. Còn lại hạ tầng của dự án vẫn trống trơn, vắng lặng.

Không chỉ những dự án đất nền đang bị lãng quên mà một số dự án chung cư tại khu Đông Sài Gòn cũng chung viễn cảnh. Chung cư An Hòa (phường An Phú, quận 2) do Công ty cổ phần Địa ốc 7 làm chủ đầu tư là một ví dụ.

Khởi công xây dựng từ năm 2006 và phần lớn các gia đình mua căn hộ đều đã hoàn thành xong 95% nghĩa vụ tài chính với chủ đầu tư. Song đến thời điểm hiện tại, chủ đầu tư mới bắt tay vào đo vẽ, làm thủ tục hoàn thành giấy tờ pháp lý cho khách hàng sau hàng loạt kiến nghị của người mua căn hộ.

Tâm điểm của những dự án “làm chơi, ăn thật” này phải kể đến là Dự án khu dân cư Khang An (phường Phú Hữu, quận 9) do Công ty TNHH Đầu tư địa ốc Khang An (nay đã chuyển sang thành công ty cổ phần) làm chủ đầu tư. Có quy mô hơn 11.000 m2, gồm 193 nhà liền kề vườn, 119 biệt thự song lập, 38 biệt thư đơn lập, dự án đã triển khai từ trước cơn sốt đất năm 2007 với giá bán trung bình cho căn nhà phố có diện tích đất 144 m2 đã được xây thô với một trệt ba lầu là khoảng 3 tỷ đồng thời điểm đó và đã bán hết.

Tuy nhiên, đến nay dự án này chẳng khác gì “thành phố ma” vì cảnh hoang tàn, nhà cửa xuống cấp, vắng vẻ không người ở. Tất cả các căn biệt thự, đất nền đều được chủ nhân treo biển chào bán.

Tại quận 2, dự án 112 căn biệt thự do Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Đô thuộc khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi với tổng diện tích 174 ha được triển khai từ năm 2005. Nhưng đến nay, số lượng nhà có người ở chỉ đếm trên đầu ngón tay, số còn lại xây thô rồi bỏ hoang. Theo người dân sống tại đây cho biết, lý do mà dự án này hoang vắng là vì hạ tầng phục vụ cho cuộc sống dân cư gần như là con số không.

Đặc biệt khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi rộng 157 ha (phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2) do Công ty S.C.I làm chủ đầu tư cũng đang bị bỏ hoang cho cỏ mọc. Phía chủ đầu tư có cho rằng, dự án kéo dài 11 năm qua là do Công ty Dịch vụ Công ích quận 2 chỉ bồi thường được 13 ha (chiếm tỷ lệ 16,27%), nhưng lại “báo khống” tổng mức đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Trái lại, Công ty Dịch vụ Công ích quận 2 nói dự án kéo dài do nhiều nguyên nhân khách quan, trong đó có sự “cản trở” của Công ty S.C.I!

Khó phát triển vì hạ tầng không đồng bộ

Hạ tầng không đồng bộ và sự thiếu quan tâm của chủ đầu tư được xác định là nguyên nhân chính cho sự hoang phí của những dự án nói trên.

Ví như Dự án KĐT Bắc Rạch Chiếc, dù được thông báo đã bán hết cho nhưng hạ tầng giao thông nội bộ của dự án vẫn chưa hoàn thiện, con đường nối dự án với xa lộ Hà Nội bị bịt kín bởi các bãi xe. Chị Bùi Thanh Tuyết, một hộ dân mua đất tại dự án cho biết, đã nhiều lần cùng hàng trăm hộ dân mua đất của dự án kéo tới chủ đầu tư yêu cầu làm rõ việc vì sao hạ tầng giao thông cũng như điện nước chưa có để người dân về xây nhà ở nhưng đều bị chủ đầu tư tránh mặt.

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, toàn bộ khu Đông Sài Gòn đang được cho là khu vực đất vàng của TP.HCM, nhưng sở dĩ những KĐT được xây dựng bài bản vẫn không thu hút được người dân tới sống, dẫn tới cảnh bỏ hoang cho cỏ mọc bởi hạ tầng giao thông kết nối chưa thuận lợi và an toàn cho người dân.

Ông Võ Văn Hữu Phước, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu & Định giá Cushman & Wakefield Việt Nam lại cho rằng, thực trạng trên xuất phát từ việc các chủ đầu tư đổ xô xây dựng các căn biệt thự đắt tiền nhằm đón đầu thị trường sau khi các dự án về giao thông như đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây, tàu điện ngầm, đường vành đai hoàn thiện. Sau đó, nhiều nhà đầu tư thứ cấp mua và tích trữ nhằm bán lại kiếm lời, nhưng lại gặp thời điểm thị trường xuống đáy, khiến việc bán ra khó khăn và biến không ít khu biệt thự tại cửa ngõ phía Đông Sài Gòn bỏ hoang.

“Không ai có thể đưa ra giải pháp tốt hơn các chủ đầu tư và các nhà đầu tư thứ cấp vì họ nằm rõ nhất nguyên nhân của việc bỏ hoang này. Hiện nay các nhà đầu tư nước ngoài với tiềm lực tài chính mạnh nhưng lại gặp khó trong việc tiếp cận quỹ đất, do đó chủ đầu tư các dự án này có thể cân nhắc hình thức chuyển nhượng hoặc liên doanh với nhà đầu tư nước ngoài để hồi phục lại các dự án này”, ông Phước nói thêm.


DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư