Top

Thành phố công viên ở Thanh Hóa thành bãi đất hoang

Cập nhật 14/08/2018 13:41

Eurowindow Park City được chủ đầu tư quảng cáo là thành phố công viên nằm giữa trung tâm TP.Thanh Hóa nhưng sau 7 năm vẫn chỉ là bãi đất hoang.

Đầu tháng 8/2018, nhiều người dân băn khoăn về tính pháp lý của dự án Eurowindow Park City Thanh Hóa do Công ty CP Đầu tư tổ hợp thương mại Mê Linh Plaza - Thanh Hóa (thuộc Eurowindow Holding) làm chủ đầu tư khi chưa xong móng đã có nhiều thông tin rao bán trên các trang thông tin điện tử.

Theo đó, có nhiều thông tin quảng cáo mua căn hộ chung cư, đất nền tại Eurowindow Park City Thanh Hóa với giá từ vai trăm triệu đến hàng tỷ đồng/ căn.

Một nữ nhân viên nhận là đơn vị phân phối chính thức của dự án thông tin, để có cơ hội sở hữu nhà đất tại đây, khách hàng phải bỏ ra số tiền từ 50 - 200 triệu đồng đặt cọc qua sàn giao dịch hoặc nộp trực tiếp cho chủ đầu tư.

Phối cảnh dự án Eurowindow Park City Thanh Hóa do Công ty CP Đầu tư tổ hợp thương mại Mê Linh Plaza - Thanh Hóa (thuộc Eurowindow Holding) làm chủ đầu tư.

Trước đó vào tháng 1/2018, một đơn vị môi giới khách cũng từng mở bán dự án Eurowindow Park City Thanh Hóa tại khách sạn Mường Thanh, TP. Thanh Hóa cho dù dự án này mới làm lễ động thổ vào tháng 11/2017.

Tuy nhiên, hiện tại dự án Eurowindow Garden City Thanh Hóa vẫn chỉ là bãi đất cỏ mọc um tùm.

Nhiều người dân sống quanh dự án cho biết, sau lễ động thổ được tổ chức hoành tráng vào cuối năm 2017 thì dự án hầu như không có nhiều thay đổi, cũng không có hoạt động thi công xây dựng diễn ra.

Trước đó, dự án Eurowindow Park City được biết đến với tên gọi Tổ hợp Thương mại Melinh Plaza Thanh Hóa, từng được khởi công xây dựng vào năm 2011 khi chưa được cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận đầu tư, cấp đấy thực hiện dự án, chưa có phê duyệt đánh giá tác động môi trường.

Nhưng tham dự buổi lễ động thổ năm 2011, ông Trịnh Văn Chiến - thời điểm đó là Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa vẫn phát biểu đặt niềm tin vào năng lực của Eurowindow và đề nghị chủ đầu tư triển khai dự án theo đúng tiến độ, nhằm sớm đưa dự án đi vào hoạt động.

Cũng trong buổi lễ, chủ đầu tư quảng cáo dự án được đầu tư với số vốn lên tới hơn 1.300 tỷ đồng và được kỳ vọng là thành phố công viên của Thanh Hóa, bao gồm các hạng mục: Khu Trung tâm thương mại kinh doanh theo hình thức đại siêu thị được thiết kế 2 tầng với tổng diện tích gần 15.000 m2, Khu Trung tâm thương mại dịch vụ tổng hợp bao gồm 6 khối nhà liên hoàn cao 3 tầng với tổng diện tích trên 37000m2 và khu nhà ở cao tầng nằm ở tòa tháp 20 tầng với hơn 17.000m2 diện tích mặt sàn.

Nhưng không hiểu sao, sau lễ khởi công, chủ đầu tư bỗng nhiên "đắp chiếu" dự án trong nhiều năm liền.

Được rao bán rầm rộ nhưng dự án Eurowindow Park City Thanh Hóa vẫn chỉ là bãi đất trống.

Đến tháng 7/2015, Ban Kinh tế & Ngân sách tỉnh Thanh Hóa đã gửi ý kiến đánh giá về dự án tới HĐND tỉnh, trong đó thể hiện chủ đầu tư “lấy lý do chưa giải phóng mặt bằng hết để không triển khai thực hiện, lãng phí đất đai gây thất thu do ngân sách” dù vị trí đẹp, diện tích đất nhiều.

Nhưng sau đó, Thanh Hóa lại quyết định cho Công ty CP Đầu tư tổ hợp thương mại Mê Linh Plaza - Thanh Hóa tiếp tục được triển khai dự án với diện tích như cũ là 6,7ha.

Đến đầu năm 2018, Eurowindow đã đề xuất UBND tỉnh Thanh Hóa cho phép xây dựng hầm đỗ xe trên lô đất được quy hoạch làm công viên cây xanh tại dự án Eurowindow Park City.

Sự việc này đã gây ra nhiều tranh cãi khi xuất hiện 2 văn bản trái ngược nhau trong vòng 10 ngày.

Theo đó, Phó chủ tịch tỉnh Thanh Hóa Lê Anh Tuấn chỉ đạo không chấp thuận cho Eurowindow xây hầm đỗ xe trên lô đất quy hoạch công viên cây xanh. Nhưng 11 ngày sau, Chủ tịch tỉnh Nguyễn Đình Xứng chỉ đạo ngược lại.

Dự án nghìn tỷ của Eurowindow có bị thu hồi?

Ngoài dự án tại Thanh Hóa, Eurowindow còn có 2 dự án khác nghìn tỷ khác đang "bất động" là Khu nhà vườn sinh thái Đồng Quang và dự án làng châu Âu (thuộc huyện Quốc Oai, TP. Hà Nội).

Dự án Khu nhà vương sinh thái Đồng Quang được cơ quan chức năng cấp phép từ năm 2008. Theo giới thiệu của Eurowindow, Khu nhà vườn sinh thái Đồng Quang được đầu tư 685 tỷ đồng, triển khai xây dựng trên khu đất có diện tích 26,5ha.

Nhưng sau 10 năm, chủ đầu tư mới chỉ giải phóng xong mặt bằng, không có biểu hiện xây dựng.

Còn dự án làng Châu Âu có mức đầu tư hơn 2.800 tỷ đồng, bao gồm khu biệt thự cao cấp, khu biệt thự nhà vườn mang phong cách kiến trúc châu Âu, trung tâm thương mại dịch vụ tổng hợp cao hơn 20 tầng...

Theo dự kiến, dự án sẽ khởi công vào quý II/2009 và đưa vào sử dụng trong quý IV/2011. Thế nhưng, đã hơn 10 năm trôi qua, trên mảnh đất mà Eurowindow giới thiệu dự án làng Châu Âu vẫn là bãi đất người dân vẫn cấy lúa hàng năm.

Liên quan đến những dự án chậm tiến độ trên địa bàn, sáng ngày 13/8/2018, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, thành phố sẽ công bố 47 dự án đã rà soát kỹ, đủ điều kiện để thu hồi, công bố với báo chí. Trong danh sách này có những dự án chậm 16 - 17 năm.

“Đối với các dự án có những vướng mắc khó khăn có thể tháo gỡ được, thành phố sẽ tháo gỡ để cho họ đầu tư. Những dự án không thể tháo gỡ được, thực sự phải thu hồi thì kiên quyết thu hồi”, ông Chung nói.


DiaOcOnline.vn - Theo Đất Việt