Top

Tạo điều kiện phát triển hạ tầng, nhà ở

Cập nhật 16/10/2017 09:06

TPHCM cần một nguồn vốn rất lớn để đầu tư hạ tầng, phát triển nhà ở, chỉnh trang đô thị… Tuy nhiên, trong bối cảnh ngân sách nhà nước có hạn, việc huy động nguồn lực từ doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế… rất quan trọng.

Hạn chế chỉ định thầu

Hiện nay, việc thực hiện chủ trương xã hội hóa để huy động các nguồn lực trong nước và nước ngoài phát triển hệ thống hạ tầng đô thị, giao thông, các dự án chỉnh trang đô thị theo các hình thức hợp  tác công tư (PPP) với các loại hình như xây dựng - chuyển giao (BT), xây dựng - khai thác - chuyển giao (BOT)... đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và các địa phương. Thời gian qua, tại TPHCM nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư đã tham gia thực hiện các gói thầu BT, BOT, đã góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của TP.

Mới đây, UBND TP đã công bố 133 dự án kêu gọi đầu tư theo phương thức xã hội hóa, trong đó phần lớn là các dự án hạ tầng kỹ thuật, giao thông, chỉnh trang đô thị. Điển hình như dự án chỉnh trang khu vực Nam Kênh Đôi, quận 8 có tổng mức đầu tư trên 14.000 tỷ đồng, với quỹ đất đối ứng tại chỗ khoảng 28ha; dự án cầu Thủ Thiêm 4 có tổng mức đầu tư trên 5.000 tỷ đồng, dự kiến đối ứng bằng 16 khu đất...

Tuy nhiên, do việc thực hiện phương thức chỉ định nhà thầu cho nhà đầu tư theo hình thức BT, BOT khá phổ biến trong thời gian qua đã bộc lộ những mặt hạn chế, dẫn đến phát sinh tiêu cực, lợi ích nhóm, tác động đến môi trường đầu tư kinh doanh và lợi ích xã hội.
Bởi lẽ, khi được chỉ định làm nhà thầu xây lắp không phải qua thủ tục đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà thầu, sẽ không tạo, tính minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh, nên môi trường kinh doanh bị sụt giảm, tác động tiêu cực đến niềm tin của nhà đầu tư trong nước, nước ngoài và gây thiệt hại ngân sách nhà nước.

Do vậy, Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA) kiến nghị cũng thực hiện hình thức BT, BOT nhưng phải đấu thầu rộng rãi trong nước, quốc tế để lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư đối với các dự án hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông, chỉnh trang phát triển đô thị theo phương thức xã hội hóa, kể cả các khu đất vàng trong quá trình thực hiện thu hồi quỹ đất do sắp xếp lại, xử lý trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh mà tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu nhà nước.

HoREA cũng đề nghị hạn chế tối đa việc chỉ định nhà thầu, chỉ định nhà đầu tư, và chỉ thực hiện việc chỉ định nhà thầu, nhà đầu tư trong các trường hợp đặc biệt theo Điều 26 Luật Đấu thầu, để tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh, làm lợi cho ngân sách nhà nước và tăng cường sự đồng thuận trong xã hội.    

Cần tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư phát triển dự án phù hợp quy hoạch. Ảnh: P. LONG

Lấy ý kiến dân cư về quy hoạch phải đơn giản

Trong thời gian qua, để chuẩn bị đầu tư dự án BĐS, việc lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư được cơ quan chức năng thực hiện khi chủ đầu tư xin cấp giấy phép quy hoạch. Sau đó, nếu chủ đầu tư đề nghị có sự thay đổi một số nội dung quy hoạch, phải làm lại thủ tục lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư.

Đối với dự án đang xây dựng dở dang, nếu chủ đầu tư đề nghị có sự thay đổi một số nội dung quy hoạch, thiết kế hạng mục cũng phải làm lại thủ tục lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư.

Trong khi đó, mẫu "Phiếu góp ý của cộng đồng dân cư liên quan" có quá nhiều nội dung nặng về chuyên môn quy hoạch (như cơ cấu sử dụng đất, các chỉ tiêu sử dụng đất, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng, khoảng lùi công trình so với ranh lộ giới các tuyến đường tiếp giáp khu đất, các yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật; các yêu cầu về hạ tầng xã hội, các yêu cầu về bảo vệ môi trường, các yêu cầu về tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan)… mà chỉ những chuyên gia về quy hoạch xây dựng mới am hiểu, dẫn đến việc lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư chưa thật sự sát thực, mất rất nhiều thời gian và công sức.

Việc tổ chức thực hiện lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư trước khi cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép quy hoạch của dự án là cần thiết, nhằm bảo đảm cho đại diện cộng đồng dân cư có quyền tham gia ý kiến đóng góp về dự kiến quy hoạch, dự kiến triển khai dự án có tác động đến quyền và lợi ích của cộng đồng dân cư trong khu vực.

Tuy nhiên, sau khi đã có giấy phép quy hoạch, nếu chủ đầu tư đề nghị điều chỉnh một số chỉ tiêu quy hoạch của dự án ở mức độ không quá 20% chỉ tiêu quy hoạch đã được duyệt, hoặc đối với dự án khu đô thị, khu dân cư có quy mô lớn (đề xuất tham khảo, có thể từ 2ha trở lên), cần giao trách nhiệm cho Hội đồng Quy hoạch kiến trúc TP,  Sở Quy hoạch - Kiến trúc, UBND quận, huyện (nơi có dự án) xem xét trình cấp có thẩm quyền quyết định điều chỉnh.

Trường hợp chủ đầu tư xin điều chỉnh một số chỉ tiêu quy hoạch của dự án đã bán nhà ở hình thành trong tương lai phải tổ chức hội nghị lấy ý kiến khách hàng trước khi cơ quan có thẩm quyền cho phép điều chỉnh giấy phép quy hoạch.

Về nội dung mẫu "Phiếu góp ý của cộng đồng dân cư liên quan", chỉ giữ lại các nội dung cần thiết nnhư về phạm vi, ranh giới dự án, chức năng công trình, quy mô dân số, tầng cao công trình, các vấn đề có liên quan khác… để lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư sẽ thiết thực hơn và người dân hoàn toàn có thể tham gia ý kiến được.

DiaOcOnline.vn - Theo SGĐT