Top

Tăng tốc liên kết vùng với 'thành phố mới' Thủ Dầu Một

Cập nhật 02/02/2018 16:29

Bình Dương với hạt nhân là Thủ Dầu Một kết nối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, chính thức trở thành trung tâm sản xuất và dịch vụ của cả khu vực từ hôm nay.


Trung tâm hành chính của tỉnh đặt tại thành phố mới Bình Dương - Ảnh: NAM TRẦN

Ngày 2-2, tỉnh Bình Dương công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận thành phố Thủ Dầu Một đạt chuẩn đô thị loại 1.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông NGUYỄN LỘC HÀ - chủ tịch UBND TP Thủ Dầu Một, Bình Dương - cho biết việc phấn đấu đạt chuẩn đô thị loại 1 chỉ là bước đầu, còn mục tiêu lâu dài là phát triển đô thị, nâng cao năng suất lao động nhằm cải thiện tốt hơn cuộc sống của người dân.

Từ vùng đất trống đến "vùng đất hứa"

* Thủ Dầu Một thời gian qua được đánh giá có nhiều bứt phá phát triển. Cụ thể ra sao, thưa ông?


Ông Nguyễn Lộc Hà - Ảnh: B.SƠN

- Nếu xét theo tiêu chí hộ nghèo chung của cả nước, Bình Dương là địa phương hiếm hoi không còn hộ nghèo (tỉ lệ hộ nghèo theo tiêu chí của tỉnh cũng rất thấp).

Bình Dương cũng nằm trong top 5 tỉnh, thành phố thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) nhiều nhất cả nước, có đóng góp tích cực cho ngân sách quốc gia, là "vùng đất hứa" cho hàng triệu lao động từ khắp nơi đổ về...

Thủ Dầu Một được xác định là đô thị hạt nhân của tỉnh Bình Dương, nên từ rất sớm đã được lãnh đạo tỉnh quan tâm. Tỉnh ủy Bình Dương có nghị quyết riêng để định hướng phát triển cho Thủ Dầu Một.

Chúng tôi vừa tập trung phát triển khu vực thành phố mới Bình Dương (là tên thường được người dân và doanh nghiệp gọi, còn địa giới hành chính vẫn thuộc Thủ Dầu Một - PV) vừa tập trung phát triển, cải tạo, chỉnh trang đô thị hiện hữu.

Chỉ tính riêng ở Thủ Dầu Một hiện có tới 7 khu công nghiệp, trong đó có nhiều khu có thu hút đầu tư, sản xuất hàng hóa, đóng góp ngân sách rất lớn như khu công nghiệp VN - Singapore II (VSIP II), Đồng An 2, Sóng Thần 3, Phú Tân, Đại Đăng...

Bình Dương có tới 7 trường đại học đều đặt trụ sở tại Thủ Dầu Một. Tổng thu mỗi năm của Thủ Dầu Một trên 9.250 tỉ đồng, cả tỉnh Bình Dương trên 40.000 tỉ đồng và đều giữ tốc độ tăng khá, nên có nguồn lực để tái đầu tư cho cộng đồng.

* Với vị trí rất gần TP.HCM và các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, sự phát triển của Thủ Dầu Một sẽ tính toán tới yếu tố này như thế nào?

- Chúng tôi xác định vị trí của Thủ Dầu Một như vậy vừa là lợi thế, vừa là động lực khi phải "cạnh tranh" với các đô thị bạn. Định hướng phát triển của Thủ Dầu Một luôn được tính toán để gắn kết với sự phát triển của kinh tế vùng.

Hiện nay, với chính sách thu hút đầu tư tốt, cộng với những ưu thế lớn về đất đai, công ăn việc làm..., ngày càng có nhiều người, trong đó có rất nhiều người trẻ, tìm về Thủ Dầu Một làm ăn, sinh sống trở thành nguồn lực quan trọng.

Hiện Bình Dương đã quy hoạch và đang tập trung để phát triển Khu liên hợp công nghiệp - đô thị - dịch vụ thành phố mới Bình Dương, được định hướng sẽ trở thành nơi định cư của khoảng 125.000 người và có khoảng 400.000 người thường xuyên đến làm việc tại đây.

Chỉ trong vài năm, từ một vùng đất trống, nay thành phố mới đã có nhiều tuyến đường, công trình quan trọng. Tiêu biểu như dự án của Tập đoàn Tokyu (Nhật Bản) phối hợp Tổng công ty Becamex IDC (trực thuộc UBND tỉnh Bình Dương) với tổng mức đầu tư lên tới 1,2 tỉ USD.

Không chỉ phát triển công nghiệp đơn thuần, chúng tôi còn tính toán để phát triển những dịch vụ, tiện ích đô thị để phục vụ người dân.


Thành phố mới Bình Dương được quy hoạch bài bản theo hướng phát triển kết hợp công nghiệp - đô thị - dịch vụ - Ảnh: Q.ĐỊNH

Không chờ ngân sách

* Câu chuyện "kết nối vùng" đã được nhắc nhiều nhưng việc thực hiện còn rất nhiều khó khăn, Thủ Dầu Một nói riêng và Bình Dương nói chung giải bài toán này như thế nào?

- Chúng tôi luôn có tâm thế chủ động để kết nối với các tỉnh thành lân cận, huy động nhiều nguồn lực để thực hiện chứ không chỉ chờ ngân sách.

Trước đây, Bình Dương chủ động xin cơ chế để mở rộng quốc lộ 13 nhằm kết nối với TP.HCM. Nay quốc lộ 13 đã rất sầm uất, có dấu hiệu kẹt xe thì Bình Dương tính toán thêm nhiều trục đường kết nối với khu vực.

Tiêu biểu là dự án đường Mỹ Phước - Tân Vạn, được coi là "quốc lộ 13 thứ 2" của Bình Dương. Bình Dương đã huy động nguồn lực xã hội (lo phần xây dựng) kết hợp với nguồn vốn ngân sách (lo phần giải phóng mặt bằng) để xây dựng tuyến đường này.

Hiện đường Mỹ Phước - Tân Vạn đã được thông xe với quốc lộ 1K và quốc lộ 1, sẽ đóng vai trò rất quan trọng để kết nối Bình Dương với TP.HCM và rút ngắn khoảng cách tới sân bay Long Thành (Đồng Nai), cảng Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu).

Bình Dương cũng đang chuẩn bị thực hiện dự án xe buýt nhanh nối thành phố mới Bình Dương và TP.HCM. Trong tương lai sẽ nối dài metro TP.HCM về Bình Dương trên trục đường này.

* Để có thể phát triển theo quy hoạch như vậy cần nguồn lực rất lớn trong khi ngân sách có hạn, giải pháp nào để thực hiện?

- Chúng tôi quan niệm sự phát triển của thành phố không chỉ là vai trò của Nhà nước, mà rất cần sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, người dân. Điều quan trọng nhất là tìm ra cơ chế để thu hút được nguồn lực xã hội.

Khi thuyết minh đề án "đô thị loại 1" của Thủ Dầu Một, chúng tôi thống kê trong lĩnh vực y tế, giáo dục có sự đầu tư mạnh với chất lượng rất cao của nguồn lực xã hội hóa.

Vì vậy, nếu chính quyền gần gũi, lắng nghe doanh nghiệp, tạo cơ chế thông thoáng sẽ nhận được sự hưởng ứng, đồng hành của doanh nghiệp để có nguồn lực đầu tư phát triển.


Thủ Dầu Một, Bình Dương trong tương quan vùng kinh tế phía Nam - Đồ họa: N.KH.

Nhanh chóng xây đường vành đai 3

TS Võ Kim Cương - nguyên phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM - cho rằng cần nhanh chóng đầu tư xây dựng đường vành đai 3. Đây là tuyến đường rất quan trọng, có tác dụng tăng cường các đường trục kết nối trực tiếp, kết nối tắt phục vụ giao thông liên vùng giữa TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Long An...

Điều này góp phần phát triển giao thông, kinh tế - xã hội, hạn chế tập trung giao thông vào đầu mối TP.HCM.

Sau khi hình thành, tuyến đường này là đường xương sống kết nối các đô thị với nhau. Từ đó, các nhánh giao thông khác hình thành, việc đi lại, vận chuyển trở nên dễ dàng hơn. Các đô thị cũng không xảy ra ùn tắc, kẹt xe vì quá tải như trước nay.

Theo ông Bùi Xuân Cường - giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM, tổ trưởng tổ điều phối kết nối giao thông vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - quy hoạch giao thông của các tỉnh thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh, Long An và Tiền Giang về cơ bản đã được lập đầy đủ, đáp ứng các yêu cầu triển khai thực hiện của các địa phương cũng như kết nối toàn vùng.

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện quy hoạch chưa đáp ứng với nhiều lý do, trong đó có vấn đề về nguồn vốn đầu tư của các địa phương.

Sự phát triển nhanh về kinh tế - xã hội và tình hình đầu tư, phát triển đô thị tại mỗi địa phương có sự thay đổi dẫn tới cần điều chỉnh, bổ sung quy hoạch giao thông cho phù hợp, đồng bộ.

Vì vậy, sau khi rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam kiến nghị Bộ Giao thông vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép nghiên cứu, điều chỉnh quy hoạch giao thông vận tải vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
 

Ông OH DONGKUN (chuyên gia Nhật Bản làm việc tại Bình Dương):

Hướng tới thành phố thông minh

Đã 6 năm kể từ khi Tập đoàn Tokyu đầu tư vào tỉnh Bình Dương (từ năm 2012), tôi nhận thấy thành phố mới Bình Dương cũng như thành phố Thủ Dầu Một đã có những bước phát triển lớn.

Với kinh nghiệm thu được từ hơn 100 năm xây dựng các thành phố tại Nhật Bản, chúng tôi tiếp tục góp phần để hướng tới xây dựng thành phố thông minh với phương tiện công cộng phát triển, đầy đủ các tiện ích thương mại, tòa nhà hiện đại...

TS TRẦN ĐÌNH THIÊN (viện trưởng Viện Kinh tế VN):

Thu hút dự án công nghệ cao

Sự vươn lên của Thủ Dầu Một nói riêng và Bình Dương nói chung trong những năm gần đây là khá ấn tượng.

Việc phát triển lên thành phố, đô thị loại 1... là cần thiết để Thủ Dầu Một và cả Bình Dương có cơ chế quản lý đô thị tốt hơn.

Thủ Dầu Một có lợi thế gần TP.HCM, nên sự phát triển cần tính toán trong mối tương quan với vùng. Nhưng cách làm, bước đi của Bình Dương cần có sự sáng tạo, không nên lặp lại những hạn chế của các đô thị cũ.

Ngoài việc phát triển hạ tầng kết nối, Bình Dương nên lựa chọn thu hút những dự án sản xuất công nghệ cao, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực để nâng cao năng suất lao động, tiếp tục có đóng góp lớn hơn trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là vùng kinh tế năng động và quan trọng nhất cả nước.

Ông NGUYỄN VĂN HÙNG (tổng giám đốc Tổng công ty Becamex IDC):

Phát triển hệ thống logistics

Để giải quyết những "nút thắt" về giao thông đường bộ truyền thống, nâng cao hiệu quả chuỗi cung ứng - kho vận, giảm chi phí hoạt động và tăng năng suất lao động cho doanh nghiệp, Bình Dương đang tính toán chiến lược dài hạn là phát triển mạnh hơn hệ thống logistics.

Chúng tôi đang nghiên cứu phát triển 3 trung tâm kho vận phức hợp tại Bình Dương, tạo hành lang kho vận gắn liền với tuyến đường sắt xuyên Á theo quy hoạch của Chính phủ.

Hành lang kho vận của Bình Dương sẽ kết nối các khu công nghiệp, đô thị quan trọng với các cảng sông, cảng biển, cảng hàng không quốc tế của khu vực và liên thông với mạng lưới đường sắt quốc gia.

Đây là bước đi chiến lược để tối ưu hóa chuỗi cung cứng, đảm bảo phát triển kinh tế bền vững cho Bình Dương nói riêng và cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung.
 

Mua lại một số trạm thu phí

"Vừa qua, Bình Dương đã sắp xếp, mua lại một số trạm thu phí được người dân đánh giá cao.

Thậm chí một số dự án giao thông có mức đầu tư hàng ngàn tỉ đồng như đường Mỹ Phước - Tân Vạn, một số tuyến đường kết nối trong tỉnh lúc đầu dự kiến theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), nhưng nay lãnh đạo tỉnh quyết định sẽ không thu phí.

Chi phí xây dựng sẽ được tính toán vào chi phí của các khu công nghiệp, đô thị. Đây là cách làm nhận được sự đồng thuận, giảm gánh nặng cho doanh nghiệp và mang lại hiệu quả lâu dài" - ông Nguyễn Lộc Hà nói.
 

Tỉnh Bình Dương phấn đấu thành đô thị loại 1

Theo nghị quyết 1210/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị, các đô thị tại VN được phân thành 5 loại (từ loại 1 đến 5) dựa trên việc xem xét, chấm điểm về các tiêu chí như vị trí địa lý, dân số, trình độ phát triển hạ tầng, kinh tế, xã hội...

Thẩm quyền công nhận đô thị loại 1 do Thủ tướng ra quyết định, trên cơ sở đô thị đó phải đạt đủ số điểm do Bộ Xây dựng chấm điểm.

Đô thị loại 1 phải có vị trí là trung tâm tổng hợp về kinh tế, tài chính, văn hóa, giáo dục... của quốc gia hoặc của vùng kinh tế, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của một vùng liên tỉnh hoặc cả nước.

Trình độ phát triển về kinh tế - xã hội của đô thị loại 1 phải đảm bảo theo tiêu chuẩn, nhằm đạt được tiêu chí về thu nhập bình quân đầu người so với cả nước...

Trong tương lai, tỉnh Bình Dương phấn đấu toàn tỉnh sẽ trở thành đô thị loại 1 trực thuộc trung ương.
 

DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi trẻ