Nhiều người dân cũng muốn đổi đất nông nghiệp lấy đất nền nhưng cơ chế chưa cho phép. Ảnh: HTD. |
Dự thảo thông tư cho thuê doanh nghiệp để thực hiện dịch vụ về bồi thường, giải phóng mặt bằng. Khi đó các ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận, huyện sẽ đi về đâu?
Nghị định 69 và dự thảo thông tư chưa thể giúp TP.HCM tháo gỡ hết vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ trong thu hồi đất.
Chủ trì hội nghị góp ý dự thảo thông tư hướng dẫn Nghị định 69/2009 về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được tổ chức tại TP.HCM ngày 18-9, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Mạnh Hiển cho biết: “Sẽ giao cho UBND cấp tỉnh, thành phố tự chủ nhiều nội dung trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để phù hợp với thực tế địa phương”.
Nên mở rộng diện hỗ trợ tái định cư
Trong hội nghị này, chính sách về tái định cư được các đại biểu đặc biệt quan tâm. Một số đại biểu cho rằng nên mở rộng diện những người dân được bố trí tái định cư chứ không chỉ dành riêng cho những người bị thu hồi đất ở. Bởi lẽ có rất nhiều người dân mong muốn đổi đất nông nghiệp lấy đất nền nhưng cơ chế chưa cho phép.
Ngoài ra, việc quy định hỗ trợ tái định cư khi người bị thu hồi đất “không có chỗ ở nào khác” sẽ gây khó khăn trong quá trình thực hiện vì rất khó xác định việc này. Trước đây, TP.HCM từng có quy định tương tự nhưng rồi không thể thực hiện được. Do đó, một đại biểu đề nghị dự thảo thông tư nên hướng dẫn cụ thể hơn theo hướng: Nếu người bị thu hồi đất đủ điều kiện để được bồi thường đất ở thì được bố trí tái định cư, trừ trường hợp không có nhu cầu.
Ban bồi thường về đâu?
Có nhiều vướng mắc hiện nay TP đang vấp phải và dù có căn cứ Nghị định 69 và dự thảo thông tư cũng chưa tháo gỡ được. “Đau đầu nhất là những hộ dân nằm trong trụ sở cơ quan, đơn vị thuộc sở hữu nhà nước mà không đủ điều kiện bán hóa giá nhà thì di dời họ ra sao và bồi thường thế nào? UBND TP có ban hành Quyết định 36 ngày 15-4-2002 liên quan vấn đề này nhưng chỉ quy định về thu hồi nhà đất và đền bù hỗ trợ cho những hộ đang cư ngụ trong khuôn viên trường học, bệnh viện mà thôi” - ông Lê Quốc Cường, Trưởng Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận 1, dẫn chứng.
Ông Cường nói thêm: “Nghị định 69 cũng như dự thảo thông tư không đả động gì đến ban bồi thường giải phóng mặt bằng ở các quận, huyện. Trong khi đó, dự thảo thông tư lại quy định thuê doanh nghiệp để thực hiện dịch vụ về bồi thường. Quận, huyện biết thuê ai đủ năng lực để làm việc này và liệu có dám tin tưởng để giao cho họ làm không?”.
Theo ông Nguyễn Văn Hồng, Trưởng phòng Đăng ký và Kinh tế đất Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, dự thảo thông tư nên theo hướng vận dụng được bộ máy của ban bồi thường và giải phóng mặt bằng ở các quận, huyện hiện nay. “Không nên cứ mỗi dự án lại có thành lập một hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cấp huyện” - ông Hồng góp ý.
Địa phương được tự chủ
Theo dự thảo, trình tự các bước tiến hành bồi thường gói gọn trong chưa tới 190 ngày. Nhiều đại biểu cho rằng khó mà đáp ứng được quy định này. Đơn cử, có những dự án hàng trăm hecta thì không thể trong vòng 30 ngày như quy định mà điều tra hiện trạng và xác định nguồn gốc đất được.
Theo ông Nguyễn Văn Hồng, TP.HCM có đặc thù là các loại giấy tờ về nhà đất rất đa dạng, phức tạp. Do đó, thông tư không nên liệt kê ra trường hợp đất có giấy tờ ra sao thì được bồi thường mà nên để cho TP quy định để tránh thiếu sót. Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển xác định: “Thông tư sẽ chỉ giải quyết những vấn đề mang tính phổ biến, còn tùy mỗi địa phương sẽ có đặc thù riêng và chắc chắn địa phương sẽ được giao nhiều quyền tự chủ để có thể tự quyết những vướng mắc riêng của mình”.
Ông Hiển cũng cho biết trong tháng 9 này, Chính phủ sẽ ban hành nhiều nghị định hỗ trợ cho các địa phương trong việc thực hiện Nghị định 69, trong đó có nghị định về quy hoạch sử dụng đất.
Đừng để dân thiệt thòi
Liên quan đến việc thu hồi đất nông nghiệp, một cán bộ Sở Tài chính TP.HCM đề xuất: Đối với đất nông nghiệp đã tự chuyển mục đích sử dụng sang đất ở từ trước 15-10-1993 và đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận là đất ở thì nên xem xét bồi thường theo giá đất ở. Thực tế, nếu được cấp giấy chứng nhận là đất ở, những trường hợp này không phải nộp tiền sử dụng đất đối với phần trong hạn mức. Do vậy, nếu chỉ bồi thường theo giá đất nông nghiệp thì thiệt thòi cho người dân.
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: