Mật độ dân số đô thị Việt Nam hiện cao gấp 10 lần thế giới nhưng tỉ trọng nhà ở chung cư chỉ chiếm 4% tổng số nhà đô thị
Chung cư cho người thu nhập thấp tại quận 4 - TPHCM. Ảnh: Hồng Thúy
|
Trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, thị trường bất động sản (BĐS) suy giảm là điều không tránh khỏi. Lối ra duy nhất cho doanh nghiệp (DN) BĐS lúc này là… tự cứu. Hiện chung cư bình dân đang được xem là cứu cánh của thị trường BĐS.
Xóa bất hợp lý cơ cấu nhà ở
Ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cho biết tỉ trọng nhà ở chung cư chỉ chiếm 4% tổng số nhà đô thị của cả nước, nhiều đô thị còn không có nhà chung cư. Tại Hà Nội, tìm nhà chung cư dưới 25 triệu đồng/m2 “đỏ mắt”, trong khi chung cư 2.000 - 2.500 USD/m2 ế ẩm, không có khách mua. Đây là hậu quả của việc DN ồ ạt xây chung cư cao cấp chỉ để đáp ứng nhu cầu của 24% dân số đô thị có khả năng tiếp cận.
Việt Nam là nước thuộc tốp nghèo nhất thế giới nhưng tỉ lệ người dân sở hữu nhà riêng lại cao nhất thế giới do quan điểm về quy hoạch chưa chuẩn, dẫn đến cơ cấu nhà ở đô thị bất hợp lý. Hiện nay, vẫn có nhiều dự án trình Bộ Xây dựng phê duyệt những dự án có 80% nhà liền kề. Bộ Xây dựng đang kiến nghị Chính phủ hàng loạt giải pháp để khắc phục những hạn chế nói trên. Cụ thể, chỉ phê duyệt những dự án chung cư có tối đa 20% căn hộ cao cấp hoặc quy định tỉ lệ nhà liền kề, biệt thự chiếm tối đa 20%, 80% còn lại là chung cư. Tăng quỹ nhà cho thuê của DN và Nhà nước quản lý.
Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho phép thành lập quỹ tiết kiệm nhà ở, hình thành quỹ BĐS, có cơ chế cho người dân góp vốn đầu tư vào các dự án, có thêm nhiều định chế ngoài ngân hàng để tăng vốn cho thị trường BĐS.
Gỡ thế bí cho nhà thu nhập thấp
TS Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, cho biết giá BĐS tại Việt Nam 10 năm nay có mức tăng gấp 3-4 lần mức tăng thu nhập bình quân đầu người. Giá tăng chóng mặt, cung cầu mất cân đối cộng với thiếu công khai minh bạch trong quá trình quy hoạch, cấp phép dự án khiến người nghèo ngày càng ít cơ hội tiếp cận thị trường. Chính phủ đã có chủ trương phát triển nhà cho người có thu nhập thấp nhưng vẫn chưa đem lại nhiều kết quả vì giá nhà cho người thu nhập thấp tỉ lệ nghịch với tiền lương của đối tượng thụ hưởng chính sách. “Nhà cho người thu nhập thấp mà diện tích 70-80 m2, nội thất bóng loáng thì người dân phải bán đi mới có tiền trả. Cũng nên cho phép người dân được quyền mua thì được quyền bán để họ có thu nhập” - ông Nghĩa kiến nghị.
Theo ông Nghĩa, nhà ở cho người thu nhập thấp đang là phân khúc có triển vọng nhất của thị trường BĐS nếu DN biết đưa ra sản phẩm phù hợp là những căn nhà diện tích chỉ khoảng 30 m2, nội thất đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tối thiểu. Nhưng quan điểm của ông Nguyễn Trần Nam là kiên quyết không cho phép mua đi bán lại nhà thu nhập thấp trong vòng 10 năm. Vì đây là chính sách ưu đãi của Nhà nước, lo chỗ ở cho người khó khăn. Các nước trên thế giới cũng đều không cho phép bán nhà ở xã hội. Hiện chỉ có Hồng Kông cho bán nhưng người dân chỉ được hưởng 1/2 tiền chênh lệch chia đôi. Việt Nam chưa tính đến khả năng này.
Nhà nước đã có 4 chính sách để phát triển nhà thu nhập thấp là không thu tiền sử dụng đất; cho vay vốn ưu đãi; miễn thuế GTGT và thuế thu nhập DN; ưu đãi tăng mật độ xây dựng nhưng trên thực tế mới thực hiện được 2 chính sách, vì thế, giá nhà thu nhập thấp chưa thể giảm. Đây là vấn đề cần sớm được tháo gỡ.
DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: