Top

Lý giải những bất thường trong huy động và cho vay bằng USD

Cập nhật 21/08/2011 10:15

Thời gian vừa qua, việc huy động và cho vay bằng USD có những điều không bình thường như đánh đồng lãi suất các kỳ hạn, thỏa thuận lãi suất, tỷ lệ dư nợ cao trong khi tỷ lệ huy động thấp... Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong có cuộc trao đổi xung quanh những vấn đề này.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong

* Thưa ông, hiện tại lãi suất huy động USD đang bị kéo thẳng hay nói cách khác là đánh đồng hạng các kỳ hạn, theo ông thực tế này như thế nào?

- Có thể nói trong hoạt động bình thường của ngân hàng thì lãi suất có tác dụng điều chỉnh cơ cấu huy động tùy theo thời gian huy động và lãi suất có thể tăng giảm khác nhau. Thường thì theo xu hướng thời gian càng dài thì lãi suất càng cao.

Nhưng chúng ta, trong thời gian vừa qua, tất cả các mức lãi suất không có ý nghĩa và nó bị đánh đồng hạng giữa tất cả các thời hạn. Đây là hiện tượng rõ ràng không bình thường và điều này nó chứa đựng một số điểm có lợi cho người gửi nhưng không có lợi thậm chí rủi ro cho khu vực ngân hàng.

Rủi ro cho ngân hàng ở chỗ, chắc chắn trong cơ cấu huy động phần vốn huy động ngắn hạn tăng lên do các ngân hàng không huy động được dài hạn. Vì vốn huy động tăng lên trong ngắn hạn trong khi nhu cầu vay có thể là dài hạn, ngân hàng buộc phải sử dụng tỷ lệ vốn vay ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn. Như vậy, nó sẽ xảy ra 1 số rủi ro trong thanh toán.

* Lý do hiện tượng không bình thường này xuất phát từ đâu, thưa ông?

- Tôi cho rằng nó có khó khăn chung của ngân hàng đó là NHNN khống chế trần lãi suất huy động đô la 2% cho tiền gửi của người dân và 0,5% cho các tổ chức. Nhằm mục tiêu là hạn chế tối đa những quy mô hoạt động ngoại hối, động lực để kinh doanh ngoại tệ.

Rõ ràng các ngân hàng không còn sự lựa chọn nào khác vì vừa bị khống chế khả năng huy động vừa khống chế về trần lãi suất huy động, buộc họ phải lách bằng cách tăng tất cả đồng loạt.

* Cũng giống như VNĐ, lãi suất huy động USD hiện nay cũng xuất hiện hiện tượng thỏa thuận lãi suất vượt trần quy định. Theo ông, phải chăng tại các ngân hàng thương mại đang có vấn đề về cung cầu ngoại tệ?

- Rõ ràng việc có trần lãi suất dù là huy động hay cho vay đều không bình thường, việc lách trần lãi suất cũng tạo ra những cái tiếp theo của sự không bình thường là việc thỏa thuận kể cả cho vay hay huy động bằng USD lại càng biểu hiện cao hơn nữa của việc lách trần.

Thứ nhất, các ngân hàng đang có nhu cầu về vấn đề huy động hoặc cho vay tùy theo quan hệ thực tế của mình với khách hàng mà họ có thể thỏa thuận giảm hoặc tăng lãi suất huy động hay cho vay.

Thứ 2, là cho chúng ta thấy hạ trần lãi suất không có giá trị, điều này cho thấy hiệu lực quản lý Nhà nước trong vấn đề tín dụng nói chung trong quản lý ngoại tệ nói riêng thiếu thực tế...

* Trong 6 tháng, tỷ lệ huy động ngoại tệ chỉ tăng 8,4% và được đánh giá là thấp. Ông có thể lý giải về điều này?

- Nếu so với tỷ lệ dư nợ tín dụng bằng USD là lên tới khoảng trên dưới 20% từ đầu năm đến nay thì tỷ lệ huy động là 8,4% là thấp rất nhiều so với dư nợ. Điều này cho thấy có sự bất thường trong vấn đề huy động và cho vay, bên cạnh đó cũng có nhu cầu vay ngoại tệ lớn còn khả năng huy động kém hơn.

* Mặc dù lãi suất cho vay của ngoại tệ đã được nâng lên, song nhiều DN vẫn tiếp tục lựa chọn vay USD khiến cho lãi suất huy động giữa hai dòng vốn có sự lệch pha. Theo ông sự lệch pha này nên được điều chỉnh như thế nào?

- Như chúng ta biết, trong thời gian vừa qua, có sự gia tăng dữ dội về nhu cầu vay USD so với vay bằng tiền Việt. Lý do lớn nhất là chênh lệch lãi suất giữa hai loại tiền này rất cao.

Thời gian tới sự chênh lệch này sẽ được điều chỉnh tùy thuộc vào một số yếu tố, trước hết phụ thuộc vào khả năng hạ lãi suất của đồng tiền Việt. Gần đây, đã có dấu hiệu chững lại, cải thiện hơn trong lãi suất cho vay của ngân hàng.

Bên cạnh đó, nó còn phụ thuộc vào độ gia tăng lãi suất cho vay của đồng đô la khi nhu cầu tăng vọt cộng với dự trữ bắt buộc tăng lên, ngân hàng muốn hay không cũng phải gia tăng lãi suất cho vay. Như vậy, càng kéo sự giãn cách giữa hai đồng tiền giảm xuống và điều tiết lượng cầu ngoại tệ và chuyển sang hoạt động bằng nội tệ.

Đồng thời nó cũng còn tùy thuộc vào khả năng dự báo của các DN cũng như thị trường liên quan đến vấn đề tỷ giá. Nếu xu hướng tăng cao thì các DN người ta sẽ lường trước được rủi ro, họ sẽ giảm bớt được hoạt động vay đô la để giảm bớt giao dịch.

Và nó cũng tùy thuộc vào sự quản lý chính sách của Nhà nước, khi Nhà nước kiên quyết kiềm chế nạn USD hóa sẽ có những giải pháp căng hơn áp lực để mà giảm bớt lượng cầu về đô la này. Trong thời gian tới, tốc độ tăng tín dụng về USD sẽ không mạnh như đầu năm, tuy nhiên nó cũng phụ thuộc vào chính sách của đồng USD của nước Mỹ sẽ ảnh hưởng đến toàn cầu từ đó tạo ra áp lực vào Việt Nam. Ngân hàng, DN sẽ tính đến yếu tố này trong quá trình hoạt động.

Trân trọng cảm ơn ông!

DiaOcOnline.vn - Theo Tầm Nhìn