Top

Tạm dừng đổi đất lấy hạ tầng: BT có lỗ hổng, hoài nghi lợi ích nhóm?

Cập nhật 03/08/2018 10:00

Theo lý giải của Bộ Tài chính, việc bộ này đề nghị Chính phủ tạm dừng xem xét, quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư kể từ ngày 1/1/2018 nhằm chờ nghị định mới của Chính phủ về nội dung này có hiệu lực thi hành, tránh lãng phí nguồn lực đất đai, thất thoát ngân sách nhà nước. Ngoài ra, cũng có dư luận hoài nghi lợi ích nhóm.


Theo lý giải của Bộ Tài chính, việc bộ này đề nghị Chính phủ tạm dừng xem xét, quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư kể từ ngày 1/1/2018 nhằm chờ nghị định mới của Chính phủ về nội dung này có hiệu lực thi hành, tránh lãng phí nguồn lực đất đai, thất thoát ngân sách nhà nước. Ngoài ra, cũng có dư luận hoài nghi lợi ích nhóm.

Từ năm 2017, Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định về sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức này và đến nay nghị định đó chưa được ban hành.

Vì vậy, để xử lý các vấn đề liên quan trong thời gian một số văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công chưa được ký ban hành, Bộ Tài chính đã đề nghị Chính phủ tạm dừng việc xem xét, quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư kể từ ngày 1/1/2018 cho đến khi nghị định trên có hiệu lực thi hành.

Bộ Tài chính cũng đã có hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương… về việc xử lý một số vấn đề chuyển tiếp trong quản lý, sử dụng tài sản công này từ ngày 28/3/2018.

Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đề nghị UBND TP Hà Nội rà soát lại việc chấp thuận chủ trương sử dụng quỹ đất để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện các dự án BT trên địa bàn.

Trong khi đó, giải thích về việc chấp thuận chủ trương đầu tư và cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 5 dự án về hạ tầng giao thông trên, ông Vũ Duy Tuấn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư (KH&ĐT) TP. Hà Nội cho biết, đây là các dự án đã được nghiên cứu từ năm 2009 đến 2015, đã được thành phố báo cáo và Thủ tướng đồng ý chủ trương thực hiện theo hình thức BT, cho phép chỉ định nhà đầu tư đàm phán trực tiếp hợp đồng BT.

Việc thực hiện theo hình thức BT và chỉ định nhà đầu tư là do ngân sách khó khăn, khó cân đối nguồn vốn. Từ năm 2016, Hà Nội có chủ trương huy động nguồn lực xã hội đầu tư vào hạ tầng, trong đó ưu tiên thực hiện một số dự án hạ tầng trọng điểm theo hình thức BT.

Ông Tuấn cũng khẳng định việc thực hiện các dự án BT đều tuân thủ các quy định về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Quỹ đất giao để thanh toán cho nhà đầu tư được tính toán theo phương án có giá trị cao nhất. Diện tích đất giao cho các dự án làm đường nói trên chỉ để nhà đầu tư lập nghiên cứu quy hoạch và chỉ được khai thác một phần diện tích. Theo đó, bình quân nhà đầu tư chỉ được khai thác khoảng 26% tổng diện tích đất được giao để hoàn vốn cho công trình BT.

Thực tế, việc Hà Nội liên tục triển khai các dự án đổi đất lấy hạ tầng khiến nhiều người không khỏi lo ngại khi giá đổi đất rất rẻ, sau đó doanh nghiệp lại bán chính mảnh đất đó cho người dân với giá cao khiến Nhà nước và người dân cùng bị thiệt.

Chẳng hạn, đoạn đường Lê Văn Lương kéo dài, nhà đầu tư bỏ hơn 700 tỷ đồng xây 5km. Đổi lại, Hà Nội bố trí hơn 197ha để nhà đầu tư xây dựng khu đô thị. Giá đất ở đây được tính là 8,5 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, sau khi xây xong tuyến đường, giá đất ở khu vực này đã tăng 5 -7 lần. Điều này khiến dư luận không khỏi hoài nghi liệu có lợi ích nhóm ở đây không?

Nhiều dự án BT ở Hà Nội đang lộ ra những bất cập trong việc thiếu đồng bộ hạ tầng. Ảnh chụp tại khu đô thị Nam An Khánh ngập nặng sau trận mưa lớn tháng 7/2018. Ảnh: Tuấn Nguyễn.

BT có lỗ hổng?

Theo một lãnh đạo, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính), việc Bộ Tài chính yêu cầu Hà Nội tạm dừng thực hiện các dự án BT cũng nhằm tính toán lại giá trị quỹ đất đổi hạ tầng. Trường hợp Hà Nội đã thanh toán đất lấy hạ tầng cho nhà đầu tư BT từ ngày 1/1/2018 đến nay thì phải dừng lại để chờ nghị định của Chính phủ hướng dẫn. Còn nếu đã thanh toán đất lấy hạ tầng trước ngày 1/1 theo quy định của quyết định 23 năm 2015 thì không có vấn đề gì, vì đến 31/12/2017 mới hết hiệu lực.

“Lỗ hổng” BT của Hà Nội từng được Thanh tra Chính phủ chỉ ra. Cụ thể, ngày 19/7/2017, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận thanh tra và chỉ ra trong số 15 dự án BT chỉ có 1 dự án được thực hiện theo hình thức đấu thầu, 14 dự án còn lại chỉ định thầu. Thanh tra Chính phủ cũng phát hiện một số nội dung đầu tư, tổng mức đầu tư, dự toán của một số dự án BT đã được UBND thành phố Hà Nội và các cơ quan trực thuộc thẩm định, phê duyệt chưa chính xác, chưa đúng chế độ quy định làm tăng tổng mức đầu tư dự án. Hầu hết các dự án đều chậm tiến độ, kéo dài thời gian thực hiện, phải gia hạn hợp đồng làm tăng chi phí đầu tư. Đồng thời, Thanh tra Chính phủ đã yêu cầu truy thu hàng tỷ đồng chênh lệch giữa tiền giá trị sử dụng đất và công trình BT.

Thực tế, việc Hà Nội liên tục triển khai các dự án đổi đất lấy hạ tầng khiến nhiều người không khỏi lo ngại khi giá đổi đất rất rẻ, sau đó doanh nghiệp lại bán chính mảnh đất đó cho người dân với giá cao khiến Nhà nước và người dân cùng bị thiệt.


DiaOcOnline.vn - Theo Tiền Phong