Nghịch lý đang diễn ra ở Hà Nội cũng như nhiều địa phương là nhiều diện tích "đất vàng" bị bỏ hoang nhiều năm qua mà không thấy ai quan tâm nhắc nhở. Những khu đất dự án ngổn ngang được ví như một miếng bánh ngon mà giới nhà giàu vung vãi, còn kẻ nghèo chỉ biết ngắm nhìn và thầm ước mỗi khi bước qua.
Ngổn ngang đất "3 không"
Khi biết chúng tôi có ý định lần tìm những dự án đang... treo đất của nhà nước, không giấu giếm, ông Nguyễn Hải Đăng, phó chủ tịch UBND phường Trung Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) điểm mặt luôn hàng loạt dự án trên địa bàn gây dư luận và người dân bức xúc trong nhiều năm qua.
Điển hình cho sự hoang phí là khu đất có ký hiệu H-H (khu vành khăn, nằm đối diện với Trung tâm thương mại BigC) được giao cho Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu & Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) từ nhiều năm qua, nhưng đến nay vẫn vườn không nhà trống. Nhiều lần chính quyền địa phương ra quân giải tỏa việc lấn chiếm của các hộ dân để bàn giao cho chủ đầu tư. Nhưng sau khi làm sạch, bàn giao xong, đất hoang vẫn... hoang. Ngay sát khu đất này, dự án Hồ điều hòa Trung Hòa cũng đang gây "nóng" cho người dân với tiến độ 3 không: Không thi công, không ai trông coi và không biết đến khi nào thực hiện.
Không chỉ với khu đất này, nếu nói về đất vàng bị bỏ hoang thì phường Trung Hòa đáng được xếp hạng. Theo ông Đăng, có nghịch lý này vì phường nắm một phần trong 4 khu đô thị hàng đầu của TP. Hà Nội (KĐT Trung Yên; KĐT Nam Trung Yên; KĐT Trung Hòa - Nhân Chính và KĐT đông nam Trần Duy Hưng). Vì thế, trong KĐT nào cũng có vài khu cho đến hàng chục khu đất mà các chủ đầu tư không triển khai dự án. Theo giới thiệu của ông Đăng, chỉ cần “lượn” một vòng từ Lê Văn Lương - Phạm Hùng - Xuân Thủy (quận Cầu Giấy, Hà Nội) sẽ được chiêm ngưỡng toàn bộ bức tranh... hoang vu, mà trên giấy tờ nó là sự hiện diện của những tòa nhà cao tầng, công viên và trung tâm thương mại...
Quả đúng như lời “quảng cáo” của vị Phó Chủ tịch phường Trung Hòa, án ngữ ngay ngã tư Lê Văn Lương - Hoàng Đạo Thúy, là một khu đất đã bị bỏ hoang nhiều năm nay. Theo nhiều người dân sống gần khu vực này, khoảng chục năm trước, nào là xe lu, xe ủi, xe đổ đất rầm rộ san phẳng những thửa ruộng của người dân địa phương, với lời hứa hẹn sẽ dựng lên trên mảnh đất này hai khu cao ốc hoành tráng và đến năm 2011 sẽ đưa vào sử dụng.
Thế nhưng, sau ngần ấy năm triển khai, chỉ duy nhất có một tòa nhà cao 15 tầng hoàn thiện, tòa nhà còn lại có thiết kế đến 21 tầng chờ mãi chẳng thấy đâu. "Lời hứa hẹn lên đến 21 tầng đang được thay thế bằng những bụi cỏ mấp mô cao đến nửa người được vây quanh bằng các tấm tôn", bác L.H, một người dân địa phương ngậm ngùi chỉ tay về dự án cho biết.
"Đất vàng" chỉ... để trồng cỏ ở KĐT Cầu Giấy.
"Đất vàng" để nuôi... "bò vàng"?
Được xem là khu "đất vàng" của Thủ đô, nhưng KĐT mới Cầu Giấy nằm cách hồ Hoàn Kiếm khoảng 8km đến nay vẫn còn nhiều khu vực bỏ hoang phí. Cùng với đó là hàng loạt khu đất đắc địa khác rộng hàng trăm nghìn mét vuông ở các quận Long Biên, Thanh Xuân, Tây Hồ, huyện Gia Lâm, các huyện Thanh Trì, Đông Anh, Từ Liêm đang để cỏ mọc lút đầu người. Ngay cả đất đã được các quận, huyện đấu giá từ 3 - 4 năm nay như KĐT mới Cầu Giấy, khu 18,6 ha quận Tây Hồ với số tiền chi trả khổng lồ nhưng đến nay vẫn không thấy động tĩnh gì. Thậm chí ở KĐT mới Cầu Giấy, hiện đất có giá từ 250-300 triệu đồng/m2, một lô biệt thự khoảng 250m2 - 300m2, có giá từ 60 đến 90 tỷ đồng nhưng gần 5 năm nay vẫn dành đất để... nuôi bò!
Theo ghi nhận của PV báo Nguoiduatin.vn, riêng trên đường Phạm Hùng (đoạn từ ngã tư Lê Văn Lương đến đầu đường Phạm Văn Đồng), nếu chỉ nhẩm tính sơ bộ cũng có tới vài chục nghìn m2 đất để hoang từ nhiều năm nay. Hầu hết, các khu đất này đều đã được ghi tên chủ, nhưng không hiểu sao, đến nay các chủ đầu tư vẫn vô tư ôm đất để.... trồng cỏ. Đa số những người dân sinh sống gần đấy đều bất bình trước cảnh tượng phản cảm này.
Anh N.H.Q (Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay: "Giá nhà thì cao ngất ngưởng, đối với những người làm công như chúng tôi biết khi nào mới mua được, giá thuê nhà cũng cao với lý do đất chật, người đông. Nhưng ở đây, đất lại để không mà chẳng ai ngó tới. Thấy không ai quản lý, dân anh chị nhảy vào quây lều, dựng lán làm ăn càng gây mất mỹ quan, ảnh hưởng môi trường đô thị".
Từ đường Phạm Hùng rẽ vào con đường bên hông của tòa nhà Keangnam (đường chưa được đặt tên - PV) là cảnh tượng hàng loạt dự án rơi vào cảnh... án binh bất động. Trong đó phải kể đến dự án của các chủ đầu tư mới nghe đã thấy khủng như: Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Tổng Công ty Điện tử và tin học Việt Nam; Công ty CP Sữa Việt Nam; Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam; Tổng công ty Trường sơn; Tổng Công ty Máy và thiết bị công nghiệp; Tổng công ty CPTM & Xây dựng; Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam;... Cách khu vực này không xa, KĐT Mỹ Đình cũng ngổn ngang không kém, chỉ tính dọc trên đường Lê Đức Thọ, cũng có đến gần chục dự án treo gây lãng phí hàng chục nghìn m2 đất.
Việc "đất vàng" bị bỏ hoang đã từng được TP. Hà Nội nhắc tới, với danh sách 30 dự án phải nhận tối hậu thư vì sự rề rà không triển khai. Thế nhưng, hành động này của TP. Hà Nội chỉ được coi là "đánh trống bỏ dùi" khi chưa nêu trúng và đủ những dự án vốn bấy lâu chỉ được thấy trên giấy. Lý do được đưa ra là do kinh tế khó khăn nên nhiều dự án chậm tiến độ nhưng không loại trừ những trường hợp do năng lực chủ đầu tư có vấn đề.
Mới đây, trao đổi với báo chí về hàng loạt dự án "đất vàng" đang để hoang phí, thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Mạnh Hiển đã nhấn mạnh: "Đất sử dụng không hiệu quả thì phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Cụ thể, dự án nào không sử dụng đất trong 12 tháng liền kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa hoặc chậm 24 tháng so với tiến độ được duyệt mà không triển khai xây dựng thì phải kiên quyết thu hồi. Đây là trách nhiệm của các địa phương". Nhưng xem ra, TP. Hà Nội là trường hợp... ngoại lệ khi hàng loạt khu đất bỏ không chỉ cách Bộ TN&MT chưa đầy 5 km?!
Một sự thật là ngay giữa Thủ đô, người dân biết, chính quyền sở tại biết, các sở ban ngành liên quan cũng... biết tuốt về việc "đất vàng" đang bị bỏ hoang phí, nhưng chẳng thấy ai vào cuộc mạnh mẽ. Sự khó hiểu đóỏ, khiến người ta phải đặt câu hỏi, đến bao giờ TP. Hà Nội mới mạnh dạn đối diện với việc xử lý đất hoang - nơi mỗi tấc đất là tấc vàng?
DiaOcOnline.vn - Theo Người Đưa Tin
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: