Những ngày qua, đồng loạt nhiều ngân hàng công bố giảm lãi suất cho vay sau khi có chỉ đạo của Chính phủ. Trong đó có ngân hàng đã giảm mức lãi suất cho vay xuống còn 15,9% so với mức trên 20% trước đây.
Nhưng “đỏ con mắt” tìm các thông tin cũng chưa thấy ngân hàng nào có chủ trương hoặc hạ mức lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, kể cả các ngân hàng “đại gia”!
Để “khai thông” thị trường địa ốc, một chuyên gia cho rằng các ngân hàng cần hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp thị trường bất động sản với lãi suất hợp lý |
Ưu ái xuất khẩu
Từ ngày 9-3 đến ngày 6-4-2012, Ngân hàng S. dành 1.000 tỷ đồng cho vay đối với khách hàng là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu. Lãi suất của chương trình này tối thiểu là 16,5%/năm, thời hạn vay tối đa bốn tháng. Từ ngày 12-3-2012, Ngân hàng H. áp dụng lãi suất cho vay ưu đãi dành cho khách hàng lần đầu vay thế chấp là 15,9%/năm. Mức lãi suất dài hạn thấp nhất là 18,9%/năm. Đối tượng là người có nhu cầu vay vốn mua nhà ở, mua xe…
Đó là những thông tin được các ngân hàng tung ra trong thời gian gần đây để thu hút lượng khách vay. Những thông tin này khá hấp dẫn nếu so với thời điểm cuối năm 2011 khi lãi suất ở mức phổ biến từ 20% /năm trở lên. Nhưng điều đáng buồn là các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản vẫn nằm ngoài danh sách khách hàng cho vay trên, mà lẽ ra họ phải là đối tượng cần được ưu ái trong thời điểm thị trường địa ốc đang khó khăn như hiện nay.
Một vài doanh nghiệp đã có chút hé mở với thị trường địa ốc nhưng chỉ dám cho vay với người mua nhà. Xét ở góc độ này, người dân có nhu cầu được vay tiền mua nhà thì chủ đầu tư sẽ thu được tiền, quay đồng vốn, kích thích thị trường bất động sản phát triển. Nhưng không phải ai cũng được vay tiền để mua nhà ở, bù đắp vào khoản thiếu hụt vốn mà chủ đầu tư đang cần.
Quên bất động sản?
Theo ước tính, hiện đang tồn hơn 10.000 căn hộ. Con số này sẽ tăng lên khi năm nay nhiều dự án chung cư sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng. Đó là chỉ riêng tại TP.HCM, còn nếu tính trên phạm vi cả nước thì con số này cao hơn rất nhiều. Hàng tồn, thị trường địa ốc đang khó khăn nên các doanh nghiệp còn lại phải tiếp tục “ôm” đất, không thể triển khai tiếp dự án. Vốn chôn vào dự án, vào đất khiến các doanh nghiệp không có tiền xoay sở và ngày càng khó khăn hơn.
Để “khai thông” thị trường địa ốc, một chuyên gia cho rằng các ngân hàng cần hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp thị trường bất động sản với lãi suất hợp lý. Kèm theo đó là các điều kiện như dự án có mức giá phù hợp, nhắm đến đối tượng có nhu cầu ở thật sự… để góp phần tạo vốn cho doanh nghiệp xoay sở, triển khai dự án.
Bên cạnh đó, ngân hàng cần có mức lãi suất hợp lý để hỗ trợ cho người có nhu cầu mua nhà ở thật sự, góp phần tạo nguồn ra cho doanh nghiệp, giúp khơi thông thị trường bất động sản vốn đang khó khăn. Bởi khơi thông được thị trường bất động sản cũng sẽ giúp cho nhiều lĩnh vực khác liên quan phát triển theo như vật liệu xây dựng, lao động trong ngành xây dựng…
N.Tâm - DiaOcOnline.vn
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: