Đất dịch vụ khu vực Thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, Hà Nội đang được người dân tự làm quy hoạch, và qua các loại “cò môi giới”, giá loại đất “vẫn còn trên mây” này đang được giao dịch với giá từ 5-7 triệu đồng/m2, nhưng cũng rất ít người bán. Nhìn sang bên đường, cột mốc chỉ Hà Nội 25km, đường mù mịt bụi.
Chỉ vào những vạt đất nham nhở bên đường Quốc lộ 6, anh Vũ Văn Dậu, người phố chợ Thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, Hà Nội khẳng định, ít nữa đất dịch vụ của xã Ngọc Hoà, thị trấn Chúc Sơn sẽ được chia ở đây. Hỏi bao giờ chia đất và tại sao anh lại nắm được thông tin này, thì anh nói như đinh đóng cột: “Chỉ có ở đây thôi chứ cả xã này còn đất ở đâu mà chia nữa. Đất thu hồi từ năm 2007, không trả cho dân bây giờ thì còn lúc nào…”
Đất phố Chúc Sơn nóng rực
Từ trung tâm Hà Nội đi theo trục đường Nguyễn Trãi thẳng tuột vào Hà Đông, qua cầu Mai Lĩnh hơn chục cây số mới thấy cơn sốt đất dịch vụ đã lan từ khu Văn Phú, La Khê, Đồng Mai, Yên Nghĩa về tận nơi này. Bắt đầu từ phố Phượng, Biên Giang là điểm cuối của quận Hà Đông đến điểm đầu là khu phố Ninh Kiều, thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, đất dịch vụ đang tăng chóng mặt, mỗi ngày một giá.
Ghé vào một vài văn phòng nhà đất dọc trục Quốc lộ 6 được biết, loại đất đang được chuộng nhất là dự án đất dịch vụ xã Tiên Phương. Đây là dự án phục vụ việc thu hồi đất xây dựng Khu công nghiệp Phú Nghĩa, khu đô thị mới Tiên Phương và các dự án trên địa bàn huyện Chương Mỹ, chủ đầu tư là UBND huyện Chương Mỹ. Theo quảng cáo của các “cò” khu vực này, đất có giấy tờ rõ ràng (gồm xác nhận của UBND xã Tiên Phương và dấu của đại diện Ban quản lý các dự án huyện Chương Mỹ). Tuy cũng phải chờ bốc thăm mới biết được vị trí, nhưng so với các nơi khác, nhà đầu tư có thể yên tâm hơn, thay vì chỉ cầm mỗi tờ giấy viết tay nghệch ngoạc của dân với cái dấu của Hợp tác xã nông nghiệp ký xác nhận diện tích bị thu hồi từ đầu năm… 2000 (đất dịch vụ là diện tích đất đền bù cho các hộ nông dân bị thu hồi hơn 1/3 diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng để chuyển đổi nghề nghiệp, ở một số huyện diện tích đền bù theo quy định là 10% – PV).
Có lẽ cũng vì cái “yên tâm” này, mà đất xã Tiên Phương đang được hét từ 10-12 triệu đồng/m2 và được “cò” khuyến cáo nên mua nhanh vì người bán không nhiều. Anh Vũ Văn Dậu “bật mí”: “Nếu bác muốn, em sẽ đưa bác vào gặp ông chủ cây xăng trên đường này. Ông này đang “ôm” 4 lô đang muốn xả hàng. Ông ấy mua hồi đầu năm có chưa đến 4 triệu đồng/m2”! Thấy khách ngần ngừ, anh này tiếp, “hay là bác “chơi” đất ở xã Ngọc Hoà (ở phía bên đối diện xã Tiên Phương, cùng trên trục Quốc lộ 6 – PV) , hơi liều một tí nhưng chắc chắn có đất, vì cũng bị thu hồi từ năm 2007, chỉ có điều chưa biết đất được chia ở đâu. Nếu mua như vậy thì giá chỉ từ 4-5 triệu đồng/m2. Ở xã Tiên Phương đã có bao nhiêu người đổi đời từ cách này rồi, phải mua từ lúc lúa còn chưa làm đòng mới thắng được”, anh này khẳng định. Nhưng khi được hỏi, nhỡ đất không được chia trên trục Quốc lộ 6 thì sao, thì anh hơi ngần ngừ rồi vẫn cam kết, “không có chuyện ấy” và chỉ chỗ này Quốc lộ 6 sẽ mở rộng, những lô đất mặt tiền sẽ rất có giá…
Theo một “cò” đất khu vực này, giá khu vực này như thế là còn “mềm”, vì chỉ cách đây (xã Tiên Phương, cách Hà Nội 25km - PV) ngược về Hà Nội gần thêm 3km thôi, ở phố Ninh Kiều, giá nhà lô 50m2 chia cho công nhân khu công nghiệp đã 30 triệu đồng/m2; còn về đến Yên Nghĩa, nghĩa là gần Hà Nội thêm 5km nữa, đất dịch vụ chia lô chưa rõ vị trí cũng gần 50 triệu đồng/m2. Ở đầu Thanh Oai, đất xã Thạch Bích cũng đã hơn 26 triệu đồng/m2, mà chỉ vài ngày sau quay lại, giá đã lên thêm vài trăm ngàn đồng/m2… “Giá cứ nhìn nhau mà đẩy lên, chỉ có người mua không nhanh là thiệt”, anh này kết luận.
Đón “hóng” quy hoạch
Có nhiều lý do để người ta chọn đất dịch vụ, nhưng lý do lớn nhất vẫn là vì mỗi suất đất dịch vụ có diện tích nhỏ, chỉ từ 40-50 m2 nên vừa túi tiền của nhiều người. Mặt khác, theo một đại gia chuyên đầu tư loại đất này thì giá đất dịch vụ thường tăng nhanh hơn so với các loại đất khác là do mức giá “hợp lý” và những cơ sở hạ tầng ở khu vực đó thường là rất tốt. Ví dụ như đất dịch vụ ở Dương Nội tăng mạnh là nhờ đường Lê Văn Lương kéo dài. Đất ở cuối Hà Đông tăng nhanh là do có một loạt dự án, đường Vành đai 4, đường cao tốc Bắc Nam Hà Tây cũ, 3 khu đô thị mới xung quanh con đường này. Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia BĐS trên nhiều phương tiện thông đại chúng đều cho rằng, đất khu phía Tây và Nam của Hà Nội đang ngày càng nóng lên là nhờ quy hoạch tổng thể của thủ đô sắp được phê duyệt. Dự thảo đang được thảo luận, theo đó Hà Nội sẽ có 3 đô thị vệ tinh là Hoà Lạc, Sơn Tây, Sóc Sơn, Phú Xuyên, Xuân Mai và 3 đô thị sinh thái là Quốc Oai, Chương Mỹ và Phúc Thọ. “Từ những “phân tích” này, và từ thực tế là các vùng đất nằm trong phạm vi vành đai 2 giá đã rất cao, đất trong vành đai 3 cũng đang ở mức giá “trên trời”, nên đất thuộc vùng lân cận vành đài 4 được quan tâm đặc biệt là hoàn toàn xứng đáng ”, chuyên gia đầu cơ này nói.
Và cũng từ những suy luận như vậy, đất dịch vụ Biên Giang, Chúc Sơn, Chương Mỹ, Thanh Oai… tăng chóng mặt từng ngày. Người người chấp nhận đầu tư mạo hiểm dù đất chưa nhìn thấy, ô thửa chưa rõ ràng, tiền đất chưa bao gồm cơ sở hạ tầng và vì hồ sơ pháp lý mỗi xã lại khác nhau, mỗi năm lại thay đổi một kiểu, mỗi bộ hồ sơ gốc chỉ được bán lại một lần và được sự xác nhận của xã. Khi đến thời điểm bốc thăm và nộp tiền xã, giá đất lên, không tránh khỏi việc người dân đòi thêm tiền mỗi lần đi ký lại hợp đồng… Được biết, đang có khá nhiều người đang chấp nhận rủi ro để nhận siêu lợi nhuận kiểu ấy!
DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: