Hà Nội có 1.565 biệt thự từ thời Pháp để lại, còn TPHCM có hơn 1.300 biệt thự được xây dựng trước năm 1975. Các biệt thự này đều có diện tích từ vài trăm mét vuông trở lên, nằm ở các quận trung tâm, trên những con phố đẹp, giao thông thuận tiện, gần các khu vui chơi giải trí, trung tâm thương mại…
Căn biệt thự cổ được xây dựng từ thời Pháp ở số 8 Tăng Bạt Hổ (Hai Bà Trưng, Hà Nội) có diện tích sàn 150 m2, nhiều năm nay đã xuống cấp trầm trọng: Ảnh: Zing.vn
|
Sống trong "bí bách và sợ hãi"
Đáng lẽ, với những lợi thế về vị trí, giao thông và tiện ích, cuộc sống của những gia đình trong các biệt thự cổ sẽ viên mãn, nhưng thực tế, không ít người than trời khi “phải” sống trong những ngôi nhà được định giá thị trường lên đến chục triệu USD, nhưng đã xuống cấp trầm trọng không kém khu ổ chuột.
Chật chội, chung đụng, thiếu ánh sáng và không khí do các khoảng trống bị biến thành phòng ở, ô nhiễm môi trường do nhà vệ sinh kiểu cũ… chỉ là chuyện nhỏ. Điều mà người dân sống trong biệt thự cổ nơm nớp lo sợ là công trình đang xuống cấp từng ngày, lún nứt, thấm dột, mất an toàn, thậm chí có nguy cơ đổ sập.
Tại TPHCM, căn biệt thự cổ ở số 237 Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh) được thiết kế theo kiến trúc châu Âu rất đẹp. Tuy nhiên, qua thời gian sử dụng cả trăm năm, phần móng biệt thự đã bong tróc, các bức tường nứt toác, nhiều cột hư hỏng.
Cũng trong tình trạng "ở không được mà đập cũng không xong" là ngôi nhà số 106 đường Hải Thượng Lãn Ông (Quận 5). Do vữa trần nhà được làm bằng trấu và rơm trộn lại, nên đến nay nhiều mảng bong tróc, rơi xuống. Dù chủ nhà muốn đập đi để xây nhà mới nhưng cũng không được, vì chưa được phép.
Dọc tuyến đường Hải Thượng Lãn Ông còn có hàng chục nhà cổ đang xuống cấp từng ngày. Chẳng hạn, ngôi nhà số 47 được chuyển đổi công năng thành chung cư, mỗi tầng chia thành nhiều phòng nhưng chỉ có một nhà vệ sinh bên ngoài. Bên cạnh đó, việc xuất hiện thêm nhiều bức tường ngăn, cơi nới… khiến kết cấu nhà bị thay đổi, xuất hiện nhiều vết nứt chạy dọc các bức tường.
Tương tự như TPHCM, tại Hà Nội có hơn 200 biệt thự từ thời Pháp đang rơi vào tình trạng xuống cấp, cũ nát.
Đã cả chục năm nay, chủ ngôi biệt thự rộng hơn 1.000 m2, hai mặt tiền trên phố Bà Triệu và Lý Thường Kiệt luôn sống trong tâm trạng bất an khi hằng ngày phải nhìn căn nhà xuống cấp trầm trọng mà không thể sửa sang.
Theo chủ nhà, biệt thự có tuổi đời bằng với Nhà hát Lớn Hà Nội. Sau năm 1954, gia đình cho nhiều người ở nhờ và hiện nay trong biệt thự có hơn chục gia đình cư trú. Nhiều gia đình có cả ba thế hệ sinh sống trong căn phòng chỉ rộng hơn chục mét vuông. Để có chỗ ở, họ đã đục phá, cơi nới thêm “chuồng cọp” khiến ngôi biệt thự càng nhanh biến dạng.
Tường và kết cấu của ngôi nhà đã yếu đến mức chỉ cần ô tô chạy qua cũng rung lên, một mũi khoan tường ở căn phòng nào đó là toàn bộ ngôi biệt thự bụi rụng đầy các phòng. “Nhà nát như vậy, nhưng 25 năm qua, chưa một ai đến kiểm tra về độ an toàn của nó. Nếu không được sửa chữa, rồi có ngày nó cũng phải sập như ngôi nhà số 107 Trần Hưng Đạo”, chủ nhà lo lắng.
Biệt thự số 45 Trần Quốc Toản đã bị nghiêng từ hơn 40 năm nay. Nhiều mảng tường bong tróc, vôi vữa đã mục nát rơi ra. Cầu thang ọp ẹp, có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào. Theo lời nhiều người dân sống tại đây, ngôi biệt thự nằm trong diện bảo tồn, nên không được bán hay sửa chữa.
Còn các hộ dân sống tại biệt thự 70 Ngô Quyền cho biết, phải can đảm lắm mới dám trụ lại tại đây. Các bức tường trong và ngoài nhà đã tróc, mốc xanh mốc đỏ bám khắp tường. Tuy nhiên, vì không được sửa chữa nên các hộ gia đình vẫn phải sinh sống tại đây và đối mặt với nguy hiểm hằng ngày.
Hay như biệt thự cổ số 47 Phan Bội Châu được xây dựng từ thời Pháp, hiện là nơi trú ngụ của gần 20 hộ dân. Tòa nhà đã cũ nát, nhưng các hộ trên tầng 2 còn tự ý cắt xà gồ đỡ mái của ngôi nhà để làm thêm tầng gác lửng, khiến cho ngôi nhà có thể sập bất cứ lúc nào.
"Của bền tại người"
Bên cạnh những biệt thự có nhiều hộ dân cùng sinh sống trong tình trạng “cha chung không ai khóc” khiến cho ngôi nhà xuống cấp, có thể sập bất cứ lúc nào, tại Hà Nội vẫn còn rất nhiều biệt thự nguyên bản, không bị cơi nới, cắt xén kết cấu, chất lượng vẫn làm cho người ở yên tâm.
Gia đình bác Hợp sống trên tầng 2 căn biệt thự ở phố Quán Thánh cho biết, theo tiêu chuẩn cán bộ cấp cao, gia đình bác và gia đình ở tầng 1 được Nhà nước giao quyền sử dụng ngôi nhà đã hơn 40 năm.
Từ khi được sử dụng đến nay, cả hai gia đình vẫn tôn trọng nguyên vẹn thiết kế, không cơi nới, cắt xén kết cấu của tòa nhà. Vì thế, hơn 40 năm qua, gia đình chỉ mất vài lần sửa chữa nhỏ trên mái của tòa biệt thự, còn toàn bộ ngôi nhà, từ tường gạch, cửa sổ, cửa đi, cầu thang, hệ thống thoát nước vẫn sử dụng bình thường.
Hay biệt thự số 101 phố Trần Hưng Đạo, do Viện Khoa học và Giáo dục Việt Nam (Bộ GD&ĐT) sử dụng, dù đã hơn 110 tuổi, nhưng vẫn vững chắc.
Theo tìm hiểu, Viện Khoa học và Giáo dục Việt Nam được Nhà nước giao sử dụng ngôi nhà này từ cuối năm 1961, tiếp quản tòa nhà từ Ủy ban Quân quản Hà Nội. Từ đó đến nay, ngôi nhà chỉ duy nhất có một lần sửa chữa là đảo lại ngói và làm lại trần, thời điểm sửa chữa cũng cách đây hơn 20 năm.
Từ khi được giao sử dụng, Viện tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc sử dụng ngôi nhà, đó là không cơi nới thêm các phòng làm việc, không can thiệp vào kết cấu ngôi nhà. Điều này đã giúp cho ngôi nhà vừa giữ nguyên được nét cổ kính vừa duy trì được khả năng chống chịu tốt trong mùa mưa bão.
Đánh giá về chất lượng ngôi nhà, đại diện Viện Khoa học và Giáo dục Việt Nam cho biết với hiện trạng ngôi nhà, mùa mưa không bị ẩm, mùa nồm không bị sũng nước, kết cấu mái vẫn vững chắc, ngôi nhà còn có giá trị sử dụng hàng chục năm nữa.
Đặc biệt, nhà cổ 87 Mã Mây, một trong 14 ngôi nhà cổ được xây dựng khoảng cuối thế kỷ 19, là một trong số ít những ngôi nhà được TP. Hà Nội bảo tồn và gìn giữ làm điểm tham quan, triển lãm, cung cấp thông tin về lịch sử Hà Nội, cho đến nay, mọi kết cấu về kiến trúc, vật liệu xây dựng (bằng gỗ), tới đồ vật sinh hoạt đều được giữ nguyên trạng.
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Chính phủ
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: