Top

Sóng ngầm săn quỹ đất của các đại gia bất động sản

Cập nhật 29/04/2016 08:51

Có thể nói, chưa lúc nào, hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A), liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp địa ốc phía Nam lại diễn ra mạnh mẽ như hiện nay. Bên cạnh những thương vụ M&A dự án đã được chính thức công bố, trên thị trường đã và đang diễn ra một làn sóng ngầm về “thâu tóm” quỹ đất của các đại gia.


Các khu đất nằm ở “vị trí vàng” luôn thuộc sở hữu của các đại gia bất động sản. Ảnh: Lê Toàn

M&A dự án: Nước chảy chỗ trũng

Trong bối cảnh thị trường bất động sản đang khởi sắc, dư địa phát triển còn nhiều và quỹ đất ngày càng eo hẹp, thì với các doanh nghiệp bất động sản chuyên nghiệp, có tiềm lực tài chính, việc sở hữu quỹ đất nhằm phục vụ cho chiến lược phát triển dài hơi luôn là bài toán phải trăn trở.

Chính vì lẽ đó, thời gian qua, cùng với việc phát triển dự án đang có, nhiều doanh nghiệp không ngừng đẩy mạnh hoạt động săn tìm quỹ đất mới. Song như “nước chảy chỗ trũng”, dù hoạt động M&A diễn ra sôi động, nhưng phần lớn các dự án chủ yếu thuộc về tay cho các “đại gia” bất động sản chuyên nghiệp như Novaland, Hưng Thịnh, Đất Xanh, Him Lam, Khang Điền, Thủ Đức House, Sacomreal…

Mỗi doanh nghiệp có một chiến lược săn tìm dự án khác nhau, tùy theo định hướng phát triển của mình. Chẳng hạn, với Tập đoàn Novaland, chiến lược trọng tâm mà doanh nghiệp này nhắm đến là săn tìm quỹ đất “vàng” ở các vị trí trung tâm TP. HCM để phát triển dòng sản phẩm hạng sang và cao cấp. Chỉ tính trong vòng 2 năm qua, Novaland đã thâu tóm hàng chục dự án lớn. Ngoài 25 dự án đã được công bố hồi cuối năm ngoái, nguồn tin chúng tôi biết được, dù chưa chính thức công bố, song Novaland đang tiếp tục tham gia phát triển nhiều dự án “đất vàng” khác. Trong đó, có dự án khu đất vàng 6.000 m2 ở số 2-4-6 Hai Bà Trưng, ngay mặt tiền Công trường Mê Linh, 3 mặt còn lại được bao bọc bởi đường Hai Bà Trưng - Đông Du - Thi Sách, quận 1, TP. HCM.

Đây là khu đất do Tổng công ty Rượu bia và nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) sử dụng hàng chục năm qua. Trước đó, khu đất này UBND TP. HCM giao cho Sabeco và tổng công ty này đã lên kế hoạch xây dựng khu phức hợp khách sạn 6 sao.


Ngoài dự án nói trên, theo nguồn tin của phóng viên, Novaland đang chuẩn bị công bố thêm 2 dự án khác có vị trí rất đắc địa tại khu vực lõi trung tâm Thành phố. Cụ thể là dự án tại số 15 Thi Sách, quận 1 có tên Madison, có diện tích 2.362 m2 và dự án tại 136 Lý Chính Thắng, quận 3, dự kiến có tên thương mại là The Century. Cùng với các dự án này, theo theo đại diện của Tập đoàn Novaland, đến thời điểm hiện nay, Công ty đã chính thức là nhà phát triển của 30 dự án tại TP. HCM.

Nếu như Novaland có chiến lược săn quỹ đất tập trung ở khu vực trung tâm, thì với Tập đoàn Hưng Thịnh, chiến lược săn dự án lại nhắm vào nhu cầu thực của thị trường với sự đa dạng các phân khúc. Chưa tiết lộ chi tiết, song nguồn tin từ Hưng Thịnh cho biết, tập đoàn này vừa mua lại thành công thêm 10 dự án ở TP. HCM, dự kiến sẽ chính thức công bố ra thị trường trong thời gian tới. Như vậy, những dự án này đã góp phần nâng tổng số dự án bất động sản mà Hưng Thịnh đang đầu tư phát triển vượt con số 20.

 Có một sự khác biệt trong câu chuyện thâu tóm dự án hiện nay so với giai đoạn trước đây. Trước đây, nhiều doanh nghiệp thâu tóm dự án có thể để triển khai hoặc thực hiện cho mục đích “găm hàng”, thì hiện nay, việc săn quỹ đất nhằm mục tiêu phát triển dự án khá rõ ràng.
 

Theo ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh, mục tiêu kiên định của Công ty trong phát triển dự án là phải đảm bảo chất lượng, đáp ứng đúng nhu cầu thật. Sau thành công từ hàng loạt dự án và đặc biệt là các dự án nằm trong chuỗi căn hộ 8X, hiện Hưng Thịnh có trong tay hàng chục héc-ta quỹ đất để phát triển các dự án căn hộ. Theo kế hoạch, trong năm 2016, Hưng Thịnh sẽ giới thiệu ra thị trường hàng loạt dự án căn hộ và đất nền hộ có mức giá hợp lý, gần nhất là đầu tháng 5 tới, Hưng Thịnh sẽ công bố một dự án căn hộ đẳng cấp tại Khu dân cư Trung Sơn thuộc khu Nam Sài Gòn.

Ngoài 2 đại gia Novaland, Hưng Thịnh, những tên tuổi có hoạt động săn quỹ đất mạnh thời gian qua phải kể đến như Thuduc House, Đất Xanh, Sacomreal, An Gia…

Với An Gia, theo kế hoạch, ngày 25/4, An Gia Investment và Quỹ Đầu tư Creed Group (Nhật Bản), cùng CTCP Phát triển bất động sản Phát Đạt sẽ ra mắt dự án River City (quận 7, TP. HCM). Đây là dự án có vốn đầu tư lên đến 500 triệu USD, hứa hẹn sẽ phát triển dự án thành một trung tâm đô thị kiểu mẫu tại Nam Sài Gòn. Điều đáng nói, chỉ khoảng hơn 1 năm trước đây, cái tên An Gia được biết đến khá mờ nhạt với hoạt động chính chỉ đơn thuần là môi giới. Vậy nhưmg gần đây, An Gia đã lớn mạnh nhanh và liên tục thâu tóm nhiều dự án.

Với Tập đoàn Đất Xanh, cuối năm 2015, tập đoàn này đã chính thức mua lại hàng loạt dự án và chính thức là nhà phát triển của 20 dự bất động sản tại nhiều khu vực khác nhau như Opal Riverside (quận Thủ Đức), Luxcity (quận 7), Auris City (quận 8), Cara Riverview (quận 8), Polaris Riverview (quận Thủ Đức), Zen Riveside (quận Thủ Đức), Venice City (quận 2), The Palm City (quận 9), Square Plaza (quận 8), Greeny Riverview (quận 7)… Riêng từ đầu năm 2016 đến nay, Đất Xanh tiếp tục thâu tóm thêm nhiều dự án mới, trong đó có dự án chung cư - văn phòng - trung tâm thương mại có vị trí mặt tiền đường Phạm Văn Đồng, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP. HCM…

Chiến lược hậu thâu tóm dự án

Có một sự khác biệt trong câu chuyện thâu tóm dự án hiện nay so với giai đoạn trước đây. Trước đây, nhiều doanh nghiệp thâu tóm dự án có thể để triển khai hoặc thực hiện cho mục đích “găm hàng”, đón đầu cơ hội buôn quỹ đất, còn hiện nay, theo ghi nhận của Đầu tư Bất động sản, việc săn quỹ đất nhằm mục tiêu phát triển dự án khá rõ ràng. Minh chứng cho cầu chuyện này có thể dẫn chứng từ các doanh nghiệp như Novaland, Hưng Thịnh, An Gia, Đất Xanh… Phần lớn các dự án sau khi được các doanh nghiệp mua lại đã nhanh chóng được đầu tư xây dựng. Hiện trên địa bàn TP.HCM, đâu đâu cũng có thể nhận thấy hoạt động xây dựng rầm rộ tại công trình hàng loạt dự án của các doanh nghiệp này.

Sự chuyên nghiệp của các doanh nghiệp lớn trong mục tiêu phát triển đã trở thành “đầu tàu” cho một xu hướng, một tâm thế phát triển mới của nhiều doanh nghiệp địa ốc khác. Sau thời gian dài “án binh”, mới đây Công ty Sacomreal đã chính thức quay trở lại thị trường với một tâm thế hoàn toàn khác. Ngoài việc công bố “bắt tay” với 20 đối tác trong nhiều lĩnh vực liên quan đến việc phát triển dự án, Sacomreal cũng đã công bố hàng loạt dự án mới với chiến lực kinh doanh rõ ràng.

Theo đó, chiến lược của Sacomreal trong năm 2016 là sẽ phát triển 7 dự án, đồng thời phân chia dòng sản phẩm chuyên biệt đáp ứng 3 phân khúc khách hàng khác nhau là trung bình, trung bình khá và cao cấp. Ở phân khúc cao cấp có dòng sản phẩm Charmington, ở phân khúc phức hợp có dòng sản phẩm mang thương hiệu Jamona và phân khúc tầm trung là chuỗi dự án mang thương hiệu Carillon.

Theo ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội đồng sáng lập Sacomreal, tùy vào vị trí dự án, sẽ lựa chọn phân khúc phát triển phù hợp với nhu cầu thị trường.

Trong khi đó, Hưng Thịnh lại chọn cho mình hướng đi tập trung vào dòng sản phẩm phục vụ chính cho nhu cầu thật và đón đầu xu hướng hạ tầng. Với Him Lam, một trong số ít doanh nghiệp có quỹ đất lớn ở TP. HCM chọn hướng phát triển sự án không chạy đua theo thị trường, không vội mua hay bán khi thị trường đang lên, mà cách làm của Him Lam Land là có thể chậm nhưng chắc.

“Tôn chỉ kinh doanh của Him Lam là hướng đến sản phẩm tốt nhất, giữ đúng cam kết với khách hàng. Dự án của Him Lam phát triển không nhắm vào nhu cầu đầu cơ, mà chủ yếu nhu cầu thật với mục tiêu xuyên suốt hướng đến là hình thành những dự án, những khu dân cư thật sự có giá trị bền vững”, ông Ngô Quang Phúc, Phó tổng giám đốc CTCP Đia ốc Him Lam nhấn mạnh.      



DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản