Top

Những cái bắt tay làm nóng thị trường địa ốc

Cập nhật 28/04/2016 09:01

Làn sóng mua bán, chuyển nhượng hoặc liên doanh liên kết được thị trường gọi chung bằng cái tên M&A giữa các doanh nghiệp trong việc phát triển dự án bất động sản thời gian qua như một làn gió mới thổi vào thị trường địa ốc.


Những dự án bê trễ được tiếp thêm sinh khí mới hoặc những dự án đang triển khai một cách bình lặng trở nên sống động hơn với sự tham gia của các nhà đầu tư tiềm lực.

Theo giới chuyên môn, những cái bắt tay này không chỉ giúp cho lượng hàng tồn kho bất động sản tại TP. HCM giảm mạnh, mà còn góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo của Thành phố.

Đổi thay từ những cuộc M&A…

Những năm trước đây, thời điểm thị trường bất động sản còn gặp nhiều khó khăn, khắp nơi ở TP. HCM đâu đâu cũng có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh hàng loạt dự án bất động sản xây dựng dở dang bị “trùm mền” hoặc những dự án ngổn ngang chưa được xây dựng. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, bộ mặt đô thị của TP. HCM đã có nhiều sự thay đổi, trong sự thay đổi đó có câu chuyện của hàng loạt dự án bất động sản từng bị trùm mền trước đây được “hồi sinh” nhờ những cuộc chuyển giao dự án từ các chủ đầu tư  không đủ năng lực triển khai sang cho các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính vững vàng và chuyên nghiệp.

Sau “cái bắt tay” hồi đầu năm giữa An gia Investment, Quỹ Đầu tư Creed Group (Nhật Bản) và Công ty Bất động sản Phát Đạt trong việc triển khai dự án River City (quận 7, TP. HCM), ngày 25/4, liên doanh này chính thức công bố hình thức đầu tư của dự án. Với tổng vốn đầu tư lên đến 500 triệu USD, dự án River City ra mắt lần này với một cuộc “lột xác” hoàn toàn trong thiết kế của dự án. Điểm nhấn đáng chú ý nhất của dự án là liên doanh này sẽ xây dựng biển đảo nhân tạo ngay trong dự án.

Với diện tích hơn 1ha, được lấy cảm hứng từ quần đảo nhân tạo “World Island” nổi tiếng tại Dubai, công trình được tái hiện như một bãi biển thực sự giữa lòng thành phố. Như vậy, đây là lần đầu tiên một dự án bất động sản tại Việt Nam xây dựng một khu bãi biển ngay trong lòng dự án để phục vụ cư dân.

Ngoài biển nhân tạo, chủ đầu tư còn đưa vào khu căn hộ 98 tiện ích khác, trong đó có 3 tiện ích độc đáo lần đầu xuất hiện tại Việt Nam như: Quảng trường nước và ánh sáng, Đường hoa đi bộ trên không, Hồ bơi thác nước hai tầng...

Tất cả những tiện ích này đều được lấy cảm hứng từ những công trình nổi tiếng trên thế giới với tổng kinh phí đầu tư lên đến 20 triệu USD.

Bộ mặt thực sự của dự án này vẫn còn nằm ở thì tương lai. Tuy nhiên, sự đổi thay khởi đầu từ câu chuyện hợp tác, liên kết ở dự án hứa hẹn sẽ góp phần làm thay đổi diện mạo mới cho khu vực Nam Sài Gòn. Bởi lẽ, dự án River City trước đây chính là dự án The Everich 2 do Công ty Phát Đạt làm chủ đầu tư với tham vọng ban đầu của công ty này là sẽ phát triển dự án này thành một dự án cao cấp, nhưng “lực bất tòng tâm”, Phát Đạt đã không đủ sức thực hiện, nên dự án đã bị bất động khá nhiều năm. Và nếu không có sự vào cuộc của An Gia và Quỹ đầu tư Creed Group, có lẽ dự án này sẽ vẫn còn “ngủ yên”.

Có lẽ góp phần làm đổi thay diện mạo đô thị của TP. HCM được thể hiện rõ nhất từ câu chuyện M&A các dự án bất động sản của những ông chủ giàu tiềm lực như Novaland, Hưng Thịnh, Đất Xanh, Him Lam, Khang Điền...

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành đã từng ví von, có thể xem Novaland và Hưng Thịnh là những “người hùng” của thị trường bất động sản, đặc biệt là với thị trường trong giai đoạn khó khăn. Bởi theo ông Đực, nếu không có 2 doanh nghiệp này, thị trường bất động sản TP. HCM đến giờ vẫn còn hàng loạt dự án “đắp chiếu”, hàng tồn kho chất đống.

Quả thực, trong vài năm trở lại đây, Novaland và Hưng Thịnh đã làm “hồi sinh” rất nhiều dự án bất động sản từ việc mua lại dự án hoặc liên doanh, liên kết. Hàng loạt dự án, trong đó có nhiều dự án của những doanh nghiệp tên tuổi một thời như Hoàng Anh Gia lai, Quốc Cường Gia Lai, Intreco, Savico, Hưng Phú, Công ty WASECO, Công ty PIST... đã lần lượt được chuyển giao về cho các “đại gia” chuyên nghiệp như Novaland, Hưng Thịnh, Him Lam, Đất Xanh… và từng bước được đầu tư xây dựng bài bản, tung sản phẩm ra thị trường.

Một dẫn chứng từ con đường Phổ Quang nối liền 2 quận Tân Bình và Phú Nhuận, trước đây dọc hai bên đường vẫn còn khá nhiều bãi đất trống hoặc nhà xưởng ngổn ngang. Còn hiện nay con đường này đã trở thành cung đường lý tưởng cho các dự án bất động sản mọc lên, trong đó Novaland và Hưng Thịnh là chủ nhân chính thức của các dự án này.

Theo công bố mới đây nhất của Novaland, đến nay doanh nghiệp này đã chính thức bàn giao đúng tiến độ hơn 6.000 căn hộ, đưa 7 công trình nhà ở đi vào sử dụng, tạo cơ hội “an cư phát nghiệp” cho hàng vạn người dân TP. HCM. Tương tự, Hưng Thịnh đến nay đã làm “hồi sinh” hàng chục dự án, giải quyết nhu cầu nhà ở cho hàng vạn người dân có nhu cầu về nhà.

…Và kỳ vọng sự trở lại của “Hòn ngọc Viễn Đông”

Thời gian qua, thị trường bất động sản TP. HCM đã chứng kiến những cuộc “thay tên, đổi chủ” khá mạnh mẽ. Thậm chí, đã có những lo ngại về việc các thương vụ “thâu tóm” dự án sẽ làm méo mó thị trường bất động sản. Song theo phân tích của giới chuyên môn, đây là những cuộc chuyển giao cần thiết và mang tính tất yếu, giúp thị trường bất động sản phát triển tốt hơn và đặc biệt là giải quyết được lượng hàng tồn kho còn khá lớn.

Theo báo cáo mới đây nhất về thực trạng thị trường bất động sản của Hiệp hội Bất động sản TP. HCM, cho biết, toàn TP. HCM hiện có 1.219 dự án với quy mô 4.921 ha, 315.506 căn nhà. Trong đó, có 549 dự án đã hoàn thành với 78.140 căn nhà; 584 dự án đang triển khai đầu tư, gồm 353 dự án đang thực hiện thủ tục đầu tư; 231 dự án đã khởi công xây dựng, trong đó có 51 dự án đang ngưng thi công với quy mô 28.312 căn; và có đến 86 dự án hết hạn công nhận chủ đầu tư. Như vậy, có đến 137 dự án tạm ngưng thi công hoặc hết hạn công nhận chủ đầu tư, chiếm 11,2% tổng số dự án.

"Nếu không có những doanh nghiệp thực sự chuyên nghiệp, thì sẽ không có những khu đô thị, dự án được mọc lên một cách bài bản, đồng bộ" - Ông lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM.
 

Ông lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM nhận định, đây là nguồn hàng hóa dự án tiềm năng cho thị trường mua bán, chuyển nhượng dự án, nếu có chính sách và cơ chế phù hợp. Bên cạnh đó, còn có 52 dự án chưa thể triển khai được do vướng khâu giải phóng mặt bằng  cũng là phần chìm của tảng băng hàng tồn kho trên thị trường bất động sản cần phải có giải pháp hợp lý, trong đó, M&A dự án được xem là một giải pháp quan trọng hàng đầu.

Về phía các doanh nghiệp, theo ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh, hoạt động M&A diễn ra càng mạnh mẽ sẽ càng góp phần tạo sự phát triển ổn định cho thị trường bất động sản và kinh tế vĩ mô. Bởi lẽ, hoạt động M&A có thể được hiểu là sự điều chuyển các dự án từ những doanh nghiệp không có nhu cầu hoặc thiếu tính chuyên nghiệp sang các doanh nghiệp chuyên nghiệp, mạnh về tài chính để triển khai, tránh tình trạng dự án bị đắp chiếu, hàng tồn kho gia tăng.

Còn theo ông Lê Hoàng Châu, những sự chuyển giao này là cần thiết, không chỉ làm tăng tính thanh khoản thị trường, giúp giảm hàng tồn kho và phục hồi niềm tin thị trường, mà còn là điều kiện cần để thay đổi bộ mặt đô thị TP. HCM.

“Nếu không có những doanh nghiệp thực sự chuyên nghiệp, thì sẽ không có những khu đô thị, dự án được mọc lên một cách bài bản, đồng bộ”, ông Châu nói và dẫn chứng, nhiều năm trước, TP. HCM có khá nhiều dự án từng bị “trùm mền” hàng năm trời, nhưng chính nhờ sự chuyển giao trên thị trường đã biến những dự án “trùm mền” thành những khu dân cư hiện đại và đó là xu hướng phát triển tất yếu để TP. HCM - Sài Gòn trở lại vị trí “Hòn ngọc Viễn Đông” như kỳ vọng của lãnh đạo Thành phố.



DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản