Top

Siết vốn lên thị trường BĐS: Siết hy vọng mua nhà của người thu nhập thấp

Cập nhật 06/03/2016 07:53

Ngoài lo ngại của giới đầu tư kinh doanh BĐS trước dự thảo sửa đổi Thông tư 36, những nội dung này còn được cho là có ảnh hưởng và tác động mạnh mẽ gây lãng phí lực lượng lao động phổ thông làm việc cho các nhà thầu xây dựng và nhà cung cấp vật liệu xây dựng trên phạm vi cả nước. Đồng thời, “siết” chặt hơn giấc mơ sở hữu nhà của người lao động có thu nhập thấp.

Ảnh minh họa.

Lãng phí lực lượng lao động phổ thông ngành xây dựng

Trao đổi với phóng viên Báo Xây dựng, Ông Lê Viết Hải, Tổng Giám đốc Cty Cổ phần Xây dựng và Kinh doanh địa ốc Hoà Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC) nêu quan điểm: NHNN không nên đưa ra quy định sửa Thông tư 36 hạn chế như vậy. Thị trường BĐS phát triển là dấu hiệu tốt cho nền kinh tế. Nhu cầu về nhà ở tại thành phố lớn chưa theo kịp tốc độ đô thị hoá và thực sự là nhu cầu rất bức xúc trong nhiều năm nữa. Nếu triển khai tốt thị trường BĐS tạo ra nhiều công ăn việc làm bao gồm công nhân xây dựng tại các công trường dự án và cả công nhân làm việc tại các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng, nội thất, ngoại thất. Nếu siết vốn lên thị trường này hệ quả kéo theo là kìm hãm sự phát triển và lãng phí lớn lực lượng sản xuất. Năng xuất sản xuất bị dư thừa, lao động phổ thông thiếu việc làm, thiếu thu nhập.

Ông Hải cho rằng: “NHNN nên hạn chế tối đa việc can thiệp vào sự vận động chung của nền kinh tế thị trường. Các ông chủ của Ngân hàng biết cách giữ tiền nên để họ tự có phương án kiểm tra, thẩm định, đánh giá mức độ rủi ro mà ra quyết định đối với từng dự án theo đúng khả năng thực tế của từng chủ đầu tư. NHNN không nên đánh giá và áp đặt hạn mức cố định theo công thức chung. Còn người dân khi họ vay thì họ đã phải chứng minh khả năng trả nợ và có tài sản đảm bảo nên người dân sẽ tìm mọi cách trả nợ đúng hạn. Mấu chốt của việc là khi người dân có chốn an cư thì nhà nước đã giải quyết được nhu cầu an sinh xã hội, nâng cao năng suất lao động, tạo hiệu quả làm việc cao hơn”.

Giấc mơ mua nhà xa tầm với của người thu nhập thấp

Số liệu từ Viện nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng cho thấy, hiện nay cả nước có 295 Khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích 84.000 ha, trong đó có 212 KCN đã đi vào hoạt động và 83 KCN đang trong giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ bản. Các KCN trên cả nước hiện có trên 2,2 triệu công nhân trực tiếp đang làm việc. Tuy nhiên, mới chỉ có khoảng 20% công nhân lao động có chỗ ở ổn định, 80% công nhân đang phải thuê nhà trọ, chỗ ở tạm bợ quanh KCN. Còn tại các đô thị lớn, không hiếm thấy cảnh rất nhiều gia đình trẻ có điều kiện sinh hoạt vô cùng bất ổn, diện tích bình quân từ 10-15m2/người, thiếu ánh sáng mặt trời, ẩm thấp, chật chội; vệ sinh, môi trường không đảm bảo, thiếu điều kiện về an ninh, môi trường học tập và chăm sóc sức khoẻ cho thế hệ tương lai…

Hiện gói 30 nghìn tỷ đồng chỉ còn khoảng trên 10% và chỉ đến 31/6/2016 là hết hạn cho vay. Gói tín dụng mới nếu được xây dựng theo lộ trình cũng phải mất từ một đến hai năm mới đi vào thực tiễn. Nhà ở thương mại nếu vừa không được hưởng ưu đãi từ vốn ngân hàng vừa không được hưởng hiệu ứng đôminô từ sự phát triển của BĐS trung, cao cấp thì rõ ràng giấc mơ về chốn an cư ngày càng xa tầm tay với.

Với tín hiệu rõ ràng của NHNN siết tín dụng lên thị trường BĐS, đối chiếu với mệnh đề nguyên nhân - kết quả đồng nghĩa với việc chính sách này siết luôn cả hy vọng mua nhà của người thu nhập thấp khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp.

“Hết vốn mồi” là xong nhiệm vụ?

Theo đại diện NHNN, chính sách tiền tệ không phải là biện pháp duy nhất để thúc đẩy thị trường BĐS phát triển. Hiện nay, khi thị trường đã qua giai đoạn khó khăn nhất, đã thu hút được các nguồn vốn khác tốt hơn, nguồn tín dụng đã hoàn tất vai trò “vốn mồi” của mình. Vì vậy, cần có chính sách để hạn chế dần nguồn vốn này và gia tăng các nguồn vốn khác vào, điển hình như tiền nhàn rỗi từ dân cư, vốn đầu tư nước ngoài hay kiều hối. "Đối với thị trường BĐS, thông tư 36 là các yếu tố rất nhỏ, cần có những chính sách khác để điều tiết thị trường. Nếu tất cả vấn đề tốt xấu của thị trường BĐS đều đổ cho Thông tư 36 thì có tội quá!

Thị trường BĐS muốn phát triển tốt, ổn định dài hạn cũng cần có sự tham gia và phối hợp cùng nhiều biện pháp chính sách khác như tài khóa, thuế, đất đai…” – ông Phạm Huyền Anh, Phó Chánh Thanh tra NHNN giải thích.

Tuy nhiên, trái ngược với quan điểm của đại diện NHNN, ông Trần Minh Hải, Giám đốc Cty Luật Basico khẳng định: Về mặt giải pháp, tôi cho rằng Thông tư 36 sửa đổi không phải là giải pháp hiệu quả để hạn chế tình trạng bóng bóng BĐS vì thị trường về tổng thể chưa có hiện tượng bong bóng. Cách triển khai nội dung cũng như thời điểm triển khai cho thấy tính chất áp đặt khá giật cục của Thông tư này khi gây sốc cho thị trường.

Bên cạnh đó, giới chuyên gia và các nhà đầu tư kinh doanh BĐS, Hiệp hội BĐS Việt Nam, Hiệp hội BĐS TP HCM đều có văn bản kiến nghị chưa sửa đổi Thông tư 36 theo dự thảo vì những tác động tiêu cực đến thị trường BĐS và cả nền kinh tế. NHNN tuy thể hiện sự cầu thị lắng nghe các ý kiến đóng góp của hiệp hội ngành nghề, cơ quan bộ ngành liên quan, sẽ đánh giá thẩm định dựa trên hệ thống dữ liệu thông tin cam kết sẽ điều chỉnh có lộ trình nhưng có chỉnh sửa hay giữ nguyên vẫn còn là điều còn phải chờ đợi.


DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây dựng