Top

Siết tín dụng bất động sản: Doanh nghiệp cần thời gian

Cập nhật 26/02/2016 10:52

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NHNN theo hướng siết van tín dụng và tăng hệ số rủi ro trong cho vay bất động sản (BĐS). Có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh điều khoản sửa đổi này, bởi nó tác động không nhỏ đến thị trường BĐS vừa mới hồi phục.

Dự thảo sửa đổi Thông tư 36 được cho là sẽ tác động mạnh đến thị trường bất động sản.

Chính sách cần phải nhìn xa

Dự thảo sửa đổi Thông tư 36 quy định các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn theo tỷ lệ tối đa là 40% và xếp các khoản phải đòi để tính BĐS vào nhóm tài sản có hệ số rủi ro 250%. Trước đó, Thông tư 36 có hiệu lực từ ngày 1-2-2015 tại Khoản 5, Điều 17 quy định tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn là 60% và xếp BĐS vào nhóm tài sản có hệ số rủi ro 150%.

Theo ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Xây dựng Lê Thành, Thông tư 36 về dài hạn sẽ có tác dụng tốt cho thị trường BĐS dù trước mắt sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực này. "Chính sách là phải có tầm nhìn xa và việc sửa đổi Thông tư 36 là nên làm", ông Nghĩa nói. Ông Nghĩa lý giải, dù thị trường đang phát triển tốt nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro từ nguy cơ mất cân đối nguồn cung khi các DN đang tung ra quá nhiều dự án ở phân khúc trung và cao cấp, trong khi đa phần nhu cầu thật lại tập trung ở phân khúc trung bình và thấp.

Cùng ý kiến, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cho rằng, vốn vào lĩnh vực BĐS nên chảy đúng chỗ. Tuy nhiên, theo ông Đực thì ngân hàng không nên áp dụng tỷ lệ cho vay và hạn mức rủi ro cho tất cả các phân khúc BĐS mà nên chia làm 3 phân khúc để áp dụng. Theo đó, với phân khúc nhà ở xoay quanh giá 1 tỷ đồng thì nên quy định tỷ lệ sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn là 60% và xếp vào nhóm tài sản có hệ số rủi ro 150% như cũ; với phân khúc xoay quanh giá 2 tỷ đồng/căn thì con số này lần lượt là 50% và 200%; riêng với phân khúc nhà ở có giá từ 3 tỷ đồng trở lên thì áp dụng con số lần lượt 40% và 250%.

Cần thời gian để điều chỉnh chiến lược

Ông Lương Sỹ Khoa, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển BĐS An Gia cho rằng, Thông tư 36 chắc chắn có ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án, vì hầu hết các DN kinh doanh BĐS đều phải dựa vào nguồn vốn ngân hàng, kể cả người mua cũng dùng nguồn vốn này. Trong kế hoạch kinh doanh của mình, An Gia đã có các bước chủ động nguồn vốn và khách hàng nên điều khoản sửa đổi trong Thông tư 36 sẽ không gây ảnh hưởng lớn. Theo đó, An Gia huy động vốn từ nhiều nguồn và việc hợp tác toàn diện với Quỹ Đầu tư Creed Group (Nhật Bản) cũng giúp công ty có nguồn tiềm lực chính mạnh thay vì phụ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn ngân hàng.

"Thời gian qua một số DN BĐS lớn đã đi theo hướng giảm phụ thuộc vào nguồn vốn ngân hàng. Ngân hàng chỉ là một trong những kênh huy động dòng tiền bên cạnh nguồn vốn từ các quỹ đầu tư, quỹ tín thác BĐS, nguồn vốn từ thị trường chứng khoán...", Tổng Giám đốc một công ty BĐS lớn trên địa bàn TP Hồ Chí Minh nhận xét. Dù vậy, hầu hết các DN BĐS đều cho rằng, Nhà nước thay đổi chính sách thì phải có thời gian cho DN và kể cả ngân hàng chuẩn bị, không nên quá gấp ảnh hưởng đến chiến lược đầu tư dài hạn đã được tính toán từ năm 2015.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh (HoReA) cũng kiến nghị NHNN chưa sửa đổi Thông tư 36 bởi Thông tư này chỉ mới thực hiện được một năm và đã có tác động tích cực, góp phần giúp cho nền kinh tế, trong đó có thị trường BĐS phục hồi và tiếp tục đà tăng trưởng mạnh trong năm 2015, giải quyết được nhu cầu vốn cho DN, nhà đầu tư và hỗ trợ tín dụng cho người tiêu dùng tạo lập nhà ở. Nếu sửa đổi Thông tư 36, ông Châu cho rằng, nên quy định tỷ lệ sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tối đa là 50%. HoReA cũng đề nghị vẫn xếp các khoản phải đòi để kinh doanh BĐS vào nhóm tài sản có hệ số rủi ro 150% như cũ.

DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội mới