Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang |
Đây là một trong những vấn đề trọng tâm được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang nhấn mạnh trong cuộc trả lời phỏng vấn chiều 23/8.
* Thưa Bộ trưởng, với mục tiêu nâng cao vai trò và giá trị đóng góp của ngành cho thu ngân sách và tăng trưởng kinh tế của đất nước, từ gần 2 năm nay, ngành tài nguyên và môi trường đã thực hiện chiến lược kinh tế hoá ngành; xin Bộ trưởng cho biết chủ trương này sẽ tiếp tục triển khai thực hiện như thế nào trong thời gian tới?
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: Tài nguyên và các giá trị của môi trường có vai trò hết sức quan trọng trong quá trình phát triển đất nước. Với một nền kinh tế đang được xem là dựa nhiều vào khai thác tài nguyên, đóng góp của lĩnh vực này cho tăng trưởng kinh tế cũng như thu ngân sách nhà nước để tái đầu tư phát triển có ý nghĩa mang tính quyết định.
Trong đề án mà Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn đến năm 2013, về cơ bản hình thành được cơ sở lý luận và thực tiễn, xây dựng được khung chính sách tổng thể, lộ trình và kế hoạch thực hiện. Giai đoạn 2014 – 2020, Bộ sẽ tập trung xây dựng và thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể với mục tiêu đổi mới toàn diện cơ chế quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đồng bộ với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xóa bỏ cơ chế “xin - cho”. Đây là một vấn đề lớn, có tính chiến lược, liên quan tới nhiều bên và nhiều yếu tố, cần có sự ủng hộ, đồng thuận của các Bộ, ngành, địa phương nên cần phải có thời gian nhất định để thực hiện các nội dung đề ra.
* Thưa Bộ trưởng, mới đây một số nhà khoa học có ý kiến đề nghị Chính phủ nên có chính sách khen thưởng xứng đáng cho việc sử dụng tiết kiệm, hợp lý khoáng sản và có chế tài xử phạt nghiêm khắc các hành vi vi phạm, lãng phí, thất thoát tài nguyên khoáng sản trong hoạt động khoáng sản. Ông nghĩ như thế nào về vấn đề này?
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: Để thực hiện chính sách khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả, khoáng sản, Luật Khoáng sản vừa được Quốc hội thông qua năm 2010 đã có nhiều quy định cụ thể để bảo đảm thực hiện trong các khâu lập chiến lược, quy hoạch khoáng sản; thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản. Theo đó Nhà nước khuyến khích dự án đầu tư khai thác khoáng sản gắn với chế biến, sử dụng khoáng sản để làm ra sản phẩm kim loại, hợp kim hoặc các sản phẩm khác có giá trị và hiệu quả kinh tế - xã hội. Chính sách này sẽ khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư chế biến sâu, hạn chế sử dụng ở dạng nguyên liệu thô.
Như vậy, về cơ sở pháp lý, Luật Khoáng sản đã có nhiều quy định cụ thể để bảo đảm khoáng sản được khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả và chắc chắn chúng ta sẽ có chế tài xử phạt nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm.
Ngoài việc xử lý tội phạm trong lĩnh vực khoáng sản theo quy định của Bộ luật Hình sự, hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang hoàn thiện để trình Chính phủ dự thảo Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản để mức xử phạt các hành vi vi phạm được nâng lên đủ mức ngăn chặn các hành vi vi phạm trong lĩnh vực khoáng sản.
Bên cạnh chế tài xử phạt nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật thì việc biểu dương, khen thưởng xứng đáng, kịp thời cho việc sử dụng, hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả khoáng sản là việc làm cần thiết.
* Thưa Bộ trưởng, cùng với tài nguyên khoáng sản thì tài nguyên đất đai là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, vậy theo Bộ trưởng thì cần có giải pháp nào để phát huy hơn nữa nguồn lực này trong giai đoạn tới?
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: Để khai thác nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội, theo tôi trước mắt cần phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như: Tiếp tục hoàn thiện chính sách đất đai phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương tổng kết thi hành Luật Đất đai và sửa đổi Luật Đất đai năm 2003. Mục tiêu của lần sửa đổi lần này là phải căn bản, toàn diện góp phần quản lý chặt chẽ, sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Giải pháp thứ 2, tôi muốn nói đến là phải đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch nhằm đảm bảo khai thác hợp lý nguồn tài nguyên đất đai và các nguồn lực phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và địa phương. Thông qua quy hoạch nhà nước sẽ chủ động điều tiết được nguồn cung về đất đai phục vụ các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; điều tiết được giá trị địa tô do nhà nước đầu tư hạ tầng mà có; đồng thời thông qua quy hoạch làm tăng giá trị sử dụng, khả năng sinh lời của đất. Mặt khác phải tăng cường công tác giám sát để quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đi vào cuộc sống.
Ngoài ra thì các giải pháp như tăng cường tạo quỹ đất sạch của Nhà nước để phục vụ đấu giá quyền sử dụng đất tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước; tiến tới xoá bỏ cơ chế “xin - cho” trong giao đất, cho thuê đất cũng là giải pháp hạn chế các tiêu cực, lãng phí trong quản lý và sử dụng đất đai. Hay là giải pháp về cải cách thủ tục hành chính và tăng cường tính công khai minh bạch trong quản lý sử dụng đất đai. Tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng để khuyến khích được các nhà đầu tư trong và ngoài nước yên tâm đầu tư sản xuất, kinh doanh lâu dài tại Việt Nam. Một giải pháp nữa mà Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phải thực hiện là tiếp tục hoàn thiện các công cụ tài chính như thuế và phí nhằm xử lý tình trạng đầu cơ, ôm đất, bỏ hoang đất gây lãng phí nguồn tài nguyên đất đai.
* Trong cuộc họp chuyển giao nhiệm vụ giữa Chính phủ nhiệm kỳ khóa XII và khóa XIII, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo các Bộ trưởng rà soát lại chức năng, nhiệm vụ của Bộ, ngành mình để có thể có điều chỉnh, sửa đổi những quy định, quy chế làm việc cũng như bổ sung chức năng nhiệm vụ mới cần bổ sung để nâng cao hiệu quả hoạt động của các Bộ, ngành. Xin Bộ trưởng cho biết, Bộ dự định sẽ thực hiện chỉ đạo này như thế nào?
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: Trong thời gian qua, ngành tài nguyên và môi trường đã đạt được những thành tựu quan trọng trên tất cả các mặt: xây dựng thể chế; tổ chức thực thi chính sách, pháp luật; kiểm tra, thanh tra; tăng cường năng lực quản lý. Tuy vậy, với những yêu cầu đòi hỏi trong tình hình mới và theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong nhiệm kỳ khóa XIII, tôi sẽ tiếp tục quan tâm chỉ đạo rà soát, đánh giá và giải quyết một số tồn tại để hoàn thiện tổ chức bộ máy của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như của toàn ngành nói chung.
Cụ thể là Bộ sẽ phối hợp với Bộ Nội vụ và các Bộ, ngành có liên quan tiếp tục phân định rõ hơn một số chức năng, nhiệm vụ có thể còn có sự chồng chéo, giao thoa, bỏ sót hoặc chưa hợp lý giữa Bộ TNMT với một số Bộ, ngành khác. Mục đích chính là nâng cao tính hiệu quả, chuyên nghiệp, hiện đại của các tổ chức quản lý các chuyên ngành, bảo đảm thể hiện đúng là ngành, chuyên ngành kinh tế - kỹ thuật và đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính; bảo đảm bộ máy quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường đồng bộ và xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương, cơ sở.
Đối với việc phân công, phân cấp quản lý tôi thấy cũng cần bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và đi đôi với việc tăng cường năng lực, điều kiện thực thi nhiệm vụ, tăng cường kiểm tra, giám sát. Ngoài ra, cần tăng cường quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp dịch vụ công hoạt động trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
Về cơ cấu tổ chức, tới đây Bộ sẽ xem xét tăng cường, củng cố các tổ chức đủ mạnh, đáp ứng yêu cầu tinh gọn, nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả. Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của toàn ngành phải được chú trọng đúng mức để từng bước chuẩn hóa, chuyên nghiệp hóa và hiện đại hóa đội ngũ này, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
* Thưa Bộ trưởng, trả lời một số báo chí khi sau khi nhận cương vị mới là Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông có nói “Tôi tự tin ngồi trên ghế nóng”. Chắc hẳn Bộ trưởng có lý do để khẳng định như vậy trong khi ông biết thực tế những vấn đề bức xúc như đất đai, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu cũng như nhiều lĩnh vực khác mà ngành tài nguyên môi trường quản lý vẫn đang là những vấn đề rất nan giải?
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: Theo tôi, ngành tài nguyên và môi trường là một ngành được xã hội đặc biệt quan tâm trong những năm gần đây. Các lĩnh vực như đất đai, môi trường có liên quan trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp và trong thực tế đã có nhiều bức xúc ở nhiều nơi, thể hiện trên nhiều diễn đàn Quốc hội và sự quan tâm đặc biệt của các cử tri. Trong mấy năm gần đây, vấn đề biến đổi khí hậu và nước biển dâng cũng đã được Chính phủ, người dân rất quan tâm và lo ngại cho sự phát triển bền vững trong tương lai. Vì vậy, có thể nói tôi ngồi trên “ghế nóng” là không sai.
Tôi tự tin nhận trọng trách người đứng đầu một Bộ có nhiều lĩnh vực “nóng” bởi lý do là trong thời gian qua, ngành tài nguyên và môi trường đã tập trung xây dựng được hành lang pháp lý khá đồng bộ. Trên tất cả các lĩnh vực, hệ thống văn bản pháp luật đã được hoàn thiện thêm một bước, tạo nền tảng vững chắc, hành lang pháp lý đồng bộ để điều chỉnh, quản lý mọi hoạt động liên quan đến tài nguyên và môi trường trong xã hội. Công tác thanh tra, kiểm tra được quan tâm đẩy mạnh, giải quyết được nhiều vấn đề vướng mắc ở địa phương. Nhiều vụ việc lớn, nhiều vấn đề môi trường bức xúc, kéo dài được giải quyết dứt điểm.
Một lý do nữa là đội ngũ cán bộ, công chức bao gồm cả các lãnh đạo Bộ, Tổng cục, Cục, Vụ, Viện, Trung tâm và các đơn vị sự nghiệp khác đang từng bước trưởng thành.
Với những tiền đề đã đạt được trong thời gian qua, trong thời gian tới chúng tôi sẽ tập trung tiếp tục hoàn thiện thể chế, các cơ chế, chính sách, pháp luật của ngành tài nguyên và môi trường. Đồng thời, phối hợp tốt với các Bộ, ngành và địa phương để giải quyết tốt những vấn đề bức xúc về đất đai, môi trường, khoáng sản, v.v... Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên và môi trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật.
Chúng tôi sẽ coi nhân dân là “tai mắt” trong quá trình thanh tra, kiểm tra để công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường được hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Ngoài ra, cũng cần phải chú ý tới việc phân công, phân cấp trong quản lý nhằm phát huy được sức mạnh tổng hợp của toàn hệ thống chính trị và của toàn xã hội trong công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường ở nước ta.
Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng.
DiaOcOnline.vn - Theo Website Chính Phủ
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: