Sáng 23/8, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi và Trưởng Ban tổ chức Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng, cùng lãnh đạo các sở, ngành đã làm việc với UBND quận Long Biên để bàn các giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong quá trình đầu tư xây dựng cơ bản, phát triển hạ tầng đô thị, giải quyết các vấn đề dân sinh bức xúc trên địa bàn quận.
Kiến nghị phân cấp quản lý và bố trí vốn đầu tư cho các dự án
Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Anh Quân – Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên kiến nghị lãnh đạo TP về 3 vấn đề lớn, đó là: phân cấp quản lý đô thị, đầu tư xây dựng cơ bản và kế hoạch xây dựng các dự án trong năm 2012. Theo đó, về phân cấp quản lý đô thị, UBND quận đề nghị TP giao cho quận quản lý toàn bộ hệ thống thoát nước, chiếu sáng, với nguồn kinh phí lên đến cả chục tỷ đồng, nhưng hiện còn thiếu, đề nghị TP cấp bổ sung. Bên cạnh đó, về các vấn đề duy trì vệ sinh môi trường cũng cần TP cấp bù kinh phí 11,768 tỷ đồng. Riêng về vấn đề xã hội hóa vườn hoa, hồ, để giảm thiểu ngân sách chi phí cho công tác duy tu, duy trì vườn hoa cây xanh, UBND quận đề nghị TP cho phép lập đề án xã hội hoá một số vườn hoa, hồ, kết hợp kinh doanh dịch vụ; dự kiến tổ chức thực hiện từ tháng 1/1/2012. Ngoài ra, về phân cấp quy hoạch, quận đề nghị TP ủy quyền phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng, chỉ giới đường đỏ cho các ô đất nằm trong phạm vi đồ án quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 đã được UBND TP phê duyệt…
Tiếp theo, về công tác đầu tư xây dựng cơ bản, ông Quân cho biết, đến thời điểm hiện nay, UBND quận đã giải ngân 72,44/84 tỷ đồng cho 20 dự án, đạt tỷ lệ 86% kế hoạch vốn. Theo đó, quận đã khởi công xây dựng tuyến đường nối từ Quốc lộ 1B vào khu đô thị mới Việt Hưng; xây dựng tuyến đường nối từ đường Nguyễn Văn Cừ qua đường Nguyễn Sơn tới đường Ngọc Thụy đi khu đô thị mới Thạch Bàn; Tu bổ, tôn tạo di tích đình, chùa Lệ Mật…
Nhìn chung, đối với các dự án thực hiện nhu cầu cần vốn bổ sung trong năm là 467,4 tỷ đồng, đề nghị TP xem xét cấp bổ sung… Riêng về công tác chuẩn bị đầu tư, lãnh đạo quận cho biết hiện gặp một số vướng mắc trong quy hoạch hai bên tuyến đường; đầu tư di chuyển hệ thống điện theo quy hoạch; khâu thẩm định của các sở, ngành kéo dài, mất nhiều thời gian… nên khá nhiều dự án quận đã trình nhưng chưa được phê duyệt như: Xây dựng tuyến đường Thạch Bàn từ đê sông Hồng đến đường Nguyễn Văn Linh; Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất để đấu giá quyền sử dụng đất…
Đáng chú ý, trong năm 2012, UBND quận Long Biên dự kiến triển khai khoảng 46 dự án từ nguồn vốn của TP với nhu cầu khoảng 2.181 tỷ đồng, đề nghị UBND TP và Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét giao kế hoạch vốn. Theo đó sẽ đầu tư các tuyến đường giao thông chính; tuyến đường khớp nối với các khu đô thị mới Sài Đồng; nhà ở cán bộ chiến sỹ phường Thạch Bàn; đầu tư 28 tuyến đường trong khu dân cư theo quy hoạch; xây dựng khu tái định cư tập trung; xây dựng hệ thống hạ tầng xã hội trong khu đô thị và tái định cư (dự kiến xây dựng 13 trường học với tổng kinh phí xin TP hỗ trợ 161 tỷ đồng); giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch…
Theo ông Quân, dự kiến tổng nhu cầu đầu tư trên địa bàn quận trong 5 năm tới rất lớn khoảng 10.400 tỷ đồng, trong khi nguồn thu của quận còn nhiều hạn chế mà đặc biệt là từ nguồn tiền sử dụng đất sẽ giảm dần qua các năm. Để phát triển cơ sở hạ tầng theo quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế của quận đã được Quận ủy – HĐND quận thông qua, UBND quận đề nghị UBND TP cho phép sử dụng toàn bộ nguồn thu từ tiền sử dụng đất trên địa bàn quận để đầu tư các dự án phát triển hạ tầng giao thông trên địa bàn quận.
Đồng tình với những kiến nghị của UBND quận Long Biên, bà Ngô Thị Thanh Hằng – Trưởng Ban tổ chức Thành ủy đánh giá, trong những năm qua, quận Long Biên đã có tốc độ đô thị hóa nhanh. Trong giai đoạn 5 năm tới, nhiệm vụ của quận là rất lớn nhất là trong lĩnh vực phát triển hạ tầng kỹ thuật đầu tư. Quận ủy Long Biên cũng đã nêu rõ nhiệm vụ trọng tâm, hạ tầng kỹ thuật phải đồng bộ, hiện đại, đi trước một bước so với phát triển kinh tế; và đó cũng là mong mỏi của các cử tri, nhân dân nơi đây. Theo đó, bà Hằng đề nghị các sở, ngành, UBND TP bố trí đủ nguồn vốn cho các dự án đầu tư xây dựng cơ bản của quận trong năm 2011, ưu tiên cho các công trình văn hóa, thể thao, trường học; quan tâm đến các dự án quận đã chủ động đề xuất trong kế hoạch năm 2012. Riêng về cơ chế giải quyết vốn, bà Hằng đề nghị TP giải quyết cho từng công trình, không chờ cơ chế chung của cả TP, phải trình qua HĐND sẽ rất lâu.
Ông Vũ Đức Bảo – Bí thư quận Long Biên cũng phát biểu: Điều khó nhất hiện nay với quận là cơ chế đầu tư các dự án, nếu tháo gỡ được sẽ đẩy nhanh được tiến độ thực hiện các dự án. Đề nghị các sở, ngành cho cơ chế với từng dự án.
Đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa quận Long Biên, góp phần giãn dân phố cổ
Sau khi nghe ý kiến đóng góp từ các sở, ngành, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Khôi nhận định: Trong thời gian qua, đặc biệt trong 8 tháng đầu năm 2011, quận Long Biên đã tích cực tập trung cho công tác đầu tư xây dựng cơ bản, chỉnh trang đô thị, đạt nhiều kết quả. Với những kiến nghị của quận, như vấn đề phân cấp hạ tầng kỹ thuật xã hội, thống nhất phân cấp và chuyển giao hệ thống chiếu sáng, thoát nước, công viên cây xanh cho quận quản lý; tập trung cấp bổ sung thêm cho quận gần 24 tỷ đồng. Bên cạnh đó, theo Phó Chủ tịch, quận Long Biên ở phía Bắc sông Hồng có tốc độ đô thị hóa nhanh, cần nghiên cứu chính sách, góp phần giãn mật độ dân cư trong nội thành, đi đầu trong phát triển đô thị. Quận cần chủ động phối hợp với Tập đoàn HUD, quận Hoàn Kiếm trong việc thực hiện đề án giãn dân phố cổ sang khu đô thị Việt Hưng.
Phó Chủ tịch cũng gợi ý, trên địa bàn quận nên tạo dựng một số kiốt bán hoa, báo chí/tạp chí ở vỉa hè, khu vực công cộng nhưng phải đảm bảo trật tự. Quận cũng nên phát triển hình thức chợ đêm, đưa vào giới thiệu các sản phẩm nghề, tránh như chợ đêm Đồng Xuân bán toàn hàng Trung Quốc và chủ yếu phục vụ ăn đêm. Bên cạnh trật tự xây dựng đô thị đang thực hiện, quận nên quan tâm đến trồng cây đô thị đường kính to; như đường Ngô Gia Tự nên trồng cây sao đen….Về công viên, cây xanh, hồ ao, quận nên cho xã hội hóa theo hình thức BT (kinh doanh, chuyển giao). Hơn nữa, Phó Chủ tịch cũng hy vọng quận Long Biên ở cửa ngõ Thủ đô phía Bắc sẽ đột phá xây dựng các trạm rửa xe, kết hợp dịch vụ, làm đẹp đô thị.
Mặt khác, Phó Chủ tịch cũng đề nghị quận quan tâm đến các quy hoạch chuyên ngành trên địa bàn như thoát nước, giao thông… Về 6 dự án quận kiến nghị đã trình nhưng các ngành chưa duyệt, Phó Chủ tịch đồng ý khi trình lên TP sẽ xem xét ngay.
Bên cạnh đó, về các tuyến đường quận đề nghị đầu tư, Phó Chủ tịch đồng ý giao cho quận chủ động thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư. Với việc xây dựng các khu tái định khu tái định cư trên địa bàn quận, TP và các ngành đồng thuận hỗ trợ để quận thực hiện nhanh, tháo gỡ việc thiếu nhà định cư vốn đang diễn ra trầm trọng trên khắp địa bàn Hà Nội.
Ngoài ra, với kiến nghị của quận về cơ chế vốn, để lại nguồn thu sử dụng đất trên địa bàn, Phó Chủ tịch giao trách nhiệm cho quận phối hợp với Sở Tài chính nghiên cứu áp dụng trước với những dự án cấp bách, hoặc đang triển khai dở dang, trình TP để ứng vốn trước. Hơn nữa với việc giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch trên địa bàn quận (42 dự án), quận phải xem xét lựa chọn lại nhà đầu tư, với những chủ đầu tư yếu cần thay thế nhà đầu tư khác. Ưu tiên giải phóng mặt bằng, xây dựng trường học, giải quyết bức xúc cho nhân dân.
Hơn nữa, với các dự án quận đã lên kế hoạch triển khai trong năm 2012, Phó Chủ tịch giao trong tháng 9/2011, Sở Xây dựng phối hợp với quận Long Biên kiểm tra để sắp xếp thứ tự dự án đầu tư theo hướng ưu tiên đầu tư các dự án phát triển hạ tầng xã hội trên địa bàn.
Có thể thấy với sự chỉ đạo sát sao của Thành ủy, UBND TP Hà Nội, quận Long Biên sẽ có thêm cơ hội để đẩy mạnh việc phát triển hạ tầng xã hội, đô thị hóa thành một quận có kinh tế - xã hội phát triển ở khu vực phía Bắc Thủ đô; nâng cao chất lượng đời sống cho nhân dân trên địa bàn.
DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: